Y tế

Có nên nới lỏng đi lại với người đã tiêm 2 mũi vaccine Covid-19?

05/09/2021, 20:16

Nhiều ý kiến cho rằng nên nới lỏng việc đi lại với những người đã đáp ứng đủ thời gian 14 ngày sau tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19.

“Nên từng bước nới lỏng đi lại với người đã tiêm vaccine Covid-19”

Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cho biết: “Với tình hình hiện tại của TP. HCM - có tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cao, có thể tính tới phương án nới lỏng giãn cách.

Cơ quan chức năng cần tính đến bài toán phù hợp cho người đã tiêm 1 mũi, hoặc đủ hai mũi vaccine cũng như người nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh đến khi họ quay trở lại công việc của mình. Việc chờ đợi tiêm đủ vaccine biết đến bao giờ, trong bối cảnh vừa phòng chống dịch, vừa phải phát triển kinh tế, không thể đóng cửa mãi được…”.

img

Có nên nới lỏng đi lại với người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19?

Được biết, TP. HCM đang dự thảo kế hoạch phục hồi kinh tế do tác động của Covid-19, trong đó có dự kiến áp dụng việc kiểm soát người dân di chuyển, làm việc, tham gia các hoạt động tại nơi công cộng khi đã có “giấy thông hành vaccine” thay cho các hình thức quản lý khác như giấy đi đường, khai báo di biến động dân cư, kết quả xét nghiệm âm tính...

Trong khi đó, tại Bình Dương, tỉnh cũng đang tính phương án cho những người dân tiêm 2 mũi vaccine sẽ được cấp giấy thông hành. Đồng thời, xem xét thêm đối với trường hợp tiêm 1 mũi vaccine đủ 20 ngày để cấp giấy thông hành trong thời gian tới. Hiện tỉnh đang giao ngành y tế và các cơ quan chuyên môn nghiên cứu tính về phương án này.

PGS, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, cần sớm có hướng dẫn về cấp giấy thông hành với nhóm đã tiêm đủ 2 mũi vaccine đủ thời gian tạo miễn dịch. Tính toán việc nới lỏng từng bước, có thể vẫn phải quản lý chặt chẽ khu vực đông người, còn tại khu vực ít người, mọi người đã tiêm vaccine và mắc bệnh đã khỏi có thể đi làm.

Điều kiện cần để nới lỏng đi lại

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS, BS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực phía Bắc dẫn chứng, trên thế giới, một số nước cũng áp dụng chính sách cho phép đi lại với những người đã hoàn thành 2 mũi vaccine mà không cần đánh giá kháng thể, nhưng thực tế hiện nay đang chứng minh việc áp dụng đó không ổn.

“Số lượng người bị nhiễm đột phá khá cao, lên tới 40% tùy loại vaccine (vaccine có tỷ lệ nhiễm đột phá dao động từ 20% đến 40%). Đối với Việt Nam chúng ta hiện nay cũng không biết có thuộc diện có bị nguy cơ bị nhiễm đột phá hay không?”, TS. Thái đặt dấu hỏi.

Theo phân tích của TS. Thái, ngay cả trong trường hợp tiêm rồi, khi bị nhiễm SARS-CoV-2 vẫn có số lượng ngày nhất định đào thải dữ dội, dù thời gian có thể ngắn hơn với người không được tiêm. Do vậy vẫn mang nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Việc hoàn thành 2 mũi tiêm phòng Covid-19 chỉ có giá trị bảo vệ người được tiêm khi nhiễm bệnh sẽ có tình trạng lâm sàng nhẹ, tải lượng virus thấp nhưng vẫn có nguy cơ lây nhiễm. Do đó, nếu đặt ra vấn đề lịch sử đã hoàn thành tiêm chủng vaccine Covid-19 để kết luận được đi lại thoải mái là rất khó.

Tuy nhiên, ông Phạm Quang Thái cho rằng, để hài hòa việc hoàn thành tiêm vaccine với nới lỏng đi lại còn cần phải đánh giá được cộng đồng người này sinh sống là an toàn. Tức là địa phương nơi người tiêm vaccine ở đã được tiêm chủng với tỷ lệ cao, đã tiêm hết cho những đối tượng như người cao tuổi, người bệnh nền thì có thể tính tới việc cho đi lại thoải mái trong vùng an toàn.

Tuy nhiên, nếu trong vùng không an toàn, tỷ lệ tiêm cho người già, không có bệnh nền chỉ dưới 50% thì không thể thoải mái đi lại được.

"Một người chỉ có thể thoải mái đi lại khi đã tiêm vaccine, xét nghiệm âm tính, lịch sử đi lại an toàn. Vì thế, bên cạnh kiểm soát cá nhân về tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm âm tính của người dân, cơ quan chức năng phải kiểm tra tính an toàn của người đó qua lộ trình đã đi", ông Thái nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.