Quản lý

Có nên nới tiêu chuẩn giáo viên dạy lái xe?

29/10/2024, 10:00

Nhiều ý kiến đề xuất nới tiêu chuẩn giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô chỉ cần có bằng tốt nghiệp cấp 3, thay vì phải có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp như hiện nay.

Tuy nhiên, nếu giáo viên thiếu bằng cấp, thiếu phương pháp, khả năng truyền đạt, học viên rất khó nắm bắt, chất lượng đào tạo lái xe khó có thể nâng cao.

Dạy giỏi không phụ thuộc bằng cấp?

Cách đây hơn 2 năm, khi biết một trường đào tạo lái xe ở Hà Nội có nhu cầu tuyển giáo viên dạy thực hành lái xe, anh Nguyễn Mạnh Hưng (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) quyết định nộp hồ sơ. Tuy vậy, do không có bằng trung cấp chuyên nghiệp nên anh không được nhận.

Có nên nới tiêu chuẩn giáo viên dạy lái xe?- Ảnh 1.

Theo chuyên gia, để đảm bảo chất lượng học viên thì vai trò của người giáo viên có ý nghĩa lớn. Trong đó, tiêu chuẩn bằng cấp là yếu tố quan trọng (ảnh minh họa).

"Tôi đã có hơn 10 năm làm nghề lái xe taxi, muốn thay đổi môi trường làm việc. Tuy nhiên, giờ có tuổi rồi mà còn phải đi học là rất khó khăn", anh Hưng nói.

Việc giáo viên dạy lái xe phải có bằng trung cấp chuyên nghiệp được quy định tại Nghị định 65/2016 quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe. Để hướng dẫn thi hành Luật Đường bộ 2024, việc sửa đổi nghị định đang được cơ quan chức năng triển khai.

Đóng góp ý kiến, Hiệp hội Vận tải ô tô VN đề xuất giáo viên dạy lái xe chỉ cần tốt nghiệp cấp 3 thay vì phải có bằng trung cấp như hiện hành.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, việc dạy thực hành lái xe ô tô là một lĩnh vực dạy nghề, giáo viên không nhất thiết phải có trình độ trung cấp. Yêu cầu có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trở lên gây khó khăn trong tuyển dụng giáo viên.

Thực tế này khiến một số cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe muốn đủ điều kiện hoạt động phải tìm lách luật, đi thuê bằng để "đối phó".

"Vì thế nên sửa đổi tiêu chuẩn giáo viên dạy lái xe theo hướng có bằng trung cấp trở lên hoặc tốt nghiệp THPT. Các tiêu chuẩn khác giữ nguyên theo quy định hiện hành", ông Quyền nói.

Ông Trần Văn Toản, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Đông Đô cho rằng, người dạy lái xe giỏi không phụ thuộc vào bằng cấp mà phần lớn là kinh nghiệm.

Những người đã có trình độ trung cấp lại thường không mặn mà với nghề dạy lái ô tô, trong khi đó những người có nhu cầu lại không đủ chuẩn.

"Để đảm bảo đủ điều kiện về tiêu chuẩn giáo viên, các cơ sở đã cử giáo viên đi học tại một số trường đào tạo trình độ trung cấp, nhưng lại không có liên quan gì tới lái xe ô tô như xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, chế biến gỗ, điện dân dụng", ông Toản nói.

Muốn đào tạo bài bản phải chuyên nghiệp

Đại diện một cơ sở đào tạo lái xe tại Hưng Yên cũng cho rằng, về bản chất, học lái ô tô cũng chỉ là học nghề. Trong khi đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp cho phép công nhân có kỹ năng nghề cao không tốt nghiệp THPT vẫn được đi dạy.

"Giáo viên dạy lái xe ngoài bằng cấp 3 cần phải trải qua tập huấn, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Các quy định này đã đảm bảo điều kiện giảng dạy của giáo viên dạy thực hành và đảm bảo chặt chẽ, việc bỏ tiêu chí này không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo", vị đại diện cho hay.

Tuy nhiên, theo GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT, đội ngũ lái xe là lực lượng rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn giao thông. Để có được người lái xe đạt chuẩn, công tác đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.

Không đồng tình với để xuất hạ chuẩn nhằm nâng cao chất lượng dạy thực hành, ông Sùa phân tích: Trước đây nhiều thầy dạy lái xe chỉ cần có kinh nghiệm, không có bằng cấp chuyên môn hay nghiệp vụ sư phạm vẫn được đào tạo học viên.

Tuy nhiên, kể từ khi có quy định, chất lượng đào tạo đã được nâng lên nhiều. Ngoài việc có "tay lái cứng", tài xế còn phải có đạo đức, văn hóa trong giao tiếp và ý thức trong việc chấp hành luật khi tham gia giao thông".

Vẫn cần giữ quy định

Theo ông Sùa, nếu công tác đào tạo thiếu phương pháp, khả năng truyền đạt, kỹ năng sư phạm, học viên cũng khó nắm bắt. Muốn đầu ra chất lượng, phải có một quy trình chất lượng.

"Để đảm bảo chất lượng học viên, vai trò của người giáo viên có ý nghĩa lớn. Trong đó, tiêu chuẩn bằng cấp là yếu tố quan trọng. Một người được đào tạo trình độ trung cấp chắc chắn kiến thức, kỹ năng, ý thức chấp hành pháp luật phải hơn người mới chỉ tốt nghiệp cấp 3", ông Sùa nêu quan điểm.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cục Đường bộ VN cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, Bộ GTVT nhận được ý kiến góp ý về việc giảm tiêu chuẩn đối với giáo viên dạy thực hành lái xe, theo hướng chỉ cần có bằng tốt nghiệp cấp 3.

Tuy nhiên, quy định giáo viên dạy thực hành lái xe phải có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề trở lên đã được thực hiện từ năm 2007 cho đến nay. Mục tiêu cao nhất là đảm bảo chất lượng đào tạo lái xe.

"Vì vậy, trong tờ trình dự thảo, Bộ GTVT tải xin ý kiến Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành, nhằm đảm bảo chất lượng đội ngũ này", vị đại diện cho hay.

Theo dự thảo sửa đổi Nghị định 65, người dạy thực hành lái xe phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ sơ cấp; giáo viên dạy lái ô tô phải có giấy phép lái xe hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo nhưng không thấp hơn hạng B2.

Giáo viên dạy các hạng B1, B2 phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ ba năm trở lên, kể từ ngày được cấp; giáo viên dạy các hạng C, D, E và F phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ năm năm trở lên, kể từ ngày được cấp; đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành và được cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe.

Vì sao đề xuất “hạ chuẩn” giáo viên dạy lái xe?Vì sao đề xuất “hạ chuẩn” giáo viên dạy lái xe?

Thay vì có bằng trung cấp, tới đây, giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô có thể chỉ cần tốt nghiệp THPT, có GPLX và có số giờ lái xe an toàn theo quy định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.