Giảm giá quá sâu là tự làm yếu mình
Vấn đề nới trần, áp sàn giá vé máy bay được đặt ra trong bối cảnh các hãng hàng không vốn đã “ốm yếu” vì dịch Covid-19 lại càng suy kiệt do phải đua cạnh tranh bằng giảm giá vé dưới cả giá thành. Ghi nhận của PV Báo Giao thông, việc có nên áp sàn giá vé máy bay trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp nhận được sự quan tâm không chỉ của các hãng mà của cả chuyên gia và hành khách.
Trao đổi với Báo Giao thông, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng không VN Bùi Doãn Nề cho biết, Hiệp hội vẫn chưa nhận được đề nghị của doanh nghiệp vận tải hàng không nào về vấn đề tăng trần hay áp sàn giá vé máy bay.
Tuy nhiên, dưới góc độ nghiên cứu cá nhân, ông Nề nói: "Về cơ bản giá là do quan hệ cung cầu, do thị trường quyết định. Giá cả là một công cụ cạnh tranh của doanh nghiệp khi có nhiều nhà cung ứng, người hưởng lợi là khách hàng".
Trong điều kiện khó khăn do đại dịch Covid-19, hàng không và du lịch là những ngành chịu tổn thất nặng
“Trong điều kiện khó khăn do đại dịch Covid-19, hàng không và du lịch là những ngành chịu tổn thất nặng nề. Tổn thất của ngành hàng không thế giới và trong nước tới con số hàng trăm tỷ USD. Các hãng đều lỗ lớn từ vận chuyển, kinh doanh hàng không, nay lại đua nhau giảm giá thì càng làm giảm nguồn lực, giảm sức mạnh tài chính”, ông Nề nói và cho rằng: Cạnh tranh phải bằng chất lượng dịch vụ, tính toán kỹ, tránh giảm giá sâu gây thiệt hại trước mắt cũng như lâu dài cho doanh nghiệp.
Từ tháng 6/2021, Bộ GTVT đã lập Tổ công tác để triển khai, làm việc với các hãng hàng không về việc chấp hành quy định của pháp luật của Luật Cạnh tranh, Luật Giá đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa.
Cụ thể, Tổ công tác có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, nội dung và làm việc với các hãng hàng không Việt Nam vàkịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm hoặc đề xuất xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Tổ công tác phải báo cáo kết quả làm việc về Bộ GTVT, trong đó làm rõ việc chấp hành các quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá, đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa của các hãng hàng không Việt Nam; kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền về phương án xử lý những tồn tại, vướng mắc.
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc áp dụng giá trần mà không có giá tối thiểu nếu kéo dài, dù muốn hay không, trực tiếp và gián tiếp, trước mắt và lâu dài sẽ chỉ thúc đẩy cạnh tranh về giá, coi nhẹ hoặc hạn chế việc cạnh tranh bằng nâng cao chất lượng dịch vụ, tiện ích cho khách hàng, thậm chí tạo áp lực và động lực buộc doanh nghiệp lựa chọn giảm chất lượng dịch vụ để giảm chi phí khai thác…
Kết cục, các hãng hàng không khó cân đối được hiệu quả khai thác hai chiều của đường bay; thiếu động lực mở đường bay mới hoặc tăng tần suất để đáp ứng nhu cầu đi lại; cản trở hoạt động và sự linh hoạt phát triển trong trường hợp các yếu tố đầu vào thay đổi về chi phí như giá nhiên liệu, tỷ giá, nhân công.
Ngoài ra, việc này cũng tước bỏ hay hạn chế quyền lợi và nhu cầu của những đối tượng khách sẵn sàng chi trả cao hơn mức giá trần để được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Yếu càng thêm yếu
Cũng liên quan đến vấn đề này, tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn vừa yêu cầu Cục Hàng không VN khẩn trương nghiên cứu, báo cáo và có đề xuất về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa để phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam, nhất là tại TP.HCM - nơi có mật độ các chuyến bay đi đến nhiều nhất nước.
“Việc khai thác các chuyến bay rất hạn chế. Thực tế đã tạm dừng khai thác chuyến bay đi từ TP.HCM đến một số địa phương. Nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh. Các hãng hàng không gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nêu rõ.
Liên quan đến khung giá vé máy bay, tìm hiểu của PV, trước đây, từng có hãng hàng không đề xuất tăng giá trần và áp giá sàn, đồng thời coi đây là giải pháp để hãng hàng không vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo hãng này, dịch Covid-19 khiến thị trường hàng không chứng kiến mặt bằng giá vé máy bay rẻ chưa từng có trong năm 2020. Thậm chí, dịp Tết Nguyên đán 2021, các hãng hàng không “đua” giảm giá vé máy bay tới mức chạm đáy, ngay cả Vietnam Airlines cũng đưa ra mức giá vé 98.000 đồng cho nhiều chặng bay.
Gần đây nhất, trước khi dịch bùng phát, ngay giữa cao điểm nghỉ lễ 30/4, 1/5, khách hàng cũng dễ dàng đặt vé đi Đà Nẵng với mức vài trăm, thậm chí chỉ vài chục nghìn đồng.
“Để hút thị trường nội địa khi quốc tế đóng băng, hơn 1 năm qua, các hãng liên tục cuộc đua giá rẻ, thấp hơn giá thành, dẫn tới dù lượng vé bán ra tăng lên song doanh thu phục hồi chậm”, lãnh đạo một hãng hàng không khẳng định, đồng thời cho rằng cần có chính sách quản lý, điều tiết giá vé máy bay, đặc biệt là áp sàn giá vé trong bối cảnh đặc thù hiện nay, nhằm chấm dứt cuộc đua giảm giá vô tội vạ, tự làm yếu mình, trái với nguyên tắc hạch toán kinh doanh thị trường.
“Giá tối thiểu chỉ phát huy tác dụng tích cực cho nền kinh tế khi công bằng và hài hòa quyền lợi của các hãng hàng không, người tiêu dùng và các cơ quan quản lý liên quan. Bộ giá tối thiểu phù hợp và minh bạch sẽ nhận được sự đồng thuận xã hội cao khi được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu xác định được các chi phí hợp lý tối thiểu cho các hoạt động và điều kiện vận chuyển cùng loại của các hãng hàng không khác nhau”, vị này nói và cho rằng, hành khách chọn bay giờ đẹp, loại máy bay hiện đại, với nhiều dịch vụ hơn thì phải chấp nhận giá vé cao hơn. Nếu chọn giờ bay thấp, loại máy bay ít hiện đại hơn, giá sẽ “mềm” hơn.
Theo quy định tại Luật Hàng không dân dụng VN, hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ GTVT quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT. Hiện tại, khung giá dịch vụ vận chuyển được quy định cụ thể tại Thông tư số 17/2019. Theo đó, khung giá có dải giá từ 0 (không) đồng đến mức tối đa của từng nhóm cự ly bay.
Cùng với sự tham gia của ngày càng nhiều các hãng hàng không tư nhân, thị trường vận chuyển nội địa đã có tính cạnh tranh rất cao về giá vé, với dải giá linh hoạt nhiều mức giá (khoảng 10-15 mức giá), tương ứng với các điều kiện dịch vụ và thời điểm mua khác nhau.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận