Đường sắt

Có nên quy định niên hạn toa xe?

05/04/2016, 06:42

Việc quy định niên hạn toa xe hàng để loại bỏ bớt những toa xe lạc hậu, mất an toàn là rất cần thiết.

5

Nhiều toa xe hàng “tuổi đời” cao vẫn được TCT Đường sắt VN khai thác vì kinh phí để thay thế ngay những toa xe này rất lớn - Ảnh: K.Linh

Với số lượng lớn toa xe hàng có tuổi đời cao, thậm chí trên 50 năm, việc quy định niên hạn để loại bỏ bớt những toa xe lạc hậu, mất an toàn là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, cần xây dựng lộ trình phù hợp để tránh lãng phí và không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN).

Toa xe hàng chạy được bao nhiêu năm?

Theo Cục Đăng kiểm VN, tính đến 31/12/2015 toàn quốc có 6.134 toa xe chở hàng (gồm nhiều loại: Có mui, thành cao, thành thấp, mặt bằng, xi-téc…) của các DN trong và ngoài ngành Đường sắt. Trong số này, nhiều toa sử dụng từ rất lâu, thậm chí có những toa xe “tuổi đời” tới 53 năm.

Về phía Tổng công ty Đường sắt VN, đơn vị này cho biết đang quản lý, khai thác 4.947 toa xe hàng các loại, hầu hết đã cũ và lạc hậu. Có nhiều toa sản xuất từ những năm 60 của thế kỷ trước, tải trọng thấp và khai thác kém hiệu quả, không phù hợp với điều kiện vận tải hiện nay. Cụ thể hơn, Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, toa xe sử dụng từ 10 - 20 năm chỉ chiếm khoảng 32,26%; Trong khi đó, số lượng toa xe sử dụng trên 40 năm chiếm tới 28,93%.

Việc sử dụng toa xe hàng có “tuổi đời” cao và lạc hậu liệu có nguy cơ mất an toàn chạy tàu? Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Văn Trường, Trưởng ban Đầu máy toa xe Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, tuy toa xe hàng đang vận dụng có tuổi đời cao nhưng mức độ vận dụng thấp (km chạy không cao) nên không ảnh hưởng nhiều như toa xe của các nước có cường độ khai thác lớn. Mặt khác, theo chu kỳ bảo dưỡng của nhà chế tạo, ngành Đường sắt duy trì thường xuyên. Về quản lý an toàn kỹ thuật, theo ông Trần Xuân Sinh, Trưởng phòng Đường sắt (Cục Đăng kiểm VN), các DN vận tải đường sắt đều phải thực hiện quy định về an toàn kỹ thuật toa xe. Cụ thể, toa xe khi được nhập khẩu hoặc thiết kế, sản xuất, lắp ráp trong nước đều được Cục Đăng kiểm VN chứng nhận chất lượng. Khi đưa vào khai thác đều có giấy chứng nhận đăng ký và đăng kiểm do Cục Đăng kiểm VN cấp.

Cần có lộ trình thực hiện niên hạn phù hợp

Hiện Bộ GTVT đang bàn thảo việc đưa qui định niên hạn phương tiện đường sắt, trong đó có toa xe hàng vào Luật Đường sắt sửa đổi. Về vấn đề này, ông Trường cho biết, chủ trương là rất đúng, vì toa xe đường sắt cũng như các loại phương tiện khác đều có tuổi thọ làm việc nhất định, cần phải qui định niên hạn sử dụng nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu. Việc quy định niên hạn cũng đồng thời tạo cơ sở cho Tổng công ty Đường sắt VN và các DN khác có kế hoạch và lộ trình để đổi mới phương tiện trong tương lai.

- Theo Tổng công ty Đường sắt VN, các cơ quan chức năng nên tính toán quy định đối với đầu máy kéo tàu khách, toa xe khách niên hạn không quá 45 năm tính từ khi sản xuất; Còn với đầu máy kéo tàu hàng, toa xe hàng niên hạn sử dụng không quá 50 năm.

- 10 năm qua, Tổng công ty Đường sắt VN đã tiến hành đầu tư nhập khẩu, đóng mới 827 toa xe hàng các loại. Hiện đang tiến hành triển khai dự án đóng mới 250 toa xe Mc chở container, phù hợp với hình thức vận chuyển hàng hóa hiện đại Logistics. Riêng Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn dự kiến đóng mới 150 toa xe Mc trong năm 2016 để thay thế 156 toa xe cũ đã sử dụng trên 40 năm.

Tuy nhiên, theo ông Trường, để không ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của DN, cần có lộ trình dài hạn. “Theo Dự thảo đề xuất qui định niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt do Cục Đăng kiểm VN trình Bộ GTVT, số lượng toa xe hàng phải thanh lý chiếm tới gần 50% tổng số toa xe hiện có. Việc đầu tư ngay một lượng lớn toa xe hàng như vậy là bất khả thi vì thiếu kinh phí cũng như cần có thời gian”, ông Trường nói và cho biết thêm, chi phí cho đóng mới một toa xe Mc chở container gần 1,2 tỷ đồng, với toa xe G mui kín con số này lên đến khoảng 1,8 tỷ đồng.

Là DN đang trực tiếp quản lý, khai thác 1.303 toa xe hàng, trong đó có đến 803 toa xe đã sử dụng trên 30 năm, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn Phạm Ngọc Đảng cho rằng: “Nếu không có lộ trình, chúng tôi sẽ hết phương tiện để khai thác. Hơn nữa, bây giờ cổ phần rồi, việc đầu tư toa xe phải được sự nhất trí của cổ đông, phải đảm bảo hiệu quả”.

Đồng quan điểm, ông Trần Xuân Sinh cho biết, trên thế giới có nước quy định niên hạn sử dụng của toa xe, có nước không. Với thực tế của Việt Nam, nên quy định niên hạn sử dụng toa xe. “Tuy nhiên, cần đặt lộ trình thực hiện thích hợp. Việc quy định niên hạn sẽ giúp loại bỏ được phương tiện cũ, lạc hậu kỹ thuật, chi phí bảo dưỡng cao, đồng thời nâng cao chất lượng vận tải đường sắt, tạo điều kiện để công nghiệp đường sắt phát triển”, ông Sinh nói. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.