Điều này khiến nhiều cơ sở công lập gặp khó trong việc mua xe mới, ảnh hưởng chất lượng đào tạo lái xe.
Không được đăng kiểm vẫn khó đổi xe mới
Nhiều trung tâm đào tạo lái xe vẫn sử dụng xe ô tô có niên hạn lâu năm cho học viên tập lái (Ảnh minh họa)
Khoảng 23h ngày 4/12, người dân thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang phát hiện một chiếc xe ô tô Matiz đang bốc cháy ở bãi rác tại địa phương. Nguyên nhân được xác định là do chiếc xe này bị chập điện.
Theo lực lượng chức năng, chiếc xe do anh Nguyễn Văn Đ. ở xã Xương Lâm là chủ sở hữu. Do mới được cấp bằng lái xe nên anh Đ. mua lại chiếc xe cũ của một người bạn với giá 50 triệu đồng để tập lái.
Chiều 4/12, anh Đ. và một người bạn điều khiển xe ra khu vực trên để tập luyện. Đi được một lát, anh thấy xe bốc mùi khét, kiểm tra thì thấy xe có dấu hiệu bị cháy nên nhanh trí điều khiển đến bãi rác và thoát ra ngoài.
Tìm hiểu của PV, hiện có nhiều trung tâm đào tạo lái xe sử dụng xe ô tô cũ nát, có niên hạn lâu năm cho học viên tập lái. Lý do được đưa ra là sử dụng ôtô cũ vì những xe này thường có ít công nghệ, tính năng hiện đại, giúp học viên tập trung khi cầm lái. Bên cạnh đó, việc sử dụng xe cũ cũng buộc học viên phải luyện tập kiểm soát và xử lý khi gặp tình huống trên đường.
Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho hay, Nghị định 65/2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe có quy định, đào tạo lái xe là ngành kinh doanh có điều kiện.
Tuy nhiên, Nghị định lại không quy định niên hạn đối với xe ô tô tập lái. Tại TP.HCM có nhiều cơ sở sử dụng xe ô tô có niên hạn lên tới 25 năm để dạy lái. Việc này vừa khó đảm bảo chất lượng dạy và học, vừa gây mất ATGT.
“Nhiều cơ sở đào tạo công lập trên địa bàn TP.HCM có xe tập lái cũ nát không thể đăng kiểm được nữa vẫn không thay được phương tiện mới. Nguyên nhân là phải căn cứ quy định về đơn giá, định mức, tiêu chuẩn. Trong khi định mức, tiêu chuẩn sửa đổi nhiều năm nay chưa xong nên rất khó thực hiện. Thêm nữa, muốn đổi xe mới, các cơ sở phải làm dự toán và làm công tác đấu thầu. Điều này cũng làm tính cạnh tranh của các cơ sở công lập giảm sút so với cơ sở đào tạo tư nhân”, ông An cho hay.
Sẽ nghiên cứu khi sửa Nghị định
Luật Giao thông đường bộ mới chỉ quy định niên hạn sử dụng với xe vận tải hàng hóa và xe khách. Theo đó, với ô tô chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên, niên hạn sử dụng không quá 20 năm. Với ô tô chở hàng và những trường hợp ô tô quá niên hạn sử dụng được chuyển đổi mục đích, niên hạn sử dụng không quá 25 năm.
Nếu không làm tốt công tác đào tạo, sát hạch, chất lượng lái xe sẽ không đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Trước mắt, Cục Đường bộ VN sẽ rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật đã có và tăng cường thanh tra, kiểm tra, xem xét trách nhiệm của các sở GTVT. Về lâu dài, cần có cơ chế, chính sách, giải pháp kịp thời, hiệu quả nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ VN
Đối với ô tô chở người dưới 9 chỗ (gồm cả người lái) không có niên hạn sử dụng. Trong khi đó, hiện các cơ sở đào tạo chủ yếu sử dụng xe ô tô con dưới 9 chỗ để đào tạo GPLX hạng B1, B2.
Ông Trần Văn Toản, Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe Đông Đô cho hay, không có trung tâm đào tạo nào muốn sử dụng xe cũ nát để dạy lái. Bởi dùng loại xe này suốt ngày phải đi sửa chữa, thậm chí tốn kém hơn bỏ tiền mua xe mới. Học viên phải học hàng nghìn km đường dài, nếu sử dụng xe cũ sẽ không chạy được.
“Có thể trước đây, nhiều trung tâm sử dụng xe cũ nát để có đầu xe làm cơ sở đăng ký quy mô, lưu lượng đào tạo. Đến nay không còn tình trạng này, thị trường đã tự đào thải, các trung tâm hầu hết phải đầu tư xe mới để vừa không phải mất chi phí bảo dưỡng, sửa chữa vừa thu hút được học viên và nâng cao tính cạnh tranh”, ông Toản nói.
Theo ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Cục Đường bộ VN), tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng số lượng cơ sở đào tạo sử dụng xe cũ nát, có niên hạn sử dụng lâu năm không nhiều. Xe cũ nát quá, chính học viên cũng không muốn học, các trung tâm cũng phải loại bỏ.
“Lĩnh vực đào tạo lái xe đã được xã hội hóa mạnh mẽ nên có sự cạnh tranh giữa các trung tâm, bản thân các cơ sở đào tạo cũng phải đổi mới phương tiện mới thu hút được học viên. Cục Đường bộ VN đang nghiên cứu, nếu cần thiết sẽ đề xuất khi sửa Nghị định 65”, ông Thống nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ VN cho hay, việc quy định niên nạn đối với xe ô tô tập lái là cần thiết, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ đào tạo, sát hạch lái xe. Điều này cũng giúp tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa cơ sở đào tạo của Nhà nước với tư nhân.
“Cục Đường bộ VN sẽ đề xuất quy định niên hạn đối với xe tập lái ô tô khi sửa đổi Nghị định 65. Việc sửa đổi sẽ được đưa vào kế hoạch sửa đổi quy định pháp luật năm 2023 của Bộ GTVT”, ông Cường nói.
Cục Đăng kiểm VN cũng cho biết, đào tạo lái xe là ngành kinh doanh có điều kiện, liên quan đến an toàn, kỹ năng điều khiển phương tiện. Vì thế, việc quy định niên hạn xe tập lái cũng là hướng tốt để đảm bảo ATGT và nâng cao chất lượng đào tạo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận