Điện ảnh

Có nên tăng thuế VAT gấp đôi với ngành làm phim?

21/11/2024, 11:43

Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT ) sửa đổi sẽ điều chỉnh tăng gấp đôi thuế giá trị gia tăng với nhóm hàng hóa, dịch vụ văn hóa, thể thao, trong đó có điện ảnh từ mức 5% hiện tại lên 10%.

Tăng thuế VAT gấp đôi ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp làm phim?

Ngay khi vừa có tin tăng thuế, 30 doanh nghiệp làm phim gồm những cái tên như: BHD, CJ CGV, Thiên Ngân, ProductionQ, Mega GS, DCine, Beta Media, Hoan Khuê, ABC Picrutes, Daylight, Chánh Phương Phim, CJ HK, VCCorp, 89s Group, Thu Trang… đồng loạt ký vào đơn kiến nghị gửi Quốc hội và Chính phủ.

Trong đó, giới làm phim bày tỏ "không xin Nhà nước đầu tư tài chính, không xin cơ sở vật chất, đất đai, nhân lực, mà chỉ xin cơ chế và chính sách đãi ngộ hợp lý để vừa đảm bảo đóng góp cho ngân sách, cho xã hội mà vẫn phát triển doanh nghiệp ổn định".

Có nên tăng thuế VAT gấp đôi với ngành làm phim?- Ảnh 1.

Trước thềm ngày họp Quốc hội bỏ phiếu về việc tăng thuế VAT ngành văn hóa diễn ra ngày 26/11, hơn 30 doanh nghiệp sản xuất phát hành phim trong nước vừa ký vào văn bản gửi đến Quốc hội và Chính phủ.

Các doanh nghiệp lập luận, việc tăng thuế VAT thời điểm này sẽ mâu thuẫn với Luật Điện ảnh 2022 trong đó quy định "Nhà nước có chính sách huy động các nguồn lực, thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, phát triển thị trường điện ảnh…".

Ngành điện ảnh cũng chỉ vừa mới hồi phục sau giai đoạn đóng băng thời Covid-19, không nên nhìn vào tín hiệu doanh thu khả quan từ một số bộ phim mà đánh đồng "toàn ngành đang giàu". Bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu và thói quen của người tiêu dùng sau đại dịch giảm, tạo nên nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp điện ảnh.

Chia sẻ với phóng viên về ảnh hưởng của tăng thuế với việc sản xuất một bộ phim, nhà sản xuất Hoàng Quân - Giám đốc ProductionQ nói: "Giả sử một bộ phim có ngân sách sản xuất 30 tỷ đồng, với mức VAT hiện tại 5% nhà sản xuất phải đóng 1,5 tỷ đồng tiền thuế. Nếu VAT tăng gấp đôi lên 10%, số tiền thuế sẽ tăng lên 3 tỷ đồng.

Số thuế đội lên đồng nghĩa với việc nhà sản xuất phải cắt giảm tiền đầu tư ở một số hạng mục sản xuất như kỹ xảo, phục trang, âm nhạc, phúc lợi nhân sự… Từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bộ phim".

Cũng theo nhà sản xuất này, không chỉ kinh phí sản xuất mà kinh phí dành cho marketing của bộ phim cũng có thể bị cắt giảm, khiến phim khó "chạm" đến khán giả, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của phim. Đó là thiệt hại "kép" đánh vào các nhà làm phim.

Mặt khác, việc này cũng tác động đến các quyết định đầu tư vào mỗi dự án phim. "Thuế tăng làm giảm lợi nhuận, khiến nhà đầu tư ngần ngại rót vốn vào các dự án không phải bom tấn hoặc có yếu tố rủi ro cao như phim lịch sử hay chuyển thể. Điều này gây khó khăn cho các ê-kíp trẻ và dự án mang giá trị nghệ thuật", anh Hoàng Quân cho biết.

Có nên tăng thuế VAT gấp đôi với ngành làm phim?- Ảnh 2.

Nhà sản xuất Hoàng Quân ở hậu trường sản xuất phim "Cám".

Không chỉ các công ty làm phim, các hệ thống rạp chiếu và khán giả cũng sẽ bị ảnh hưởng do giá vé và các chi phí vận hành khác tăng theo.

Tóm lại, toàn ngành phim sẽ chịu tác động lớn từ việc tăng thuế, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu ngành văn hóa đóng góp 8% vào GDP như bản Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030.

Có cần thiết tăng thuế với ngành văn hóa?

Từ góc nhìn chia sẻ với cơ quan làm chính sách, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho biết anh hiểu lí do tại sao Bộ Tài chính lại đề xuất tăng thuế VAT trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) lần này.

Tuy nhiên, từ thực tế trong ngành, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng, dù có tăng thuế gấp đôi với ngành điện ảnh thì hiệu quả thu ngân sách nhà nước cũng chẳng hiệu quả hơn.

"Tổng doanh thu phòng vé một năm tại Việt Nam hiện nay loanh quanh ở mức 5.000 tỷ đồng. Với mức VAT hiện tại, số tiền thuế thu được từ điện ảnh ở mức 250 tỷ, kể cả có tăng thuế lên 10% thì số thuế cũng chỉ cỡ 500 tỷ đồng", đạo diễn bày tỏ.

Có nên tăng thuế VAT gấp đôi với ngành làm phim?- Ảnh 3.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn.

Tham chiếu sang một số lĩnh vực khác để thấy, khoản thuế thu được từ ngành phim chẳng đáng là bao so với các ngành hàng khác.

Theo báo cáo của Tổng cục thuế, trong danh mục những doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất năm 2022 có một nửa là nhóm ngân hàng. Trong đó, ngân hàng làm ăn có lãi nhất 2022 là Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), chỉ riêng ngân hàng này đã nộp thuế tới 4.900 tỷ đồng. Tức là riêng một ngân hàng cũng có khả năng nộp thuế cao gấp 10 lần tổng số doanh nghiệp ngành phim.

Theo chuyên gia Trương Uyên Ly, một nhà quan sát độc lập trong lĩnh vực văn hóa, hiện nay Nhà nước ta cũng chưa có chủ trương tăng thu ngân sách từ ngành văn hóa: "Nghị quyết 33-NQ/TW của Đảng năm 2014 nêu rõ nhiệm vụ 'Đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hóa và công nghiệp văn hóa; Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 (Chính phủ phê duyệt năm 2016 theo quyết định 1755/QĐ-TTg) đã chỉ ra nhiệm vụ "Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới…; các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai".

Theo đó, miễn giảm thuế là công cụ thiết thực thể hiện ưu tiên phát triển của Đảng và Chính phủ".

Có nên tăng thuế VAT gấp đôi với ngành làm phim?- Ảnh 4.

Giới làm phim cho biết, thị trường phim Việt Nam đang gồng gánh nhiều áp lực trong việc cân bằng kinh phí từ khâu sản xuất, đến marketing.

Theo xu thế phát triển chung, các ngành công nghiệp văn hóa sẽ dần chiếm tỉ trọng GDP cao hơn, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, giúp tăng thu ngân sách. Việc tăng thuế GTGT ở một số hoạt động và dịch vụ văn hóa là điều có thể hiểu được.

Tuy thế, hiện tại đang là thời điểm mà các ngành công nghiệp văn hóa đang cần sự hỗ trợ tối đa, cần một môi trường pháp lý ổn định và có tính tháo gỡ để đạt được sự chuyển mình thực sự, có chỗ đứng vững mạnh hơn trước sức ép toàn cầu và các biến động kinh tế xã hội trong nước.

Chính vì vậy, các nhà làm phim, các chuyên gia văn hóa đều cho rằng, hiện nay chưa phải thời điểm thích hợp để tăng thuế VAT với ngành văn hóa.

Nguyễn Anh Tuấn (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.