Thời sự Quốc tế

Có nên tiêm vaccine sau khi tự khỏi hoặc được điều trị khỏi COVID-19?

28/08/2021, 17:24

Các chuyên gia Nga khuyến cáo rằng người bệnh cần tiêm vaccine sau khi tự khỏi hoặc được điều trị khỏi virus Corona chủng mới.

Tình trạng của bệnh nhân có thể cải thiện các triệu chứng hậu COVID-19 nhờ tiêm chủng ngừa vaccine.

Trong trường hợp này, những bệnh nhân mắc hội chứng hậu COVID-19 sẽ được tiêm chủng giống như những người chưa hoặc không mắc virus này.

Một thành viên cấp cao của Viện Hàn lâm Khoa học Nga – ông Alexander Gorelov, đã nói với hãng tin RIA Novosti về khuyến cáo này.

“Đã có bằng chứng cho thấy các triệu chứng hậu COVID-19 biến mất sau liều vaccine đầu tiên, tức là tình trạng bệnh có thể cải thiện.

img

Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ở Nga - ảnh tư liệu New York Times.

Ông Alexander Gorelov nói nhấn mạnh rằng, tiêm phòng chống lại các hội chứng cơ bản mà một người đã từng mắc COVID-19 thường gặp phải.

Chuyên gia Gorelov giải thích rằng, nên tiêm vaccine vào thời điểm sáu tháng sau khi bị COVID-19, vì trong thời gian này tỷ lệ kháng thể đã bắt đầu suy giảm.

Tuy nhiên, nếu bạn tiêm phòng sớm hơn mốc thời gian đó (6 tháng sau nhiễm), thì cũng sẽ không có vấn đề gì xảy ra.

Các biến chứng thường thấy hậu COVID-19

COVID-19 đã lan rộng khắp thế giới trong hơn 1 năm qua kể từ lần đầu tiên được thừa nhận tại Vũ Hán, một thành phố có hơn 11 triệu dân ở miền trung Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019.

Trong vòng một tháng sau đó, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã xác định được một loại virus Corona mới, được đặt tên là SARS-CoV-2, là nguyên nhân gây ra bệnh này.

Loại virus này có quan hệ di truyền gần nhất với một loại virus Corona được phân lập từ loài dơi móng ngựa ở Vân Nam, Trung Quốc. Chưa biết bằng cách nào loại virus từ hang dơi ở Vân Nam có thể đến được Vũ Hán, cách xa hơn 1000 km.

Mặc dù số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới hiện nay vẫn tiếp tục tăng, chúng ta vẫn ngạc nhiên vì con người vẫn biết ít về căn bệnh rất phức tạp này.

Phạm vi lâm sàng rất khác nhau. Có tới 40% số người bị nhiễm SARS-CoV-2 không hề có triệu chứng. Khoảng 80% số người có triệu chứng bị bệnh nhẹ không cần phải nằm viện; khoảng 15% số người bị bệnh đến mức bắt buộc phải nằm viện; nhưng chỉ 5% số người cần phải được chăm sóc tại khoa hồi sức tích cực, thường là thở máy để điều trị suy hô hấp.

Thời kỳ đầu của đại dịch, nhiều người tin rằng COVID-19 là một căn bệnh xảy ra trong thời gian ngắn. Vào tháng 2 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới sử dụng dữ liệu sơ bộ có sẵn tại thời điểm đó đã báo cáo thời gian từ khi khởi phát đến khi phục hồi về lâm sàng đối với các trường hợp nhẹ là khoảng 2 tuần và thời gian hồi phục mất từ 3 đến 6 tuần đối với bệnh nhân nặng hoặc nguy kịch.

Tuy nhiên, điều đó đã trở nên rõ ràng rằng ở một số bệnh nhân, các triệu chứng suy nhược vẫn tồn tại trong nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng hay cả năm. Ở một số bệnh nhân này, các triệu chứng chưa bao giờ hết.

Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận tổn thương kéo dài đối với nhiều cơ quan hoặc hệ thống, bao gồm phổi, tim, não, thận và hệ thống mạch máu, trên bệnh nhân bị nhiễm SARS-CoV-2.

Tổn thương dường như do các đáp ứng viêm nặng, bệnh vi mạch huyết khối, tuyên tắc huyết khối tĩnh mạch và thiếu oxy gây ra.

Đã thấy độ bão hòa oxy trong máu thấp ngay cả trên những bệnh nhân viêm phổi do COVID-19 không có triệu chứng và trước khi có triệu chứng, khi tình trạng này được gọi là “tình trạng thiếu oxy thầm lặng”.

Tổn thương nội tạng đã được ghi nhận vẫn tồn tại ở phổi, tim, não và thận, thậm chí ở một số người chỉ có các triệu chứng nhẹ. Tốc độ hồi phục chậm giải thích thời gian tồn tại của những gì được gọi là “hội chứng hậu COVID-19”.

img

Nga hiện là nước đạt tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 khá thấp dù có nguồn cung thuốc chủng nội địa chất lượng tốt. Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý không muốn hoặc ngại tiêm chủng.

Một số người cũng có thể bị hội chứng hậu hồi sức tích cực, một nhóm các triệu chứng đôi khi xảy ra trên những người từng là bệnh nhân ở khoa hồi sức tích cực và liên quan đến yếu cơ, các vấn đề về thăng bằng, suy giảm nhận thức và rối loạn sức khỏe tâm thần đã được quan sát thấy sau khi xuất viện khỏi khoa hồi sức tích cực thường liên quan đến thời gian thở máy kéo dài.

Triệu chứng hậu COVID-19 giống hậu nhiễm SARS

Các triệu chứng dai dẳng cũng từng xảy ra sau khi nhiễm một loại virus Corona khác, SARS-CoV-1, loại virus này đã gây ra dịch hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) vào năm 2002-2003.

Các triệu chứng dai dẳng giống như hội chứng mệt mỏi mạn tính/viêm cơ não tủy (chronic fatigue syndrome/myalgic encephalomyelitis, CFS/ME). Mệt mỏi dai dẳng, đau cơ, trầm cảm và giấc ngủ bị gián đoạn đã ngăn cản bệnh nhân SARS ở Toronto, hầu hết là nhân viên y tế, trở lại làm việc trong vòng 20 tháng sau khi nhiễm bệnh.

Bốn mươi phần trăm trong số 233 người sống sót sau SARS ở Hồng Kông được báo cáo là bị mệt mỏi mạn tính sau khoảng 3 đến 4 năm và 27% số người đạt các tiêu chuẩn do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention, CDC) đưa ra đối với hội chứng mệt mỏi mạn tính/viêm cơ não tủy. Nhiều người vẫn thất nghiệp và bị xã hội kỳ thị.

Bệnh giống hội chứng mệt mỏi mạn tính/viêm cơ não tủy, trong đó một số người nhanh chóng khỏi bệnh nhưng những người khác vẫn bị bệnh trong thời gian dài, kéo theo nhiều bệnh truyền nhiễm khác.

Ví dụ bao gồm cúm, nhiễm vi-rút Epstein-Barr (tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng), bệnh brucella, sốt Q (nhiễm Coxiella burnetii), nhiễm virus Ebola và nhiễm virus sông Ross.

Căn bệnh dai dẳng sau khi bị COVID-19 cũng được cho là giống với hội chứng mệt mỏi mạn tính/viêm cơ não tủy và những người bị hội chứng hậu COVID-19 đã tự đặt cho mình cái tên là “những người mắc chứng bệnh kéo dài”.

Tuy nhiên, không có bối cảnh rõ ràng về những gì tạo thành hội chứng hậu COVID-19. Nếu không có định nghĩa chính thức được chấp nhận về hội chứng hậu COVID-19 thì rất khó có thể đánh giá mức độ phổ biến của hội chứng, thời gian kéo dài, ai có nguy cơ mắc hội chứng, nguyên nhân gây ra hội chứng, sinh lý bệnh và cách điều trị và phòng ngừa hội chứng này. Nhưng một số nghiên cứu hiện đang bắt đầu xác định nhóm bệnh nhân như vậy.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.