Các tuyến xe buýt trọng điểm luôn chật cứng khách đi, đặc biệt là sinh viên (Chụp tại điểm xe buýt cổng trường Đại học Du lịch, đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) - Ảnh: Khánh Linh |
Nhiều ý kiến cho rằng, việc trợ giá xe buýt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM chưa đúng và trúng đối tượng. Hay nói cách khác, cần một phương án trợ giá khác để tiền trợ giá từ ngân sách phát huy hiệu quả hơn.
Hàng triệu khách đi xe buýt được trợ giá mỗi ngày
Thống kê của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội, mỗi năm có khoảng trên 460 triệu lượt hành khách đi xe buýt được trợ giá. Điều này có nghĩa, trung bình mỗi ngày có tới hơn 1,2 triệu lượt hành khách đi xe buýt được trợ giá. Con số này cũng chiếm tới 90% tổng lượng khách đi xe buýt của toàn thành phố.
Về hiệu quả của trợ giá xe buýt, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội khẳng định, mục tiêu cuối cùng của trợ giá là thu hút người dân, bất kể thành phần nào sử dụng phương tiện cộng cộng để từ đó giảm phương tiện cá nhân. “Nhờ có trợ giá, chúng ta mới có thể đưa ra một mức giá hấp dẫn hơn để thu hút người dân đi xe buýt. Với lượng khách đi xe buýt hiện nay, tôi cho rằng việc trợ giá đã và đang phát huy hiệu quả rất tốt”, ông Hải nói.
Hiện nay, Hà Nội có 72 tuyến xe buýt đang được trợ giá. Mức trợ giá biến động hàng năm và không có mức cố định. Mức này được xây dựng dựa vào kế hoạch hoạt động của các mạng lưới hiện có và dự báo yêu cầu phát triển mạng lưới giai đoạn sắp tới. Hàng năm, Sở GTVT căn cứ đưa ra phương án về trợ giá và thành phố sẽ phê duyệt. Cụ thể, trợ giá năm 2013 là 1.130 tỷ đồng, năm 2014 là 1.078 tỷ, năm 2015 là 973,6 tỷ đồng. Dự kiến năm 2016 sẽ là 935 tỷ đồng. |
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang cũng cho biết, nếu không trợ giá cho xe buýt, lượng hành khách sẽ giảm ngay tức thì, bởi giá vé sẽ tăng gấp 1,5 - 1,7 lần so với hiện nay. Với mức chi phí cao như vậy, người dân sẽ lựa chọn phương tiện giao thông khác như xe máy chẳng hạn mà không lựa chọn đi xe buýt. Mặt khác, bỏ trợ giá, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vận tải cũng sẽ không dám chạy vì sẽ thua lỗ, khi tính đủ chi phí. “Nhà nước đang cung ứng dịch vụ công cho nên bắt buộc phải bù trừ, trợ giá cho cả hành khách và doanh nghiệp vận tải. Trợ giá vì muốn mua thói quen đi lại bằng xe buýt để giảm phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc và tạo ra nếp sống văn minh đô thị”, ông Quang nói.
Liên quan đến chất lượng dịch vụ xe buýt, ông Hải khẳng định không khác biệt giữa buýt trợ giá và không trợ giá. Hiện, chúng tôi quản lý hoạt động xe buýt thống nhất bằng công nghệ tương đối hiện đại, kiểm soát chặt chẽ việc vận hành của xe buýt xem có đúng lộ trình hay không, đúng tần suất biểu đồ ra - vào, có phóng nhanh, vượt ẩu không… Bất kỳ vi phạm, sai sót nào của xe buýt cũng đều được cảnh báo về hệ thống”, ông Hải khẳng định và cho biết thêm, xe buýt cũng đã được trẻ hóa, hiện đại hóa rất nhiều, đa phần đều dưới 10 năm.
Sự thay đổi chất lượng dịch vụ buýt cũng được chính khách hàng ghi nhận. Em Nguyễn Tuấn Vũ, sinh viên Trường Đại học GTVT cho biết, em thường xuyên đi học bằng xe buýt và cảm nhận rõ sự thay đổi. “Thái độ nhân viên phục vụ trên xe buýt tận tình hơn. Khách lên xe được chỉ dẫn, sắp xếp chỗ ngồi, người già được giúp đỡ”, Tuấn Vũ nói.
Cùng quan điểm, em Nguyễn Thị Hải Yến đi tuyến buýt số 01 từ Bến xe Yên Nghĩa đến Trường Đại học Thủy Lợi chia sẻ: “Sinh viên chúng em thường xuyên đi xe buýt. Em cũng thấy xe buýt giờ có diện mạo tốt hơn. Lái, phụ xe văn minh, lịch sự hơn. Không phân biệt tuyến được trợ giá hay tuyến xã hội hóa. Bởi vậy, em mong TP thay đổi cách trợ giá cho xe buýt. Nên trợ giá trực tiếp cho hành khách để nhiều người tiếp cận với xe buýt hơn, chứ không phải trợ giá thông qua các đơn vị vận tải như hiện nay”.
Xe buýt là phương tiện tiện dụng, chi phí rẻ, ngày càng được nhân dân tin dùng - Ảnh: Tạ Tôn |
Trợ giá như hiện nay đã tối ưu?
Trao đổi với Báo Giao thông về cách thức trợ giá hiện tại, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng: “Việc trợ giá đã tương đối tối ưu trong điều kiện hạ tầng, phương tiện hiện đại, trình độ dân trí như hiện nay. Tức là phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, phương thức điều hành, cách thức bán vé”.
Về ý kiến cho rằng, cách trợ giá hiện nay chưa đúng đối tượng cần trợ giá, chưa đúng tuyến cần trợ giá, ông Hải khẳng định: Không có chuyện đó. “Trước hết, phải xem lại mục tiêu của thành phố đề ra khi trợ giá là thu hút bất kỳ đối tượng nào lựa chọn xe buýt để thay thế phương tiện cá nhân. Quan điểm là càng nhiều người đi xe buýt càng tốt, chứ không phải là nhiều người quá thì lo ngân sách”, ông Hải nhấn mạnh và cho biết thêm, không có chuyện trợ giá tràn lan. “Đã là tuyến buýt trợ giá thì hành khách nào đi trên tuyến đó cũng đều được trợ giá, dù khách nội đô hay khách vãng lai. Tuy nhiên, mức trợ giá thì khác nhau, trong đó sinh viên, người già đi xe buýt được trợ giá nhiều hơn (giảm 50% nếu mua vé tháng). Thương binh, người có công với cách mạng thậm chí còn được miễn phí 100%”, ông Hải nêu.
Mặc dù vậy, ông Hải cũng cho rằng, tới đây khi điều kiện hạ tầng tốt hơn, phải tính tới việc điện tử hóa, sử dụng thẻ thanh toán thông minh. “Có như vậy mới chính xác 100%”, ông Hải nói.
TP.HCM có 105/137 tuyến buýt được trợ giá Sáng 13/4, trên chuyến xe buýt số 86 tuyến Bến Thành - Đại học Tôn Đức Thắng (tuyến xe buýt có trợ giá), PV ghi nhận tài xế Trần Văn Khiêm và nhân viên phục vụ bán vé khá niềm nở, vui vẻ với hành khách. Tuyến xe buýt này hành khách chủ yếu là sinh viên với giá vé 2.000 đồng/lượt. Em Phùng Thị Phương Linh, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Tôn Đức Thắng chia sẻ: “Em đi tuyến xe buýt này được hơn 1 năm nhưng không thấy sự đối xử khác biệt của tài xế giữa hành khách là sinh viên và những hành khách bình thường không được trợ giá. Họ vẫn nhiệt tình giải đáp thắc mắc của hành khách…”. Theo tìm hiểu, các tuyến xe buýt không trợ giá là 12, 24, 20... giá vé cao hơn gấp 5 - 7 lần xe trợ giá. Những xe này các đối tượng ưu tiên cũng không được giảm giá vé. Cô Vũ Thị Phụng, trú ở quận 9 cho rằng: “Cơ quan chức năng cần thay đổi diện mạo xe buýt thế nào hoặc tuyên truyền, thông báo cho hành khách đâu là xe buýt trợ giá hay không trợ giá bởi phần lớn người dân chúng tôi chỉ biết tuyến xe buýt nào cần đi là đến trạm đón, chứ không biết được quyền lợi của mình có được hỗ trợ giảm giá hay không”. Ông Đậu An Phúc, Giám đốc Trung tâm Quản lý vận tải hành khách công cộng TP cho biết: “Hiện, thành phố có 105 tuyến xe buýt trợ giá và 32 tuyến xe buýt không trợ giá. Những tuyến buýt có trợ giá, hành khách đều được trợ giá tùy theo đối tượng là sinh viên, người già hay trẻ em. Còn những tuyến xe buýt không trợ giá, phần lớn là tuyến liên tỉnh và có giá cao hơn. Những tuyến này do doanh nghiệp tự cân đối thu chi. Giá vé do doanh nghiệp tự đề xuất và được Sở GTVT duyệt, khoảng 5.000 - 20.000 đồng tùy cự ly. Hành khách đi xe buýt không trợ giá không được sử dụng giá vé trả trước và không áp dụng miễn giảm đối với các đối tượng là sinh viên, người già”. Theo ông Phúc, để giúp người dân phân biệt xe buýt trợ giá và không trợ giá, trong tuần này trung tâm sẽ đề nghị 32 đơn vị kinh doanh xe buýt không trợ giá gắn logo dòng chữ “tuyến buýt không trợ giá” ở cửa xe và chạy chữ trên đèn led của xe buýt. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, năm 2002 tổng số tiền trợ giá cho xe buýt trên địa bàn TP.HCM chỉ hơn 39 tỷ đồng, đến năm 2014 là hơn 1.235 tỷ đồng. Trợ giá như hiện nay, thực chất là để hỗ trợ, bù lỗ cho đơn vị vận tải và giảm giá vé cho hành khách. Đỗ Loan - Mai Huyên |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận