Pháp luật

Có nên trang bị súng cho công an xã?

07/11/2016, 07:05
image

Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ vừa được trình Quốc hội.

conganxa
Nhiều ý kiến đề nghị không nên cấp súng cho lực lượng công an xã. Ảnh minh họa

Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ vừa được trình Quốc hội. Hiện, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc có nên cấp súng cho lực lượng công an xã và điều tra viên của VKSND Tối cao.

Vũ khí là thứ không thể dễ dãi

Cơ quan thẩm tra dự án luật là Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết, bên cạnh ý kiến đề nghị bổ sung công an xã vào đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, cũng có nhiều ý kiến không đồng tình vì cho rằng, đây không phải là lực lượng công an chính quy. Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định trang bị vũ khí quân dụng cho cơ quan điều tra của VKSND Tối cao, vì đối tượng điều tra của lực lượng này chủ yếu là cán bộ Nhà nước nên không cần thiết phải sử dụng vũ khí quân dụng.

Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, công an xã là một cấp của lực lượng Công an nhân dân. Quan điểm của Ủy ban khi thẩm tra Dự án luật này cho rằng, nên cấp súng cho lực lượng công an xã. Đối với điều tra viên của VKSND Tối cao, khi điều tra về án kinh tế thì rất phức tạp, nếu không có gì trong tay sẽ rất khó khăn. “Hơn nữa, số lượng điều tra viên chỉ có 180 người nên đề nghị ủng hộ cấp súng cho lực lượng này”, ông Việt đề xuất và cho rằng, những vụ việc nổ súng đáng tiếc xảy ra vừa qua, điển hình như vụ việc ở Yên Bái không phải do luật sơ hở, mà do ý thức của người sử dụng chưa nghiêm.

Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, chỉ nên cấp công cụ hỗ trợ chứ không nên cấp súng. “Trong trường hợp mà vẫn quyết định cấp súng cho công an xã, theo tôi, cần phải quản lý thật chặt chẽ. Cần phải nhớ rằng, lực lượng công an xã hoạt động ở địa phương tương đối độc lập chứ không như trong lực lượng vũ trang”, ông Lợi nói.

ĐBQH tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng lại cho rằng, chỉ nên cấp súng cho Trưởng công an xã chứ không nên cấp tràn lan vì thực chất lực lượng công an xã không phải là lực lượng tinh nhuệ. Hơn nữa, giải quyết những công việc địa phương nếu không khéo dễ gây ra bức xúc, từ đó dễ dẫn đến việc sử dụng súng không đúng mục đích. “Phải hết sức thận trọng trong việc này, bởi vũ khí là thứ không thể dễ dãi”, ông Nhưỡng nói.

Không cần thiết

Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền cũng bày tỏ quan điểm, không nên cấp súng cho lực lượng công an xã. Về đề xuất chính quy hoá lực lượng công an xã, ông cũng bày tỏ lo ngại: “Cả nước có hơn 11.000 xã, như vậy chỉ cần chính quy hoá một người thôi thì đã làm tăng thêm hơn 11.000 biên chế. “Rất khó thực hiện bởi việc này sẽ làm phình bộ máy biên chế khiến ngân sách không thể gánh nổi. Như vậy là trái với tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị”, ông Xuyền nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo ông Xuyền, nếu chính quy hoá công an xã thì phải đào tạo, huấn luyện, mà khi đã đào tạo xong rồi lại “chẳng ai chịu về xã làm”. “Đây không phải lực lượng vũ trang mà là lực lượng bán vũ trang nên không thể giao súng. Hơn nữa, tình trạng sử dụng súng vừa qua lại rất phức tạp, nhiều trường hợp lạm dụng súng. Nếu nói giao súng để điều tra bắt giữ tội phạm thì có lực lượng công an chính quy làm rồi, nên công an xã chỉ cần công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ trong giới hạn của mình”, ông Xuyền nói và nhấn mạnh thêm, về đối tượng điều tra viên VKSND Tối cao có thể cân nhắc trang bị súng vì dù sao đây cũng là lực lượng được huấn luyện kỹ về nghiệp vụ, được đào tạo nên có thể tin tưởng.

Trao đổi với Báo Giao thông, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, tới đây Bộ Công an sẽ cố gắng bố trí chính quy lực lượng công an xã. “Bộ Công an sẽ trình bày với Chính phủ vấn đề bố trí lực lượng công an hiện có mà không làm tăng biên chế. Hiện nay, có một số đội công an cấp huyện, công an làm công tác phong trào, làm công tác quản lý hành chính có thể tăng cường xuống cấp xã thì sẽ đỡ cho biên chế, không làm phình biên chế”, Thứ trưởng Vương thông tin.

Ông Vương cũng nhấn mạnh, quan điểm cần phải xây dựng lực lượng công an chính quy, vì xu thế các nước đều xây dựng lực lượng công an cơ sở là công an chính quy, chẳng hạn như ở Nhật, Pháp... “Công an xã của chúng ta được lựa chọn hàng năm, lại do dân cử nên nhiều khi chọn được người tốt nhưng trình độ đào tạo không có, không đảm bảo. Vì thế, chỉ nên trang bị công cụ hỗ trợ chứ chưa nên đặt vấn đề cấp súng”, ông Vương nói.

Theo Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các lực lượng được trang bị vũ khí quân dụng gồm: Quân đội nhân dân; Dân quân tự vệ; Cảnh sát biển; Công an nhân dân; cơ quan điều tra của VKSND Tối cao; Lực lượng Cơ yếu; Kiểm lâm, Kiểm ngư; Lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan; Hải quan cửa khẩu và An ninh hàng không.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.