Xử lý vi phạm nồng độ cồn, quá tải trọng đạt hiệu quả cao
Chiều 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của đoàn giám sát và thông qua nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) từ năm 2009 đến hết năm 2023".
Báo cáo của đoàn giám sát đánh giá công tác bảo đảm TTATGT trên các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không dân dụng và hàng hải đã được triển khai tích cực, đồng bộ và đạt được một số kết quả nổi bật.
Trong đó công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông đường bộ của lực lượng chức năng đạt kết quả cao. Đã tập trung ra quân xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm, trọng tâm là vi phạm nồng độ cồn, quá tải trọng.
Thảo luận về báo cáo của Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, tai nạn giao thông nhiều hơn tại các tuyến đường đèo, dốc. Vì vậy cần tập trung phân tích nguyên nhân do kỹ năng đào tạo lái xe hay do kỹ thuật phương tiện.
Ông Vinh cũng đề nghị cần quan tâm xử lý một bộ phận thanh, thiếu niên tổ chức đua xe trái phép và giao thông tại khu vực nông thôn.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về TTATGT
Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đề nghị cần đánh giá kỹ về việc quy định nồng độ cồn "bằng 0" khi tham gia giao thông được quy định trong Luật TTATGT đường bộ vừa được Quốc hội thông qua.
"Đây là vấn đề dư luận người dân rất quan tâm, ủng hộ và chấp hành nghiêm túc trong thời gian qua", bà Hải nói.
Liên quan đến an toàn giao thông đường sắt, bà Hải cho rằng, báo cáo giám sát chưa nêu kỹ vấn đề liên quan lối đi, lối mở đường sắt đang hiện hữu và đưa ra giải pháp quản lý hiệu quả, hài hòa giữa lợi ích của người dân và công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là vấn đề "cà phê đường tàu" tại TP Hà Nội.
Nhấn mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng báo cáo giám sát cần làm rõ, đánh giá kỹ hơn vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đánh giá việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương; sự tham gia của hệ thống chính trị; ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân.
Về kiến nghị của Đoàn giám sát về tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về TTATGT, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, kiến nghị giải pháp là quan trọng đối với công tác giám sát; trong đó kiến nghị cần rõ ràng, cụ thể về đề nghị ban hành nghị quyết, chỉ thị, xây dựng luật.
"Tới đây chúng ta chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao thì Quốc hội cần thiết phải ban hành nghị quyết, luật hay không", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ở nước ngoài chấp hành rất tốt, nhưng về Việt Nam lại vi phạm
Nêu ý kiến thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ đồng tình các kết quả đạt được thời gian qua.
Tuy nhiên, bà Nga đề nghị đoàn giám sát cần thẳng thắn nhìn nhận trong đảm bảo TTATGT thời gian qua có những tiêu cực gì.
Cũng theo bà Nga, một trong những nguyên nhân của mất TTATGT, tai nạn giao thông là do ý thức của người tham gia giao thông.
Bà nhấn mạnh đã nhiều lần so sánh cũng là con người đấy đi ra nước ngoài chấp hành rất tốt quy định về TTATGT ở nước ngoài, nhưng khi về Việt Nam thì vượt đèn đỏ, vi phạm rất nhiều.
Điều này chứng tỏ luật của chúng ta chưa được thực hiện nghiêm, chưa góp phần rèn giũa được ý thức người tham gia giao thông.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thì dẫn lại việc đi đường thấy rằng ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân phải xem lại.
"Khi có cảnh sát giao thông đứng ở chốt, trạm thì chấp hành nghiêm. Nhưng không có cảnh sát giao thông đứng đó thì sẵn sàng vượt đèn đỏ ngay, đi vào đường ngược chiều, đường cấm ngay.
Thậm chí ngay cả đường cao tốc còn trường hợp dừng đỗ, đi lùi, đi ngược chiều", ông Thanh nói và cho rằng ở đây cần xem có phải do chế tài còn nhẹ hay không? Hay do lực lượng chức năng tổ chức thực hiện chế tài không nghiêm?.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Xuân Sang cho biết, sau khi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc thì chắc chắn kết quả về TTATGT tốt hơn.
Đoàn giám sát đã đánh giá toàn diện về kết quả thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về TTATGT ở trong 5 lĩnh vực.
"Trong suốt quá trình làm việc, Bộ GTVT đã làm phối hợp chặt chẽ với đoàn giám sát ở 5 lĩnh vực giao thông. Báo cáo cũng đã chỉ ra những kết quả đạt được, tồn tại, đặc biệt là đưa ra các giải pháp, kiến nghị", ông Sang nói.
Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần tập trung làm rõ hơn một số vấn đề, kiến nghị.
Đồng thời đề nghị bổ sung đánh giá nhiều vấn đề, trong đó ưu điểm nổi bật về quy hoạch, chủ trương đầu tư hạ tầng giao thông trên 5 lĩnh vực.
Bổ sung đánh giá một số hiện tượng tiêu cực trong các lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ như đào tạo, sát hạch, cấp phép, kiểm định, kiểm tra, kiểm soát.
Ông Phương đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với đoàn giám sát, Chính phủ, các bộ, ngành hoàn thiện dự thảo nghị quyết, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành, gửi đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT từ năm 2009 đến hết năm 2023", và giao cho đoàn giám sát hoàn chỉnh, báo cáo xin ý kiến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận