Kinh tế

Cổ phần hóa DNNN tại Bộ GTVT: Dũng cảm từ bỏ lợi ích

06/12/2014, 12:56

Hơn một năm qua, ngành GTVT được Chính phủ và người dân đánh giá đi đầu, là điểm sáng cần nhân rộng trong công cuộc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

img

Bằng chứng là trong lúc hầu hết các bộ, ngành khác triển khai ì ạch, không đảm bảo kế hoạch, số lượng các doanh nghiệp được tái cơ cấu, CPH thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay, ngành GTVT lại hoàn thành vượt rất xa kế hoạch.  

Thậm chí, cổ phần của những doanh nghiệp khó khăn, nợ đọng chất chồng như SBIC, Vinalines, hay Tổng công ty XD đường thủy, Cienco 8,... vẫn “đắt như tôm tươi” và CPH thành công.

Tuy nhiên, để có được kết quả đó là cả quá trình nỗ lực, với quyết tâm cao nhất, thậm chí là cả đấu tranh cam go từ trong tư tưởng lẫn hành động của đội ngũ lãnh đạo DN, cơ quan quản lý. Bởi ai cũng hiểu, khi đã CPH, sẽ không còn cái gọi là “Nhà nước” để bám víu. Cũng chẳng còn cảnh DN dù lỗ ròng, nợ liên miên nhưng thu nhập của cán bộ vẫn cao, “ghế” lãnh đạo chẳng hề lung lay. Còn khi đã CPH, nhà đầu tư bỏ tiền ra mua, nếu làm ăn không hiệu quả, tất yếu người lao động, thậm chí lãnh đạo sẽ  bị đào thải và thay thế bằng người xứng đáng hơn. 

Nhiều người ví von công cuộc tái cơ cấu, CPH của ngành GTVT đã sinh ra chiếc “cối xay ghế”. Từ đầu năm đến nay, đã có khoảng chục người đứng đầu các doanh nghiệp lớn phải rời bỏ vị trí của mình để nhường “ghế” cho những ông chủ thực sự sau CPH.

Nhưng trong cuộc đấu tranh tư tưởng cam go ấy, cái mới, cái hợp lý đã thắng thế, lợi ích chung của DN, của ngành và quốc gia đã được đặt lên trên lợi ích cá nhân. Minh chứng cho điều đó là không ít lãnh đạo các doanh nghiệp sau khi dốc sức, dốc lực tiến hành tái cơ cấu, CPH đã tự nguyện rời bỏ vị trí, dọn đường cho doanh nghiệp hoạt động theo mô hình mới.

Liên quan đến vấn đề cán bộ hậu CPH, Bộ GTVT đang tiến hành xây dựng riêng một đề án để có cơ sở và những phương án bố trí, giải quyết chế độ hợp lý nhất cho các doanh nghiệp sau khi hoàn thành công tác tái cơ cấu, chuyển sang hoạt động theo mô hình mới.

Tại một cuộc họp gần đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã trực tiếp chỉ đạo: “Phải tính toán kỹ càng tất cả các phương án cho đội ngũ cán bộ tại các doanh nghiệp sau CPH. Phải bố trí việc làm và vị trí hợp lý cho những người có công cống hiến, nỗ lực tiến hành tái cơ cấu, CPH. Nếu không giải quyết tốt, sẽ dẫn đến việc cán bộ lãnh đạo càng tích cực CPH thì càng sớm mất chức, rất bất công”.

Hà Thanh Oai

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.