Cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam: Hội Điện ảnh lên tiếng |
Sáng 21/9, tại trụ sở Hội điện ảnh Việt Nam (51 Trần Hưng Đạo) đã diễn ra cuộc trò truyện của các nghệ sĩ đã và đang công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam (VFS). Hàng loạt phát biểu đầy tâm huyết được đưa ra với mục đích kêu cứu cho một thương hiệu điện ảnh đang trên bờ sụp đổ.
Ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam chia sẻ: "Có 3 vấn đề nổi cộm mà chúng tôi nghĩ cần được giải quyết trong câu chuyện này.
Một là cách ứng xử của nhà đầu tư chiến lược. Nghị định 59 chúng ta đều biết, yêu cầu nhà đầu tư giải quyết quyền lợi cho người lao động. Một vấn đề cần được triển khai ngay tức khắc. Trong khi đó chúng ta đều nghe các nghệ sĩ nói về quyền lợi của mình bị xâm phạm thế nào.
Hai là vấn đè bảo vệ thương hiệu. Một cánh chim đầu đàn như Hãng phim truyện số 4 Thụy Khuê đã tạo dựng thương hiệu điện ảnh cách mạng Việt Nam. Đã có gần 400 tác phẩm đi theo định hướng của Đảng, được công chúng mến mộ và đón nhận. Vậy mà thương hiệu bị đánh giá bằng 0 đồng. Ban chỉ đạo cổ phần hóa cần xem xét lại nhận thức.
Ba là vấn đề đất đai, tài sản. Quy định đã nêu trước khi cổ phần hóa cần xác định giá trị nhà cửa, thiết bị máy móc trước. Vậy mà công đoạn này không được tiến hành, lại bắt hãng phim làm. Họ nhầm to. Đó là trách nhiệm của ban cổ phần hóa. Vô hình chung tạo kẽ hở cho chủ đầu tư lấy đất".
Ông Đặng Xuân Hải cũng khẳng định các nghệ sĩ đem lịch sử ra để bảo vệ hãng phim không phải là sự ăn mày quá khứ. Họ đang tiếp nối những truyền thống đó.
Cũng tham dự buổi gặp gỡ, hội viên Hội điện ảnh - nhà văn Chu Lai - đã phân tích: "Lãnh đạo VIVASO tuyên bố không đến cơ quan làm việc không có lương là chẳng hiểu gì về nghệ thuật. Có những biên kịch, đạo diễn lang thang vất vưởng ở lề đường rồi bỗng lóe lên một ý tưởng kinh điển. Cựu tổng biên tập Văn nghệ quân đội, nhà thơ Vũ Cao, đã từng nói: làm quản lý nghệ thuật tức là không làm gì cả".
Nhà văn Chu Lai, hội viên Hội điện ảnh Việt Nam phát biểu tại cuộc họp |
Theo đó, nhà văn Chu Lai cho rằng: "Bi kịch xã hội hiện nay là có quá nhiều thứ không đặt đúng chỗ. Công ty vận tải thuỷ VIVASO không đủ tư cách nhận thức để nắm một đơn vị đầu đàn như hãng phim truyện Việt Nam. Nếu không dừng kịp thời, thì hãng sẽ biến thành một cái chợ giời. Và nó đã bắt đầu có mùi chợ giời rồi đấy".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận