Bạn cần biết

Có phạt tù được người ngoại tình?

08/03/2016, 08:21

Theo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015, người ngoại tình có thể bị phạt tù cao nhất đến 3 năm.

Quy định phạt tù đến 3 năm đối với ngưo
Quy định phạt tù đến 3 năm đối với người ngoại tình không khả thi vì khó tìm được bằng chứng để kết tội  (Ảnh minh họa)

Nhiều nước trên thế giới đã bỏ quy định

TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội khẳng định, hầu như ở tất cả các nước trên thế giới đều đã không còn quy định phạt tù người ngoại tình. Đặc biệt, quy định này trước đây có ở tất cả các nước châu Âu nhưng nay đã được bỏ hết.

Bàn về tính khả thi của quy định phạt tù người ngoại tình, TS. Hồng quả quyết: “Sẽ không thể khả thi được”. Theo lý giải của bà Hồng, xét về mặt pháp luật, việc định nghĩa thế nào là ngoại tình đã là khó, chưa nói đến việc tìm bằng chứng để kết tội người ngoại tình còn khó hơn. Về nguyên tắc, ai làm sai người đó phải chịu tội trước pháp luật.

Tuy nhiên, khi luật hoá  điều này để đưa vào cuộc sống thì lại khác, vì cuộc sống thực tiễn khác với trên bàn giấy. “Giờ ví dụ bảo bỏ tù ai đó ngoại tình thì liệu có tìm đủ bằng chứng “trai trên gái dưới” không? Nếu có thì mới kết luận được người ta ngoại tình. Nhưng khi đi tìm “bằng chứng” ấy liệu có vi phạm quy định về đời sống riêng tư không?”, bà Hồng đặt vấn đề và nói thêm, định nghĩa như nêu trong luật còn “tù mù”, quá trình thu thập bằng chứng lại khó khăn, phức tạp, và khi quy được cho người ta tội ngoại tình rồi thì chắc chắn cũng sẽ đem lại một kết quả không ai mong muốn, đó là ly hôn, gia đình tan vỡ. Điều này lại ngược với thói quen và quan niệm của người Việt Nam.

“Điều luật này không khả thi, là một quy định luật kiểu “trên trời”. Chúng ta cần làm từ khâu đầu tiên để người ta không ngoại tình chứ không phải để cho họ ngoại tình rồi bắt bỏ tù”, bà Hồng kết luận.

Chỉ mang tính chất biểu trưng

Trong khi đó, trao đổi với Báo Giao thông, một lãnh đạo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lại cho rằng, quy định phạt tù người ngoại tình mang tính biểu trưng xã hội nhiều hơn. Tức là ra luật để mỗi người tự cảnh giác với chính mình, tự răn đe phòng ngừa mà thôi, chứ để truy cứu, truy tố thì rất khó.

Vị này cũng có chung nhận định điều luật sẽ khó khả thi nếu áp dụng vào thực tiễn, đồng thời phân tích, trước hết để xử được tội thì phải hiểu thế nào là ngoại tình, nhưng việc xác định được các yếu tố cấu thành nên ngoại tình rất khó. “Nếu nói ngoại tình là vi phạm chế độ một vợ một chồng thì mông lung lắm. Để cấu thành tội phạm cần có 4 yếu tố: phải xác định được hành vi ngoại tình; chủ thể ngoại tình là ai?

Xác định năng lực hành vi ngoại tình thế nào, có trường hợp ngoại tình trong hành vi, nhưng cũng có trường hợp chỉ ngoại tình trong tâm tưởng khi họ cứ mơ ước, bâng khuâng một ai khác không phải vợ/chồng mình. Như vậy thì xác định thế nào? Bên cạnh đó, để xác định được hậu quả của nó không dễ, vì làm sao có thể đánh giá được mức độ tan vỡ của gia đình, của tình yêu…?”, ông này đặt vấn đề.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng, khó để xử lý hình sự ngoại tình bởi rất nhiều lý do. Qua thực tiễn tham gia tố tụng những năm gần đây thì việc các cơ quan pháp luật xử lý loại tội phạm này là rất hiếm khi xảy ra.

Cũng theo luật sư Thơm, rất khó có thể thu thập chứng cứ chứng minh “chung sống như vợ chồng” trên thực tế theo quy định của pháp luật. Dẫn chứng một trường hợp gần đây gây xôn xao dư luận nhất như chuyện ca sĩ Hồ Ngọc Hà công khai “cặp kè” với đại gia Chu Đăng Khoa, luật sư Thơm nhận định, dù dư luận ầm ĩ, ai nhìn vào cũng biết, dù vợ vị đại gia kia có lên tiếng tố cáo, nhưng vẫn rất khó xử lý trường hợp cụ thể này, kể cả là xử lý hành chính.

Bởi không ai chứng minh được họ chung sống như vợ chồng với nhau, tổ dân phố nơi họ sinh sống không xác nhận chuyện họ chung sống như vợ chồng, bản thân họ cũng không thừa nhận… Chỉ cần như vậy là đã không đủ căn cứ xử phạt.       

Điều 182 Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 quy định, người ngoại tình có thể bị phạt tù 3 năm.

Theo đó, người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm nếu: Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; Đã có quyết định của tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

     

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.