Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Hiện tại, cơ quan điều tra đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố, đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các sai phạm khác của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai và các đơn vị, cá nhân có liên quan, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.
Trong sáng nay, lực lượng chức năng đã thực hiện lệnh khám xét nhà của bà Loan - căn biệt thự trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3; thu giữ hàng chục thùng tài liệu, giấy tờ phục vụ công tác điều tra.
Động thái này được đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và các đơn vị liên quan dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4, rộng hơn 6.200m2.
Khu đất hơn 6.200m2 thuộc sở hữu nhà nước, do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Bà Rịa, Cao su Đồng Nai quản lý. Cuối năm 2009, Công ty TNHH Phú Việt Tín được thành lập với hai thành viên là Tổng công ty cao su Đồng Nai (nắm 72%) và Công ty cao su Bà Rịa (nắm 28%).
Tháng 3/2010, UBND TP.HCM có quyết định thu hồi và giao cho Công ty Phú Việt Tín khu đất để đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, đến tháng 9/2014, toàn bộ phần vốn của Tổng công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa trong Phú Việt Tín đã được bán cho Quốc Cường Gia Lai.
Ngay sau đó, bà Loan (CEO của Quốc Cường Gia Lai) đã chuyển nhượng 40% phần vốn trong Phú Việt Tín cho Bất động sản Thịnh Vượng và 54% vốn cho Công ty Biệt thự Thành phố.
Đến tháng 3/2017, Phú Việt Tín ký kết hợp đồng sáp nhập vào Công ty TNHH đầu tư và phát triển bất động sản Phúc Nguyên. Chỉ sau 7 năm, khu đất công đã bị biến thành tài sản tư nhân.
Ngay sau khi thông tin khởi tố được công bố, cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai (QCG) đã bị các nhà đầu tư đồng loạt bán tháo.
Kết thúc phiên 19/7, mã QCG giảm sàn gần 7%, hiện ở mức 9.070 đồng/cổ phiếu. Trong tuần qua, trong bối cảnh các tin tức tiêu cực bủa vây, cổ phiếu QCG cũng liên tục bị xả, khiến vốn hóa của Quốc Cường Gia Lai "bốc hơi" hơn 800 tỷ đồng.
Trong nhiều năm qua, QCG cũng là một cổ phiếu có biến động rất mạnh. Song song đó, doanh nghiệp này cũng liên tục dính lùm xùm, tai tiếng, từ những dự án liên quan tới đất công, việc chậm giải phóng mặt bằng, dự án bị khách hàng kiện tụng, cho tới việc ít trả cổ tức, cổ phiếu thất thường…
Không chỉ vậy, QCG cũng ghi nhận lợi nhuận hàng năm ở mức thấp, nhiều khi thua lỗ, dòng tiền âm, liên tục lùm xùm kiện cáo...
Trong quý I/2024, QCG ghi nhận doanh thu chỉ đạt 39 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động tài chính đạt 6 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính chiếm 9 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí, lãi sau thuế của QCG chỉ còn 651 triệu đồng, giảm 1/3 so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2024, công ty đặt mục tiêu doanh thu 1.300 tỷ đồng và lãi trước thuế 100 tỷ đồng, cao gấp 20 lần thực hiện của năm 2023. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh quý I, QCG mới chỉ hoàn thành chưa tới 1% kế hoạch.
Đáng chú ý, cuối tháng 6 vừa qua, Quốc Cường Gia Lai cũng là doanh nghiệp hiếm hoi chưa tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 lần 1.
Lý do QCG đưa ra là sức khỏe Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan không tốt, do phải phẫu thuật vào ngày 28/6, đồng thời cổ đông lớn là bà Nguyễn Ngọc Huyền My (con gái bà Loan) cũng không tham dự. Hiện bà Loan sở hữu 37,05% và bà My nắm 14,3% vốn QCG.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai từng khẳng định, doanh nghiệp không liên quan đến Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG). Ngoài ra, công ty cũng chưa bao giờ làm việc, đàm phán trực tiếp với VRG, Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa về việc nhận chuyển nhượng vốn góp tại dự án liên quan khu đất 39-39B Bến Vân Đồn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận