Vận tải

Cổ phiếu vận tải biển không mua nổi ly trà đá

13/04/2017, 08:03

Hàng loạt cổ phiếu của những “ông lớn” một thời trong ngành Vận tải biển đang có mức giá dưới 1.000 đồng...

14

Giá cước sụt giảm khiến vận tải biển khó khăn (Trong ảnh: Tàu Victory của NOSCO)

Hàng loạt cổ phiếu của những “ông lớn” một thời trong ngành Vận tải biển đang có mức giá dưới 1.000 đồng, thậm chí bị hạn chế giao dịch trên sàn chứng khoán. Chưa bao giờ vận tải biển lại rơi vào tình cảnh thê thảm như vậy.

Sụt giảm không phanh

Những “ông lớn” trong ngành Vận tải biển một thời như: Công ty CP Vận tải & thuê tàu biển Việt Nam (MCK: VST), Công ty CP Vận tải Biển Bắc (MCK: NOS), Công ty CP Vận tải biển & bất động sản Việt Hải (MCK: VSP), Công ty CP Vận tải biển Hải Âu (SSG), Công ty CP Vận tải biển Vinaship (MCK: VNA)... đang có giá giao dịch chỉ trên dưới 1.000 đồng. Điển hình SSG có giá tham chiếu 1.600 đồng/cổ phiếu, hay VSP có giá tham chiếu chỉ 1.100 đồng/cổ phiếu. Thậm chí, cổ phiếu NOS có giá tham chiếu chỉ 300 đồng/cổ phiếu.

Các mức giá này đều thấp hơn hàng chục lần so với thời điểm vừa lên sàn. Đơn cử như NOS lên sàn UPCOM năm 2011 với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phiếu. Chỉ sau đó ít ngày, cổ phiếu này đã tăng giá lên 15.000 đồng. Nhưng sau đó là chuỗi ngày sụt giảm thê thảm và đến nay chỉ còn 300 đồng/cổ phiếu.

Tương tự là cổ phiếu VNA có giá giao dịch hiện tại 940 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, thời điểm cổ phiếu này lên sàn HoSE vào tháng 9/2008 có giá giao dịch phiên đầu tiên lên tới 44.000 đồng/cổ phiếu...

Với mức giá không mua nổi một ly trà đá này đang chứng tỏ sự làm ăn bết bát của ngành Vận tải biển. Lý giải nguyên nhân giá giao dịch cổ phiếu sụt giảm thê thảm, trao đổi với Báo Giao thông, ông Trịnh Hữu Lương, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải Biển Bắc cho rằng, ngành vận tải biển phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khi thị trường đi xuống thời điểm năm 2008 đến nay và chưa có nhiều dấu hiệu hồi phục, giá cước thấp kỷ lục, trong khi mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt  với khối tư nhân.

Số lỗ của Công ty CP Vận tải Biển Bắc năm 2016 khoảng 334 tỷ đồng. Công ty CP Vận tải biển Vinaship cũng lỗ lũy kế hơn 205 tỷ đồng  và nhiều công ty vận tải biển khác cũng ghi nhận con số lỗ lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Chờ đợi khởi sắc

Với việc làm ăn bết bát, giá cổ phiếu sụt giảm thê thảm như vậy, hàng loạt cổ phiếu của các công ty vận tải biển đã bị đưa vào diện cảnh báo, hạn chế giao dịch, thậm chí có thể sẽ bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán. Cổ phiếu NOS và SSG đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch từ cuối năm 2015 do vốn chủ sở hữu âm. Cổ phiếu VNA cũng bị tiếp tục duy trì diện kiểm soát và sẽ bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) hủy niêm yết toàn bộ 20 triệu cổ phiếu vào cuối tháng 4 này.

"Tính trung bình giá cước hiện nay xoay quanh khoảng 90.000 đồng/ tấn hàng vận chuyển từ Nam ra Bắc. Trong khi giá nhiên liệu tăng, nhân công tăng, thuế không giảm, nhưng vẫn phải chạy để bù lỗ. Hiện nay, công ty tồn tại được nhờ “ăn” vào khấu hao tàu”.

Ông Trịnh Văn Đạt
Giám đốc Công ty CP Vận tải biển Hải Đạt (Thái Bình)

Lý giải nguyên nhân cổ phiếu SSG bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, trong Biên bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội hồi giữa năm 2016, lãnh đạo Công ty CP Vận tải biển Hải Âu cho rằng, bên cạnh nguyên nhân giá cước sụt giảm, lượng hàng ít còn do nguyên nhân các tàu của công ty chủ yếu hình thành từ vốn vay USD nên lỗ do lãi vay và do chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh khi đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ hạch toán vào kết quả kinh doanh hàng năm rất lớn do tỷ giá USD/VND biến động tăng không ngừng. Trong 4 năm qua, tổng lỗ do lãi vay khoảng hơn 28.000  triệu đồng, lỗ do chênh lệch tỷ giá hối đoái là hơn 21.000  triệu đồng.

Để đảm bảo hiệu quả kinh doanh trong thời buổi vận tải biển khó khăn như hiện nay, công ty đã cắt giảm tối đa chi tiêu trong khai thác tàu, giám sát chặt chẽ cung cấp và tiêu thụ nhiên liệu bởi điều này có tác động rất lớn trong quá trình vận chuyển, tích cực tìm kiếm đơn hàng để vượt qua khó khăn, kinh doanh có lãi,  từ đó hy vọng cải thiện được giá cổ phiếu.

Tổng giám đốc Trịnh Hữu Lương cho rằng, dù đang còn rất nhiều khó khăn cả về nguồn hàng lẫn giá cước vận tải nhưng khả năng hồi phục trong thời điểm năm 2017 - 2018 đối với ngành Vận tải biển vẫn hy vọng sẽ có sự khởi sắc. Thị trường hiện nay đang có dấu hiệu phục hồi cả tuyến quốc tế và nội địa khi hàng loạt các hợp đồng xuất nhập khẩu đang tăng trưởng, hệ thống cảng biển đã thuận lợi hơn. Hơn nữa, những đội tàu già có tuổi thọ khoảng 15 - 20 năm cũng đang được xin chủ trương để cho thanh lý và nhập đội tàu mới hiệu quả, tiết kiệm nhiên liệu hơn.  

“Vì vậy, tôi tin rằng trong thời gian tới giá cổ phiếu của ngành vận tải biển sẽ không còn bết bát như hiện nay. Đối với ngành Vận tải biển khi được phục hồi,  giá cổ phiếu sẽ tăng rất nhanh”, ông Lương nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.