Showbiz

Cơ quan quản lý “ngó lơ” trẻ em chạy show?

28/04/2016, 06:04

Hiện tại, chưa có quy định nào quản lý đối tượng trẻ em tham gia biểu diễn nghệ thuật.

tre em bieu dien baogiaothong.vn

Hiện tại, chưa có quy định nào quản lý đối tượng trẻ em tham gia biểu diễn nghệ thuật

Tại Việt Nam, tỉ lệ các em nhỏ chưa đến tuổi vị thành niên chạy show ngày càng nhiều. Tuy nhiên, văn bản quản lý nhà nước về biểu diễn nghệ thuật đối tượng này lại không bị kiểm soát chặt chẽ.

Trẻ em chạy show không kém người lớn

Vài năm trở lại đây, trong môi trường showbiz đối tượng trẻ em chạy sô ngày càng nhiều. Bé Huỳnh Minh Hoàng, thường được biết đến với nghệ danh Ku Tin, một bé trai 4 tuổi nhưng đã kinh qua rất nhiều chương trình truyền hình thực tế như Thách thức danh hài, Người hùng tí hon, đóng quảng cáo cho nhiều thương hiệu. Sắp tới, Ku Tin còn đóng phim Cao thủ ẩn danh, chưa kể hàng loạt MV ca nhạc, hài trên các kênh của YouTube.

Bước ra từ cuộc thi The Voice Kids, Phương Mỹ Chi, 13 tuổi đã đầu quân về công ty ca sĩ Quang Lê. Ngay sau đó, dù đang học, Phương Mỹ Chi đã được “ba nuôi” cho chạy show khắp nước thậm chí bay show nước ngoài. Không những thế còn đóng MV, tham gia gameshow, làm khách mời trong các liveshow. Vừa học vừa chạy show nên Phương Mỹ Chi nhiều khi kiệt sức, thậm chí có nguy cơ mất giọng.

Bé Nguyễn Hoàng Anh năm nay 13 tuổi nhưng cũng có thâm niên chạy show từ năm 6 tuổi. Khi bạn bè cùng trang lứa vẫn còn vui chơi nhảy múa, Hoàng Anh đã đi hát cho trường, cho các hội nghị và được nhận 200.000 đồng tiền thù lao mỗi buổi. Sau cuộc thi The Voice Kid 2014 được biết đến nhiều hơn, Hoàng Anh đã chuyển vào TP.HCM thuận tiện cho việc học tập và chạy show.

Khản giả còn nhớ cô bé Thiên Trang, 9 tuổi từng góp mặt trong top 10 mẫu nhí quốc tế do một trang web Mỹ bình chọn. Thiên Trang đã hoạt động nghề mẫu nhí từ khi 4 tuổi, đến nay bé đã có nhiều năm kinh nghiệm diễn xuất trước ống kính và sàn diễn thời trang. Ngoài công việc làm mẫu ảnh, đóng quảng cáo, Thiên Trang còn từng xuất hiện với vai trò là diễn viên trong một số phim ngắn, MV ca nhạc của nhiều ca sĩ Việt.

Giờ đây, trẻ em hoạt động biểu diễn nghệ thuật, chạy show thường xuyên như người lớn... Việc các sao nhí tham gia các show truyền hình thực tế, chạy show đang dấy lên nhiều tranh cãi. Bên cạnh việc nhận được cát-xê khủng, các em nhỏ đang bị biến thành công cụ kiếm tiền. Nhiều người dân lo ngại về sự bóc lột sức lao động của trẻ nhỏ.

Cụ thể NĐ15/2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012 mới đây, không hề có những quy định, kiểm soát đối tượng trẻ em. NĐ15 chỉ yêu cầu các tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu phải biên tập các tiết mục biểu diễn. Phải phù hợp với lứa tuổi, giới tính khi tổ chức cho trẻ em biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang. Phải được sự đồng ý của người giám hộ theo đúng quy định của pháp luật. Trong khi đó, trong quy định quản lý của nhà nước… đối tượng nhí bị ngó lơ, bỏ qua, không có sự kiểm soát chặt chẽ.

Tại Hội nghị trực tuyến phổ biến NĐ15/2016 và Thông tư số 01/2016, tổ chức vừa qua, đại diện Sở VH- TT&DL Bình Dương nói lên thực trạng không biết giải quyết như thế nào về đối tượng trẻ em biểu diễn. “Đã có 2 công ty xin cấp phép biểu diễn chương trình người mẫu nhí, vì không có văn bản nên Sở đã từ chối cấp phép các chương trình này”.

Đại diện này bày tỏ: “Trong NĐ15 chỉ nói khi tổ chức cho trẻ em biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang phải có sự đồng ý của người giám hộ, mà không hề thấy đề cập quy định cụ thể nào. Khi tiếp nhận hồ sơ cấp phép, nếu có việc gì xảy ra, phát sinh với đối tượng nhí thì chúng tôi không biết xử lý như thế nào?”.

Phuong My Chi3 (1) (1)

Phương Mỹ Chi chạy show nên phải tranh thủ ăn trong cánh gà

Cơ quan quản lý nói gì?

Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD cho rằng trẻ em tham gia các hoạt động nghệ thuật là thực tiễn xã hội. Một là để các em tiếp tục trao dồi ý thức tham gia các hoạt động nghệ thuật biểu diễn để về sau các em trở thành ca sĩ, nhạc sĩ, trở thành các thành phần sáng tạo nghệ thuật. Hai là thông qua hoạt động đó để các em hiểu các giá trị chân thiện mỹ.“Tôi cho rằng các em hoạt động nghệ thuật là tốt và hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển, cũng như đời sống tinh thần trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên luật quy định, khi các em còn tuổi vị thành niên phải có sự đồng ý của người giám hộ, bố mẹ, anh chị”, ông nói.

Trước những băn khoăn, thắc mắc của dư luận khi các quy định pháp luật bỏ sót đối tượng trẻ em, Cục trưởng Cục NTBD nói: “Tại sao chúng tôi không đưa vào một mục nào trong NĐ15 vì đây là việc trong đời sống của chúng ta đã diễn ra vài năm và sự thỏa thuận ấy xưa nay chưa có sự kiện cáo gì qua thực tế đời sống khi các em tham gia những chương trình này.

Chỉ có vấn đề phản ánh là đơn vị tổ chức, đơn vị cấp phép phải điều chỉnh hành vi của các em. Ví dụ, các em còn nhỏ hát những bài yêu đương là phản cảm, điều đó là trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước, chúng ta tham gia. Hướng dẫn để điều chỉnh tất cả những tác phẩm khi các em ở tuổi nhỏ các em hát làm sao phù hợp với đạo đức, lứa tuổi, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Tạo điều kiện tốt nhất cho các em tham gia lĩnh vực này mà không ảnh hưởng tới tư duy nhận thức của chính các em cũng như đối tượng tác phẩm mà các em trình bày”.

Nếu các cơ quan quản lý Việt Nam không kiểm soát các đối tượng nhí, thì Trung Quốc mới đây đã đưa ra văn bản hạn chế các chương trình truyền hình thực tế có sự tham gia của trẻ em. Nhiều chương trình về trẻ em tại Trung Quốc đã phải dừng phát sóng như Bố ơi, mình đi đâu thế?... Điều này để bảo vệ các em tránh khỏi những rủi ro không đáng có.

 

Luật sư Trần Minh Hùng (Hãng luật Gia đình, Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: “Trường hợp, giao kết hợp đồng lao động (giao dịch dân sự) với người chưa thành niên phải đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 20 Bộ luật Dân sự 2005 như sau:

“Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác”.

Khi giao kết hợp đồng với người lao động chưa thành niên cần phải đáp ứng 2 điều kiện về chủ thể giao kết và nội dung công việc. Khi đó, hợp đồng lao động mới được coi là hợp pháp.

Theo quy định tại Điều 122 Bộ luật lao động thì: "Thời giờ làm việc của người lao động chưa thành niên không được quá 7 giờ một ngày hoặc 42 giờ một tuần. Nếu ký hợp đồng lao động đáp ứng đủ những điều kiện trên thì mới hợp pháp, còn nếu không đáp ứng đủ các điều kiện trên thì không hợp pháp, các hợp đồng lao động ký kết không hợp pháp sẽ vô hiệu. Bên nào vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm theo như quy định của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.