Điều kiện nào để cơ sở bảo hành, bảo dưỡng tham gia kiểm định xe?
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đã bỏ quy định: Tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 139 về đăng kiểm đã cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng 3S, 4S đủ điều kiện tham gia kiểm định xe
Điều này đồng nghĩa với việc các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô được phép tham gia kiểm định xe. Tuy nhiên, cần phải đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức, nhân lực theo quy định tại Nghị định này.
TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh VP Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, việc cho phép cơ sở bảo hành, bảo dưỡng tham gia dịch vụ kiểm định xe cơ giới là phù hợp, hiểu đơn giản, khi đáp ứng đủ các điều kiện của một trung tâm đăng kiểm, các đơn vị này cũng như các đơn vị đăng kiểm tư nhân hiện nay.
Tuy nhiên, có lợi thế hơn so với đơn vị đăng kiểm tư nhân mới bởi đã có sẵn 1 số trang thiết bị và nguồn nhân lực. Với những kỹ thuật viên đáp ứng được điều kiện về đăng kiểm viên quy định tại Nghị định, có thể cử đi tham gia lớp tập huấn đào tạo đăng kiểm viên của Cục Đăng kiểm VN để xem xét cấp chứng chỉ hành nghề.
Dự thảo cũng quy định điều kiện chung của một trung tâm đăng kiểm. Trong đó, điều kiện về cơ sở vật chất bao gồm: Mặt bằng đơn vị đăng kiểm là nơi dùng để bố trí các công trình phục vụ việc kiểm định xe cơ giới trên cùng một khu đất, có diện tích tối thiểu sử dụng cho hoạt động kiểm định là 1.250m2 đối với đơn vị đăng kiểm có một dây chuyền kiểm định loại I; 1.500m2 đối với đơn vị đăng kiểm có một dây chuyền kiểm định loại II và 2.500m2 đối với đơn vị đăng kiểm có hai dây chuyền kiểm định.
Đối với đơn vị đăng kiểm có từ 3 dây chuyền kiểm định trở lên thì diện tích sử dụng cho hoạt động kiểm định từ dây chuyền thứ 3 trở lên tăng thêm tương ứng cho mỗi dây chuyền không nhỏ hơn 625m2.
Đồng thời, phải đáp ứng quy định về Xưởng kiểm định với kích thước thông xe tối thiểu (dài x rộng x cao) là 30 x 4 x 3,5 (m) đối với xưởng chỉ có một dây chuyền kiểm định loại I; Kích thước 36 x 5 x 4,5 (m) đối với xưởng kiểm định chỉ có một dây chuyền kiểm định loại II.
Đối với xưởng kiểm định có nhiều dây chuyền kiểm định bố trí cạnh nhau thì khoảng cách giữa tâm các dây chuyền kiểm định không nhỏ hơn 4m và khoảng cách từ tâm dây chuyền ngoài cùng đến mặt trong tường bao gần nhất của xưởng kiểm định không nhỏ hơn 2,5m.
Trong trường hợp dây chuyền kiểm định bố trí tại nhiều xưởng kiểm định thì tổng chiều dài tối thiểu các xưởng kiểm định phải bằng chiều dài tương ứng với loại dây chuyền quy định tại điểm a, điểm b khoản này.
Đối với quy định về dây chuyền kiểm định phải được bố trí, lắp đặt các thiết bị kiểm tra và dụng cụ kiểm tra phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ GTVT ban hành, đảm bảo kiểm tra được đầy đủ các hệ thống, tổng thành, chi tiết của xe cơ giới tham gia giao thông để đảm bảo chất lượng ATKT & BVMT theo quy định của Luật giao thông đường bộ.
Điều kiện về cơ cấu tổ chức, đơn vị đăng kiểm phải có tối thiểu các bộ phận: Ban lãnh đạo; bộ phận văn phòng; bộ phận kiểm định.
Về nhân lực của đơn vị đăng kiểm gồm lãnh đạo đơn vị, phụ trách dây chuyền kiểm định, đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ. Trong đó, có tối thiểu 1 lãnh đạo đơn vị đủ điều kiện ký giấy chứng nhận kiểm định; tối thiểu 1 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao phụ trách dây chuyền kiểm định; Mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 2 đăng kiểm viên đảm bảo thực hiện đủ các công đoạn kiểm định”.
Theo các chuyên gia, trước việc đa dạng mạng lưới các trung tâm đăng kiểm, chủ xe có thể lựa chọn đơn vị đăng kiểm nên không lo tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi"
Có lo “vừa đá bóng, vừa thổi còi”?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một thành viên trong Ban soạn thảo cho biết, việc cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện tham gia thực hiện kiểm định xe sẽ giúp mạng lưới các đơn vị đăng kiểm được mở rộng hơn giúp người dân có lựa chọn đa dạng hơn.
Trước lo ngại liệu có xuất hiện tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” khi cơ sở bảo dưỡng yêu cầu phải thay thế phụ tùng mới được kiểm định hay không, vị này cho biết, hiện nay, người tiêu dùng rất thông thái, trước việc có nhiều trung tâm đăng kiểm để lựa chọn.
Nếu cảm thấy việc đơn vị bảo hành, bảo dưỡng (kiêm đơn vị đăng kiểm) đề nghị nội dung không phù hợp, đưa ra hạng mục sửa chữa tuỳ tiện, vô lý, có thể từ chối thực hiện kiểm định tại đây và đưa xe sang đơn vị đăng kiểm khác làm nghiêm túc, minh bạch hơn để thực hiện.
Ngoài ra, có thể đề nghị đơn vị đăng kiểm đưa xe vào dây chuyền kiểm định để kiểm tra và có kết quả từng hạng mục để làm căn cứ chứng minh hạng mục không đạt kiểm định cần phải thay thế, sửa chữa.
Sau khi có kết quả, được khuyến cáo thay thế để đảm bảo an toàn, quyền lựa chọn có thay thế, sửa chữa hay không vẫn thuộc chủ xe. Nếu cảm thấy có cơ sở và phù hợp, chủ xe có thể đồng ý, hoặc nếu thấy vẫn vô lý có thể đưa sang đơn vị đăng kiểm khác, độc lập hơn để kiểm định lại.
Điều 38 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ của trung tâm đăng kiểm làm sai lệch kết quả kiểm định.
Đồng thời, bị tước quyền sử dụng chứng chỉ đăng kiểm viên từ 1-3 tháng.
Trường hợp, kiểm định tại đơn vị khác cho thông số và kết quả đạt, chủ xe có thể đưa giấy đề nghị khắc phục hư hỏng, khiếm khuyết của đơn vị đăng kiểm trước đó làm bằng chứng khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền là Sở GTVT (đã được phân cấp từ Cục Đăng kiểm VN) để tiến hành thanh tra, kiểm tra, xác minh làm rõ khiếu nại.
Nếu thực sự, đơn vị đăng kiểm có dấu hiệu “làm khó” khách hàng bằng cách đưa kết quả kiểm định giả sẽ bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi “Làm sai lệch kết quả kiểm định”, thậm chí có thể chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, xử lý hình sự.
Về vấn đề này, PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc, Viện Cơ khí động lực (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cũng cho rằng không nên lo ngại bởi, hiện nay, các đơn vị đăng kiểm hoạt động độc lập và có sự cạnh tranh lẫn nhau, mạng lưới các trung tâm đăng kiểm tại địa phương, thành phố đều rất rộng, nếu có bất kỳ một đơn vị đăng kiểm nào lợi dụng việc thực hiện kiểm định xe mà gây sức ép đến các chủ phương tiện để trục lợi, người dân có quyền từ chối sử dụng dịch vụ tại đơn vị đăng kiểm này.
Ngoài ra, hoạt động của các đơn vị đăng kiểm còn có sự giám sát của các cơ quan quản lý như Cục Đăng kiểm VN và Sở GTVT. Người dân là người sử dụng dịch vụ tuy nhiên cũng là người giám sát, phản ánh để các cơ quan quản lý điều chỉnh hoạt động của các đơn vị này sao cho hoạt động đúng quy định, bảo đảm người dân có phương tiện đủ điều kiện kỹ thuật an toàn để lưu thông nhưng cũng thuận lợi và tiết kiệm chi phí nhất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận