TS. Khuất Thu Hồng (ảnh nhỏ) cho rằng cần phải giáo dục cho lớp trẻ ý thức về việc giúp đỡ người khác từ khi còn nhỏ. |
Liên quan đến clip hàng chục người đứng nhìn nam thanh niên chết đuối tại Đà Nẵng, rất nhiều người bày tỏ bức xúc trước sự thờ ơ, vô cảm của những người xung quanh. Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội ISDS để tìm hiểu về những nguyên nhân dẫn tới tình trạng thờ ơ, vô cảm này.
Dư luận đang xôn xao về clip quay cảnh một thanh niên vùng vẫy sắp chết đuối dưới hồ nhưng không ai cứu, thậm chí còn đứng trên bờ cười nhạo. Chị có suy nghĩ gì sau khi xem clip này?
Tôi rất ngạc nhiên rằng tại sao mọi người nhìn thấy một người sắp chết đuối mà lại không cứu? Có người nói rằng anh này bị “ngáo đá”, thì tôi nghĩ có thể lý giải rằng có lẽ do anh ta bị “ngáo đá” nên mọi người không cứu, cho là đáng đời vì sử dụng ma túy rồi bị như vậy; cũng có những nhóm khác lại cho rằng anh ta bị “ngáo đá” thì hành vi đó không kiểm soát được, mình xuống cứu có thể bị chết lây. Hoặc có người lại cho rằng đấy là chuyện của người khác chứ không phải chuyện của mình…
Tôi cho rằng có nhiều cách suy nghĩ như vậy, nhưng đông người như vậy mà để một người khác chết trước mặt mình trong khi hoàn toàn có thể cứu thì tôi rất ngạc nhiên.
Phải chăng trong những nguyên nhân đó, có một phần là sự vô cảm?
Tôi nghĩ cũng có thể. Có thể có một bộ phận thanh niên vô cảm, hoặc họ sợ liên lụy, sợ ảnh hưởng đến mình; hoặc những người đứng ở đó hôm đó không biết bơi… đó là những cách lý giải khác nhau, nhưng rõ ràng không biết bơi thì phải hô hoán người khác đến cứu, đằng này lại để họ chết đuối.
Bệnh vô cảm trong xã hội thời gian gần đây cũng xảy ra nhiều, đó cũng là điều cảnh báo về việc đi xuống của đạo đức xã hội đang gây ra những lo lắng và bức xúc cho không ít người.
Theo chị, lý do vì đâu bệnh vô cảm lại ngày càng nhiều, nhất là trong xã hội thời hiện đại và đặc biệt rơi vào số đông thanh niên trẻ?
Nói có nhiều và có lan rộng hay không thì tôi không dám chắc, vì chưa có nghiên cứu nào chứng minh nó chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong lớp thanh niên hiện nay. Hiện tượng đó trong mấy năm nay cũng xảy ra nhiều khiến không ít người có cảm giác hiện nay mọi người, đặc biệt là thanh niên trẻ vô cảm hơn.
Tôi nghĩ do cuộc sống xã hội thay đổi, ngày nay có quá nhiều hiện tượng xảy ra và lối sống, suy nghĩ không can thiệp vào chuyện người khác hiện nay đang khá phổ biến, nhất là ở thành phố. Tôi nghĩ bệnh vô cảm xuất phát từ lối sống không can thiệp vào công việc của người khác, đó là cái thứ nhất.
Thứ hai, rõ ràng cũng có những câu chuyện tiêu cực xảy ra, nhưng người dân ta có câu “làm phúc phải tội”, nhiều khi mình có lòng tốt muốn giúp đỡ nhưng có khi lại phải nhận lại những điều thiệt thòi, nên nhiều người nghĩ tốt nhất mình không can thiệp vào chuyện người khác cho được yên thân.
Căn bệnh này có vẻ đang càng ngày càng trầm trọng trong xã hội Việt Nam. Theo chị, chúng ta phải làm gì để đẩy lùi được hiện trạng này, hay chí ít là giảm bớt tình trạng này thôi?
Tôi nghĩ cần giáo dục cho mọi người về việc giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn, hoạn nạn, giáo dục cho thanh thiếu niên từ khi còn nhỏ, giúp như thế nào cho hợp lý. Cần phải học về nguyên tắc giúp đỡ, giúp đúng lúc, đúng chỗ, đúng người và phải có những trang thiết bị tối thiểu tùy từng trường hợp. Ví dụ khi đang trên đường cao tốc mà bạn vẫy xe đi nhờ thì chẳng ai cho đi nhờ đâu vì sợ cướp chẳng hạn, như thế rất khó nói là người ta vô cảm được.
Cảm ơn chị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận