Xã hội

Có thể phải hủy bỏ hai thông tư "vô cảm" khiến doanh nghiệp rơi nước mắt

01/02/2019, 10:35

Thủ tướng chỉ đạo có thể phải hủy bỏ hai thông tư của Bộ TN&MT đang làm khổ doanh nghiệp.

img
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác Thủ tướng trong chuyến xuống cảng Hải Phòng kiểm tra tình trạng tồn đọng container nhập khẩu phế liệu

Vừa qua, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP dẫn đầu, theo chỉ đạo của Thủ tướng đã trực tiếp xuống cảng Hải Phòng để tháo gỡ, giải quyết vướng mắc liên quan việc tồn đọng container phế liệu, khiến các doanh nghiệp thiệt hại hàng chục nghìn USD.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ cũng như buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 31/1, câu hỏi về thực trạng và trách nhiệm trong vụ việc này cũng được đặt ra cho Chính phủ.

Trao đổi với Báo Giao thông sau khi kết thúc buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, ngay từ khi tháp tùng Thủ tướng dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thuỵ Sĩ, ông đã rất “sốt ruột” về việc này, và Thủ tướng cũng chỉ đạo Tổ công tác sau khi về nước phải giải quyết ngay.

“Khi xuống đến đó, nghe doanh nghiệp nói thấy thảm thương lắm. Có chủ doanh nghiệp tâm sự với tôi họ phải khóc dở mếu dở khi làm nhà máy phế liệu, phải đóng cửa, thậm chí phá sản” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ.

Báo cáo của cơ quan liên quan cho thấy, hiện có tổng số 24.184 container phế liệu đang lưu giữ tại các cảng trên cả nước (trong đó, số lưu giữ từ 30 ngày đến 90 ngày là 6.733 container; số tồn đọng trên 90 ngày là 9.872 container).

Với việc chậm được thông quan các lô hàng này, mỗi ngày doanh nghiệp phải chi trả khoảng 40-50 USD/container/ngày tiền lưu kho, bãi, với 16.605 container (đang bị lưu giữ từ 30-90 ngày), gây thiệt hại cho doanh nghiệp khoảng từ 600.000-800.000 USD/ngày.

Ngoài ra, theo phản ánh, nhiều doanh nghiệp phải giảm công suất, công nhân nghỉ việc, hủy hợp đồng, các hãng tàu chở phế liệu từ chối hoặc tăng 1,5 lần giá cước vì chủ tàu cho rằng hàng về Việt Nam khó khăn trong việc thông quan.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, có những container bị tồn từ tháng 6 đến nay, nhân với số tiền trên thì “không biết bao nhiêu cho đủ”, thậm chí, có bán cả ruột, cả vỏ cũng không đủ tiền nộp phạt tiền lưu bến bãi cho những container này.

Trong khi nhà máy cần phế liệu để sản xuất mà số lượng lớn lô hàng container gặp vướng, chậm thông quan nên đã ảnh hưởng đến nguyên liệu, rồi công nhân nghỉ việc, cắt hợp đồng với đối tác đã ký… Đây là câu chuyện rất lớn” – ông Dũng nói.

Thực trạng này cũng cho thấy bất cập trong hai Thông của Bộ TN&MT là Thông 08 và Thông 09 Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, hai Thông này được xây dựng nhằm mục đích bảo vệ môi trường nhưng thực tế có một loạt quy định thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Hải quan vô tình có sự chồng chéo, khó thực hiện cho địa phương. Bên cạnh đó, cũng do địa phương chưa thực sự giám sát để có thể giảm thời gian thông quan của các lô hàng hoá.

Rất tiếc khi thực hiện việc này, chúng ta đã không kiểm soát kỹ việc ban hành các văn bản, gây ra các rào cản, thủ tục mà chính chúng ta đã vô tình giết chết doanh nghiệp” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã nói như vậy và thẳng thắn cho rằng, chúng ta cần minh bạch, không đổ lỗi cho nhau, không đổ lỗi cho doanh nghiệp. Đặc biệt, nếu sai phải xin lỗi doanh nghiệp vì đã vô tình ban hành những văn bản bóp chết doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp phải rơi nước mắt.

Ông cũng kể lại câu chuyện có doanh nghiệp khi trình bày đã khóc với Thủ tướng, bởi câu chuyện này đã diễn ra từ rất lâu rồi. Chính vì vậy, Thủ tướng đã có chỉ đạo để Tổ công tác Thủ tướng xuống kiểm tra và truy trách nhiệm trong việc này.

Cũng theo người phát ngôn Chính phủ, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, khi được VPCP báo cáo về việc này, Thủ tướng đã rất gắt gao và cho rằng việc không đánh giá kỹ tác động mà đã ban hành Thông tư là “vô cảm”.

“Thủ tướng đã chỉ đạo kịp thời nếu không cả Tết này không ai ăn tết được. Tôi phải nói rõ để thấy là chúng ta đang vô cảm” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Ông cho hay, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là sẽ đưa vào Nghị quyết của Chính phủ về việc không giao trách nhiệm kiểm tra cho Sở TN&MT các tỉnh, thành phố nữa để tránh chồng chéo, thậm chí, thậm chí, người đứng đầu Chính phủ còn yêu cầu có thể ra thông báo huỷ bỏ Thông tư 08, 09 để không còn làm khổ doanh nghiệp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.