Chất lượng sống

Cổ tích cô gái Bhanar nhận nuôi hai con bị ruồng bỏ

15/06/2018, 06:00

Tấm lòng nhân ái, sự yêu thương vô bờ bến đã trở thành sợi dây gắn kết 3 con người hoàn toàn xa lạ...

1

Y Byen và 2 cậu con nuôi - Ảnh: Tạ Vĩnh Yên

Hai đứa trẻ bất hạnh trong lúc kề cận cõi chết được trái tim ấm áp, nhân hậu của Y Byen sưởi ấm, đem lại một cuộc đời mới.

Làm “mẹ” lúc 15 tuổi

Cách đây hơn 14 năm, tại một ngôi làng ở xã Đê Ar (huyện Mang Yang) có một phụ nữ vừa sinh con thì qua đời. Tập tục của dân làng người Bhanar lúc bấy giờ, nếu mẹ đứa bé chết thì sẽ chôn theo đứa bé với mẹ. Cô bé Y Byen (SN 1990, khi ấy đang học lớp 9) và mẹ là Vứt (SN 1952, trú tại làng Piơm, thị trấn Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa) đang đi bán áo quần cũ ở làng Tơ Măn, nghe được câu chuyện buồn liền nói với mẹ: “Tội đứa bé quá, nó còn sống mà. Hay là mình xuống đám ma coi rồi xin cháu bé về nuôi được không?”. Thấy con nói vậy, bà Vứt đồng ý ngay.

Hai mẹ con chạy ngay xuống đám ma ở làng. Những người họ hàng của cháu bé nói mẹ cháu chết rồi giờ không chôn theo thì cháu cũng chết thôi, nuôi không được. Nghe thế, Y Byen liền nói ngay: “Cháu còn khóc đây mà, bây giờ gia đình cho mẹ con Y Byen đem cháu về nuôi. Mình sẽ làm mẹ, mình nuôi nó”. Bà Vứt cũng nói vào: “Nhà mình nuôi được, đừng chôn cháu như thế”.

"Vừa qua, khi biết về câu chuyện này, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã đến tận nhà thăm hỏi động viên và chia sẻ niềm vui với gia đình. Tại đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nhắc nhở các ngành cần quan tâm giúp đỡ và tạo mọi điều kiện để Y Byen hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn và đặc biệt là chăm sóc hai cháu nhỏ để các cháu lớn lên trở thành người tốt của xã hội. Đây cũng là tấm gương sáng mà các ngành phải nêu lên để mọi người noi theo."

Ông Phan Xuân Vũ
Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Gia Lai

Nghe hai mẹ con van nài và gia đình cũng không muốn chôn cháu bé nên hồi lâu cả họ hàng cũng đồng ý. Người cha dẫn Y Byen tới quan tài (quan tài không đậy nắp, phong tục người Bhanar) rồi chỉ cháu bé đang nằm trên bụng mẹ rồi nói: “Y Byen đưa nó về nuôi đi”. Nói xong, ông nhìn chăm chăm vào đứa bé, còn Y Byen đưa tay bế cháu bé ra, lấy chiếc áo của mình quấn lại ẵm vào lòng. Hai mẹ con đưa cháu bé ra khỏi làng. Đứa trẻ đỏ hỏn cứ cầm chặt lấy ngón tay Y Byen suốt chặng đường dài mà không khóc.

“Khi ấy, mình chưa đủ tuổi để nhận con nuôi nên mọi thủ tục đều do cha mẹ làm. Nhà mình lúc đó rất nghèo, nhiều lúc phải uống nước cơm để đỡ đói. Người làng biết chuyện lâu lâu lại mang cho cháu hộp sữa đặc. Có người trong làng mới sinh con cũng bế cháu sang bú ké. May sao trời thương, con vẫn mạnh khỏe và lớn lên từng ngày. Mình đặt tên cháu là Y Song”, Y Byen kể lại và cho biết ý nghĩa của cái tên cậu con trai mình là “trời cho”.

Một ngày nọ, trong lớp mẫu giáo, khi mà những đứa trẻ cùng làng cứ chỉ trỏ vào Y Song rồi trêu đùa: “Mày không phải là con của mẹ Y Byen đó, mày không phải sinh ra ở cái làng này đâu”. Lúc ấy, Y Song giận lắm nhưng chẳng biết nói thế nào, chỉ chạy một mạch về nhà vứt hết dép rồi khóc. Người mẹ Bhanar khi nghe đứa con trai hỏi dồn thì bật khóc, ôm thật chặt đứa con trẻ đang cố vùng ra rồi nói: “Y Song ơi, con là con trai, là con của mẹ. Mẹ nuôi con lớn chừng này thì tại sao lại không phải là con của mẹ chứ?”. Nghe vậy, Y Song ôm chầm lấy mẹ mà khóc.

2

Y Byen cùng cha mẹ và 2 cậu con nuôi

Duyên làm mẹ

Câu chuyện đứa bé được Y Byen cứu trong quan tài quen thuộc với những người ở làng Piơm tại thị trấn Đắk Đoa. Hai mẹ con cùng lớn, cùng trưởng thành như cây thông giữa rừng. Tốt nghiệp THPT, Y Byen thi vào trường Trung cấp Văn hoá nghệ thuật tỉnh Gia Lai rồi trở thành ca sỹ nhờ chất giọng mạnh mẽ trời phú. Năm 2011, cô gái Bhanar này thi tuyển viên chức vào Nhà hát Đam San, tỉnh Gia Lai. Y Byen còn xin nhận đi hát đám cưới, hát ở hội nghị kiếm tiền trang trải nuôi con.

11 năm sau khi nhận nuôi Y Song, một mối duyên mẫu tử lại đến với cô ca sĩ này. Đó là ngày 10/8/2015, trong chuyến đi biểu diễn ở huyện Ia Grai (Gia Lai), Y Byen nghe tin gia đình của một đồng nghiệp vừa nhặt được một bé sơ sinh thiếu tháng tại nghĩa địa. “Mình tức tốc chạy đến để gặp bé. Bé thiếu tháng, nhỏ bằng bắp tay quấn một mảnh vải mỏng được đưa ra từ nghĩa địa và vẫn chưa được cắt dây rốn, chưa hề được tắm rửa gì cả. Lạ thay, đứa bé không khóc nhưng khi mình ẵm trên tay dỗ dành và nói “mẹ đây rồi” thì bé khóc ré lên. Mình cười mà rơi nước mắt vì nghĩ đó là con mình rồi”, Y Byen kể và cho biết, sau đó cô lập tức đưa cháu bé vào bệnh viện và phải ở đó cả tháng vì cháu bị nhiễm trùng rốn, phải thở ôxy do sinh non.  

Cho đến bây giờ, khi đã quá gắn bó với hai đứa con như mẹ ruột, Y Byen vẫn không hiểu điều gì đã giúp cô mạnh mẽ, can đảm và dũng cảm như vậy. Cô đã đặt tên người con trai thứ là Y Sơn, nghĩa là mạnh mẽ, cao lớn như một ngọn núi.

Quên đi những cuộc vui của những người trẻ, cứ sau giờ làm, cô ca sĩ lại tức tốc trở về nhà để chăm bẵm những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi ngủ. Ngót nghét tuổi 28, cô ca sĩ người Bahnar vẫn chưa có ai mở rộng tấm lòng nói lời yêu thương, hẹn thề đôi lứa. “Có nhiều lần, mình cảm thấy rất mệt mỏi và tủi thân. Nhiều khi cũng ao ước mình có một mái ấm gia đình, có một người chồng bên cạnh để sẻ chia những khó khăn trong lúc nuôi con. Nhưng rồi lại cũng chỉ biết tự động viên mình, lấy Y Song và Y Sơn làm động lực, nguồn sức mạnh mà vượt qua tất cả. Bất cứ lúc nào, mình cũng phải để cho các con thấy chúng có một người mẹ mạnh mẽ và chỉ khi thấy các con vui đùa là mình quên hết mọi chuyện”. 

Khi hỏi về chuyện của con gái mình, ông Y Byơm (SN 1942, bố ca sĩ Y Byen) bảo: “Gia đình hoàn toàn ủng hộ việc làm của Y Byen. Mình làm hậu phương của Y Byen mà. Mỗi lúc mẹ các cháu bận học, bận đi làm thì mình ở nhà chăm sóc các cháu, để Y Byen yên tâm”. Còn về mong muốn Y Byen lập gia đình, ông Byơm chỉ cười: “Người đồng bào mình suy nghĩ đơn giản lắm. Cái gì đến sẽ đến. Đương nhiên, nuôi con khôn lớn nên người thì cha mẹ nào cũng mong con cái của mình có một tổ ấm riêng. Còn Y Byen có cuộc sống khá đặc biệt, nên ai đủ yêu thương họ sẽ đến với cháu thôi”.

Nghệ sĩ ưu tú Chu Thị Thuý Hà, Phó giám đốc phụ trách nhà hát Đam San bày tỏ niềm tự hào vì ca sỹ Y Byen đang làm việc tại đây: “Mình cũng suy từ mình ra, cũng là người có điều kiện hơn Y Byen nhưng mình không làm được điều đó. Việc làm của Y Byen thật ý nghĩa xuất phát từ trái tim, từ tình người. Điều đáng trân trọng nhất là em đã vượt qua suy nghĩ mình là một cô gái còn trẻ chưa có gia đình, chưa có chồng mà dám nhận nuôi con. Và nuôi hai đứa trẻ trong khi chưa hiểu hết về việc nhận nuôi con sẽ khó khăn rất nhiều cho cuộc sống của mình sau này”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.