Tương tác thấp, hiệu quả thấp
Thường lệ, Hồ Châu Anh, học sinh Trường Tiểu học Ái Mộ B (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) sẽ thức dậy lúc 6h30, chuẩn bị sách vở để chuẩn bị tới trường. Tuy nhiên, từ gần 2 tháng nay, cô bé lớp 4 này được ngủ dậy muộn hơn 30 phút.
Sau khi dành khoảng 1 tiếng đồng hồ để vệ sinh cá nhân và ăn sáng, đúng 8h, Châu Anh bắt đầu ngồi vào bàn học, đọc lại những kiến thức đã ghi chép trong buổi hôm trước học trực tuyến. Buổi chiều, Châu Anh soạn trước bài, những nội dung không hiểu được gạch đầu dòng cụ thể và dự kiến hỏi lại cô giáo trong tiết học online vào 19h45 tối.
Chị Đỗ Thị Dịu, phụ huynh của Châu Anh cho biết, đó là thời gian biểu cố định được gia đình xây dựng cho các con trong quá trình nghỉ học do dịch bệnh.
Nói về kinh nghiệm dạy online, cô N.P.O., giáo viên chủ nhiệm lớp 4 của một trường tiểu học trên địa bàn huyện Đan Phượng (Hà Nội) cho rằng, việc soạn giáo án trực tuyến sẽ phải chi tiết hơn rất nhiều so với giáo án truyền thống. Giáo viên cũng cần chuẩn bị một không gian yên tĩnh, đạo cụ như điện thoại, máy tính, micro…
Tuy nhiên, theo cô P.O., không phải gia đình nào ở khu vực ngoại thành cũng có đủ điều kiện về internet hay phụ huynh vẫn chưa có máy tính, chưa sử dụng smartphone để hỗ trợ cho các con. “Vì học sinh không làm bài tập trực tiếp với cô giáo nên lỗi sai rất nhiều. Hơn nữa, các em cũng khó tập trung, nghiêm túc như học tại lớp”, cô P.O. cho hay.
Thầy B.N., giáo viên môn Hóa học tại một Trung tâm GDTX trên địa bàn Hà Nội quyết định đầu tư thêm bút dạ điện tử để trình bày, diễn đạt giúp học sinh dễ tiếp thu hơn. Mặc dù vậy, thầy N. cũng gặp phải không ít khó khăn như đường truyền internet chập chờn, quá tải, mất khá nhiều thời gian để đăng nhập lại.
“Việc kiểm tra cũng chỉ đánh giá được một phần, vì học sinh trong thời gian làm bài nếu quên một số câu có thể mở tài liệu để trả lời. Hay nhiều khi đang dạy, tôi phải yêu cầu học sinh mở góc camera lên xem đang làm gì, có ghi chép không”, thầy N. nói.
Tiêu chí đánh giá: Vừa dạy vừa nghe ngóng
Tại cuộc họp trực tuyến với một số địa phương do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì mới đây, lãnh đạo các địa phương đã thống nhất triển khai thí điểm quy trình đồng bộ dạy học trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Cụ thể, mỗi địa phương chọn ra 3 trường học thuộc 3 cấp (Tiểu học, THCS, THPT), mỗi trường sẽ chọn một lớp, mỗi lớp chọn một môn để thực hiện thí điểm ngay. Sau khi đánh giá, rút kinh nghiệm từ mô hình thí điểm sẽ nhân rộng tại địa phương.
Cách thức học tập thay đổi, vậy tiêu chí đánh giá kết quả học tập của học sinh được thay đổi ra sao? Trả lời câu hỏi này, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: Trường thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Cụ thể, trong quá trình tổ chức dạy học qua internet, giáo viên phụ trách môn học có thể trực tiếp kiểm tra bài cũ, đánh giá kết quả thông qua các bài kiểm tra trên hệ thống dạy học qua internet; Sử dụng các hình thức phù hợp để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trên truyền hình. Kết quả này sẽ được sử dụng thay cho các bài điểm hệ số 1 như kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút.
Còn khi học sinh đi học trở lại, nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình và thực hiện việc kiểm tra định kỳ và kiểm tra học kỳ theo đúng quy định.
“Chúng tôi cũng đưa ra nội quy cụ thể về chuẩn bị sách vở cho đến dụng cụ học tập, không gian học, trang phục. Học sinh có mặt đúng giờ để điểm danh, nếu vào muộn hoặc vắng, gia đình cần có lý do nếu không sẽ coi như học sinh đó nghỉ học không phép và xét hạnh kiểm của từng học sinh cũng như xếp thi đua của từng lớp”, cô Nguyệt nói.
Cô Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, ngoài tổ chức học cho học sinh trên 2 kênh của Đài PT&TH Hà Nội theo lịch phát sóng do Sở GD&ĐT thông báo, nhà trường cũng đang triển khai dạy học trực tuyến trên các nền tảng Zoom Meeting và Microsft Team theo thời khóa biểu, giao bài tập và đánh giá trên Hanoi Study và Microsft Team cùng các ứng dụng khác.
“Nhà trường bắt buộc 100% học sinh học trực tuyến dưới sự hỗ trợ, cộng tác của phụ huynh và sự giám sát, điểm danh, kiểm tra vở ghi của giáo viên.
Tuy nhiên, hiệu quả giữa các học sinh cũng khác nhau, vì ngoài năng lực thì còn tùy thuộc vào sự giám sát của phụ huynh cũng như ý thức tự giác của các em”, cô Hải Yến chia sẻ và thừa nhận, dù nỗ lực song việc học online còn rất nhiều hạn chế và đây cũng chỉ là biện pháp “cực chẳng đã”.
Theo cô Yến, kết quả học tập dạy và học năm nay chắc chắn cũng khác mọi năm. Đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT cũng chưa chốt phương án thi cử, cách thức đánh giá kết quả học tập năm học này. “Tinh thần thì vẫn là học sinh vẫn phải thi hết kỳ khi trở lại trường. Theo kế hoạch, thời điểm kết thúc năm học dự kiến lùi lại, trước ngày 17/7, song đến nay cũng chưa thể chắc chắn được”, vị hiệu trưởng này nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận