Thế giới

Cố vấn Mỹ tới Nhật Bản, Hàn Quốc “hạ nhiệt” căng thẳng

22/07/2019, 06:13

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton đã đến Nhật Bản, Hàn Quốc trong bối cảnh hai đồng minh của Mỹ đang "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt".

img
Cố vấn Mỹ John Bolton. Ảnh: Al Jazeera

Theo hãng tin Anh Reuters, Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton cuối tuần qua đã khởi hành đến Nhật Bản và Hàn Quốc trong bối cảnh quan hệ giữa hai quốc gia đồng minh của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á đã leo thang thành một cuộc tranh chấp thương mại.

Hòa giải hai đồng minh thân cận

Một phát ngôn viên của Hội đồng Bảo an Quốc gia Nhà Trắng cho biết trên Twitter rằng ông Bolton đã lên kế hoạch để tiếp tục trò chuyện với các đồng minh và bạn bè quan trọng.

Trước đó, vào hôm 19/7, sau một quãng thời gian im hơi lặng tiếng và được cho là không muốn đảm nhận vai trò trung gian, Tổng thống Donald Trump đã bất ngờ lên tiếng đề nghị để Mỹ giúp đỡ giảm bớt căng thẳng trong tranh chấp chính trị và kinh tế giữa hai đồng minh lớn nhất của Washington ở châu Á, nơi đe dọa nguồn cung chip nhớ và điện thoại thông minh toàn cầu.

Căng thẳng kéo dài, đặc biệt là về vấn đề bồi thường cho những người Hàn Quốc từng bị buộc phải làm việc cho quân đội Nhật Bản trong Thế chiến II trở nên tồi tệ hơn trong tháng này khi chính quyền Tokyo ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc.

Dù Nhật Bản đã phủ nhận việc tranh cãi về vấn đề bồi thường trong vấn đề “nô lệ người Hàn Quốc” là nguyên nhân chính đằng sau các quyết định hạn chế xuất khẩu hàng hóa đặc biệt cho Seoul, nhưng theo Reuters, một trong những bộ trưởng trong chính quyền Nhật cho rằng, niềm tin của Tokyo bị phá vỡ bởi quan điểm và lập trường của Seoul về vấn đề “nô lệ Hàn Quốc” trong Thế chiến II.

Theo vị bộ trưởng (giấu tên) của Nhật Bản, nó là nguyên nhân chính dẫn đến việc Tokyto ban hành các giới hạn xuất khẩu những hàng hóa đặc biệt cho Hàn Quốc. Theo giới phân tích, hạn chế xuất khẩu của Nhật không chỉ ảnh hưởng đến lĩnh vực công nghệ của Hàn Quốc, mà còn có thể làm tổn thương đến cả các công ty công nghệ trên quy mô toàn cầu.

Ở Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng chính Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã hỏi ông có thể tham gia dưới vai trò trung gian hòa giải giữa Hàn Quốc và Nhật Bản hay không.

Phát ngôn viên của Tổng thống Moon xác nhận việc chính quyền Hàn Quốc yêu cầu Tổng thống Trump giúp đỡ trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ ở Seoul vào ngày 30/6 vừa qua.

An ninh ở Vịnh Ba Tư và tình hình Biển Đông

Giới quan sát cho rằng, trong chuyến đi tới Đông Bắc Á của mình, Cố vấn Mỹ Bolton cũng có khả năng tìm kiếm sự hỗ trợ cho một sáng kiến ​​của Hoa Kỳ để tăng cường giám sát các tuyến vận tải quan trọng ở Trung Đông, vốn được các đồng minh châu Á hoan nghênh. Lý do bởi những quốc gia này cũng không muốn gây căng thẳng với Iran sau khi Washington nhiều lần lên tiếng cáo buộc Iran tiến hành các vụ tấn công vào tàu chở dầu thương mại khi chúng di chuyển qua Vịnh Ba Tư.

Truyền thông Nhật Bản cho biết, ngoài bàn việc này ở Hàn Quốc, vấn đề nói trên cũng có thể nằm trong chương trình nghị sự khi ông Bolton tới Nhật Bản, nơi bất kỳ cam kết quân sự nào ở nước ngoài sẽ có nguy cơ gây chia rẽ dư luận ở một quốc gia mà lực lượng vũ trang không chiến đấu ở nước ngoài kể từ Thế chiến II.

Một quan chức Hàn Quốc cho biết, Washington vẫn chưa đưa ra bất kỳ yêu cầu chính thức nào tới Seoul về vấn đề hợp tác đảm bảo an ninh trên khu vực Vịnh Ba Tư,

Trước đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Joseph Dunford cũng đã đánh tiếng rằng Washington hy vọng sẽ chung tay với các đồng minh để hình thành một liên minh quân sự để bảo vệ vùng biển chiến lược ở ngoài khơi lãnh hải của Iran và Yemen.

Trước thực tế là các đồng minh không muốn sử dụng vũ khí hoặc lực lượng chiến đấu để đối phó với Iran, một quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc nói với Reuters rằng, có thể cố vấn Mỹ sẽ nhắc lại quan điểm là “mục đích của liên minh quân sự ứng phó tình hình ở Vịnh Ba Tư là để phát đi những cảnh báo nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công vào tuyến đường vận chuyển thương mại quan trọng nhất nhì thế giới”.

Nhật Bản là nước nhập khẩu dầu lớn thứ tư thế giới và 86% nguồn cung dầu của nước này mua vào năm ngoái đều phải đi qua eo biển Hormuz. Đây là tuyến vận chuyển quan trọng nối các nhà sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông tới các thị trường ở châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và xa hơn nữa.

Lập trường của Nhật Bản đối với đề xuất của Mỹ dự kiến sẽ rất phức tạp bởi thực tế chính quyền Tokyo từ lâu đã duy trì mối quan hệ thân thiện với Iran. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trước đó đã từng đưa ra một nỗ lực không thành công để giảm bớt căng thẳng trong khu vực khi ông gặp các nhà lãnh đạo Iran ở Tehran vào tháng trước.

Ngoài ra, giới phân tích cũng cho rằng, trong chuyến công tác đến châu Á lần này, Cố vấn an ninh Mỹ John Bolton chắc chắn sẽ lặp lại lập trường và quan điểm của Hoa Kỳ về các hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam biển Đông mà Washing từng cáo buộc Bắc Kinh đang có cách hành xử mang tính chất cưỡng bách đối với các nước Đông Nam Á, đe dọa hòa bình, ổn định khu vực.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.