Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trả lời câu hỏi của báo chí |
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017, báo chí đặt câu hỏi cho Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng về việc thất lạc hồ sơ Trịnh Xuân Thanh và việc lộ thông tin kỷ luật Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: "Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã có kết luận khẳng định Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn không làm lộ tài liệu mật mà chính việc làm lộ thông tin buổi làm việc đề nghị kỷ luật ông Tuấn mới là thông tin mật. Xin hỏi Thứ trưởng, qua vụ việc này bộ rút ra bài học gì? Có xử lý người làm lộ thông tin đề xuất kỷ luật Thứ trưởng Trần Anh Tuấn không?”.
Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, về thông tin mất hồ sơ liên quan Trịnh Xuân Thanh phiên họp báo Chính phủ các tháng trước đó, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã trả lời.
Theo ông Thăng, quy định về quản lý hồ sơ trước hết thực hiện theo pháp luật về lưu trữ, theo quy chế làm việc của Bộ Nội vụ và các bộ. Theo đó, cơ quan trình chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ và nộp lưu hồ sơ theo quy định. Khi Ủy ban Kiểm tra T.Ư kết luận có nêu Bộ Nội vụ, nếu cần thiết mời Bộ Công an vào điều tra.
Thứ trưởng Nội vụ cho rằng, trên cơ sở kết luận của Bộ Công an, các cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc làm rõ việc này xem mất hồ sơ lý do vì sao. Trong hồ sơ giải quyết vụ việc có thành phần hồ sơ, ý kiến trình cơ quan tham mưu, ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, của lãnh đạo bộ. "Giờ thất lạc hồ sơ rất khó đánh giá, phải căn cứ kết luận của Bộ Công an", ông Thăng cho hay.
Về việc lọt thông tin, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng giải thích, tài liệu mật là những tài liệu liên quan đang trong quá trình điều tra, thanh tra chưa đươc phép công bố. Trên cơ sở Chính phủ giao Bộ Công an quy định hướng dẫn. Trên cơ sở kết luận của Bộ Công an, Ủy ban Kiểm tra T.Ư có kết luận phù hợp trên cơ sở quy định của pháp luật.
"Tại phiên họp 19 của Ủy ban Kiểm tra T.Ư không nêu nội dung này mà tách ra bằng 1 thông báo riêng và Uỷ ban Kiểm tra T.Ư yêu cầu bảo mật thông tin. Tôi không hiểu nhà báo lấy thông tin ở đâu? Tôi đề nghị xem xét lại việc này lấy thông tin đó ở đâu cũng cần làm rõ", ông Thăng nói.
Cũng liên quan đến Bộ Nội vụ, trả lời báo chí về việc 2 năm thực hiện tinh giản nhưng biên chế lại tăng 96.000 biên chế như Trưởng ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính nói tại hội nghị quán triệt Nghị quyết T.Ư 6 mới đây, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, Nghị quyết 18, 19 của Hội nghị T.Ư 6 đánh giá rất toàn diện, tổng thể và nêu ra nguyên nhân.
Theo ông Thăng, chúng ta có nhiều quan quản lý biên chế. Cụ thể, Ban Tổ chức T.Ư quản lý và giao biên chế cho các tổ chức Đảng, đoàn thể. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý và giao biên chế cho kiểm toán, toà án, VKS, Văn phòng Chủ tịch nước...
Riêng Chính phủ có trách nhiệm giao biên chế từ T.Ư đến địa phương trong các cơ quan hành chính nhà nước. Theo Nghị quyết 39 giảm tối thiểu 10% đến năm 2021. Trong 2 năm qua, Thủ tướng chỉ đạo và đã giảm biên chế được 2,9%.
"Sắp tới thực hiện nghị quyết 18, 19 của Hội nghị T.Ư 6, đặc biệt là các vấn đề cần làm ngay sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong, xã, thôn, tổ dân phó thì việc khả năng giảm được theo mục tiên cao. Tuy nhiên yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc. Riêng tinh giản biên chế Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, đến nay Chính phủ đã giảm hơn 32.000 biên chế" - ông Thăng thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận