Theo chia sẻ của BSCK2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện hàng trăm clip hướng dẫn bẻ khớp cổ trị đau vai gáy dành cho những người "cổ rùa", hay đau mỏi vùng cổ vai gáy.
Nhiều trang cá nhân hướng dẫn bẻ khớp cổ vai gáy có các tên gọi như "Viện cơ xương khớp", "Phòng khám xương khớp", "Trị liệu cổ vai gáy"… Phần lớn các video này có hình ảnh người bẻ cổ vai gáy đều kèm theo những tiếng kêu rắc rắc rất đã tai, và hút người theo dõi.
Tuy nhiên, BS Tấn Vũ cho hay việc bẻ cổ quá mạnh có thể dẫn đến một số vấn đề nguy hiểm như: Chèn ép dây thần kinh cổ khiến khó hoặc không thể vận động; Căng cơ xung quanh khớp và bản thân các khớp. Việc lạm dụng hình xoay vặn quá mạnh còn có thể kéo giãn dây chằng trong khớp, mất đi sự ổn định, có nguy cơ bị thoái hóa khớp. Hơn nữa, cổ tập trung nhiều mạch máu quan trọng, bẻ cổ quá mạnh dẫn đến thủng mạch máu, hoặc cũng có thể gây ra đông máu, dẫn đến đột quỵ.
Đau cổ vai gáy là tình trạng bệnh xảy ra khá phổ biến, xuất phát từ nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau. Có thể do thoát vị đĩa đệm cổ (một số triệu chứng đi kèm thường gặp bao gồm: Ngứa ran vùng cổ vai gáy, nóng rát vùng cổ vai gáy, tê vùng cổ vai gáy); Thoái hóa đốt sống cổ (các dây thần kinh cột sống có nguy cơ bị thu hẹp hoặc viêm gây ra những cơn đau khó chịu lan dần từ cổ xuống vai); Căng cơ; Viêm dây thần kinh cánh tay (một số triệu chứng đi kèm thường gặp là ngứa ran, tê, yếu vai, cánh tay, bàn tay…); Duy trì các tư thế sai trong một thời gian dài (ngủ trên gối quá cao, ngồi trước máy tính hoặc điện thoại ở tư thế căng cổ về phía trước hoặc ngửa lên, đột ngột giật cổ khi tập thể dục…) có thể dẫn đến hiện tượng căng cơ, gân ở vùng cổ vai gáy…
Để giúp trị đau vai gáy an toàn mà hiệu quả, BS Tấn Vũ cho rằng có nhiều phương pháp giúp trị liệu như vật lý trị liệu bằng việc sử dụng tác dụng vật lý tự nhiên hay nhân tạo để trị như ánh sáng trị liệu, điện trị liệu, kéo nắn trị liệu... Hoặc tập yoga khí công với các động tác ưỡn cổ, vặn cột sống, tam giác…
Ngoài ra, phương pháp xoa bóp bấm huyệt cũng mang lại hiệu quả. Việc xoa bóp thực hiện vùng cổ mềm cơ sau đó vận động cột sống cổ nhẹ nhàng kết thúc xoa bóp lại khoảng 15-20 phút là được, liệu trình 3-5 ngày… Trước khi lựa chọn bất kỳ hình thức nào, người bệnh nên khám và tư vấn bởi thầy thuốc để được chỉ định phù hợp.
Với thói quen thường xuyên bẻ xương khớp như: Khớp tay, khớp chân, cột sống… tạo tiếng kêu "rắc rắc" của rất nhiều người, theo BS Tấn Vũ, nếu việc này được thực hiện trong thời gian dài, cấu trúc của hệ xương sẽ tự động thích nghi, dây chằng và màng khớp sẽ giãn ra và dần dẫn đến tình trạng khớp bị sưng lên và làm giảm sức cầm nắm, thậm chí có thể gây viêm khớp. Việc này cũng có thể làm khớp có thể bị hao mòn dẫn đến quá trình thoái hóa khớp diễn ra ngày càng nhanh hơn.
"Với người bị đau mỏi vai gáy, mỏi khớp ngoài việc tập luyện, nên lưu ý ăn uống đa dạng, sinh hoạt hợp lý, tập luyện phù hợp và đặc biệt chú ý đến các nguyên nhân, bệnh lý gây tổn thương cột sống, thần kinh, mạch máu vùng cổ ảnh hưởng sức khỏe để được can thiệp kịp thời, hiệu quả", BS Vũ khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận