Việc sửa đổi, bổ sung quy định liên quan để "cởi trói" cho doanh nghiệp nâng cấp đội tàu để tránh tụt hậu và tăng hiệu quả kinh doanh là rất cấp thiết.
Khó đàm phán với đối tác đóng tàu
Hơn 10 năm nay, đội tàu của Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) ngày càng teo tóp do không được đầu tư thêm tàu mới, trong khi nhiều tàu cũ phải thanh lý.
Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Vosco cho biết, công ty đã lên kế hoạch đầu tư thêm 6 tàu đóng mới nhưng tới nay, dự án này vẫn hoãn vô thời hạn vì không đàm phán được với các đối tác nước ngoài.
Các doanh nghiệp kỳ vọng các quy định về việc mua bán, đóng mới, đăng ký tàu biển sẽ được điều chỉnh để giúp doanh nghiệp phát triển đội tàu.
Lý do, Vosco là doanh nghiệp có vốn Nhà nước nên các hoạt động mua bán tàu đều phải thực hiện theo Nghị định 171 quy định về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển (được sửa đổi bởi Nghị định 86).
Việc đóng mới hay mua bán tàu của doanh nghiệp này phải thực hiện theo hình thức đấu thầu. Trình tự, thủ tục đấu thầu khá phức tạp, kéo dài nhiều tháng và phải có các chủ trương, xác nhận của cấp có thẩm quyền. Trong khi đó, đối tác luôn muốn có xác nhận sớm về việc có hợp tác hay không.
"Theo quy chế, chúng tôi phải báo cáo và xin chủ trương đầu tư từ Tổng công ty Hàng hải VN. Khi có chủ trương, doanh nghiệp mới có thể tiến hành các bước tiếp theo như tìm hiểu loại tàu nào, series tàu ra sao... Trong khi đó, thế giới mua bán tàu có thông lệ riêng, họ không chờ ta làm thủ tục lâu đến vậy.
Nếu không sớm sửa đổi quy định, có lẽ mấy năm nữa các doanh nghiệp có vốn Nhà nước cũng không đầu tư thêm được tàu", ông Minh chia sẻ.
Mua bán tàu trên thế giới thế nào?
Theo các chuyên gia, việc mua bán tàu biển trên thị trường quốc tế diễn ra khá đơn giản. Các doanh nghiệp có nhu cầu mua tàu sẽ liên lạc với các đơn vị môi giới để có thể mua bán một cách hợp pháp, đảm bảo độ chính xác về giá cả. Doanh nghiệp đưa ra các yêu cầu về kích cỡ, trọng tải tàu, tuổi tàu, xuất xứ, máy chính, đơn vị môi giới sẽ thực hiện tìm kiếm và chào giá.
Thông thường, để tìm được một tàu có tiêu chí phù hợp phải mất khoảng 3 - 6 tháng, đồng thời cần thời gian để bên mua tàu đi tìm hiểu, xác định trạng thái tàu trước khi thống nhất có mua hay không. Khi hai bên đồng thuận sẽ tiến hành giao dịch.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp phía chủ tàu không bán công khai trên thị trường mà chỉ trao đổi song phương với đối tác để bán tàu. Do đó, việc mua bán tàu tại thị trường quốc tế chỉ theo tính chất thuận mua vừa bán, không có đấu thầu hay chào hàng cạnh tranh.
Theo ông Nguyễn Đại Hải, Phó giám đốc Công ty CP Vận tải biển Tân Cảng (Tancang Shipping), một trong những khó khăn hiện nay là quy định người quyết định mua, bán tàu biển phải chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh.
Điều này gây khó cho doanh nghiệp, bởi hiệu quả kinh doanh rất khó đảm bảo trước, vì mọi thứ diễn biến theo thị trường. Các quy định nếu sửa đổi cần rõ ràng vì nếu không, doanh nghiệp làm đâu cũng thấy sai nên sẽ ngại đầu tư đội tàu.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Luật Đấu thầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 đã nới cho đối tượng là các doanh nghiệp cổ phần. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Minh, cũng vì những quy định chưa phù hợp ràng buộc khiến thời gian qua, đội tàu của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước bị nhiều công ty tư nhân vượt mặt.
Theo một chuyên gia lĩnh vực hàng hải, thời gian gần đây, việc phát triển đội tàu giữa doanh nghiệp có vốn Nhà nước và công ty tư nhân đã xảy ra hiện tượng nghịch chiều. Trong khi một số chủ tàu tư nhân chớp thời cơ để đầu tư, tăng năng lực đội tàu mình sở hữu thì đội tàu của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước lại phát triển chậm hơn.
Theo thông tin của Báo Giao thông, Bộ GTVT đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171. Đáng chú ý, dự thảo đã bỏ nội dung "việc mua, bán, đóng mới tàu biển là hoạt động đầu tư đặc thù". Hình thức, quy trình thực hiện, thẩm quyền phê duyệt chủ trương, quyết định mua, bán, đóng mới tàu biển… cũng được bãi bỏ.
Các chuyên gia cho rằng, việc này sẽ gỡ khó cho các doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh vận tải biển. Để bán tàu, doanh nghiệp không cần phải tiến hành thủ tục đấu giá.
Tương tự, với việc mua tàu biển, dự thảo cũng bỏ quy trình gây khó như: Phê duyệt chủ trương mua tàu biển; lựa chọn tàu, dự kiến giá mua và các chi phí liên quan đến giao dịch mua tàu; lập, thẩm định, phê duyệt dự án mua tàu biển.
Theo Bộ GTVT, điều này để tránh chồng chéo về nội dung hướng dẫn văn bản pháp luật chuyên ngành về đầu tư, quản lý vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện đầu tư mua, bán, đóng mới tàu biển sử dụng vốn Nhà nước.
Theo dự thảo Nghị định sửa đổi sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171, việc mua, bán, đóng mới tàu biển có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công.
Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện theo quy định của Luật đấu thầu và các quy định khác có liên quan.
Tổ chức, cá nhân có hoạt động mua, bán, đóng mới tàu biển không thuộc các trường hợp trên được tự quyết định chọn áp dụng toàn bộ hoặc các điều, khoản, điểm cụ thể của Luật Đấu thầu và các quy định khác có liên quan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận