Thị trường

Còn cách ly, khách sẽ không đi du lịch!

11/01/2022, 14:25

Cung cấp thông tin an toàn dịch cho du khách và các địa phương áp dụng thống nhất về cấp độ dịch là việc cấp bách phải làm hiện nay.

Giá rẻ không phải ưu tiên hàng đầu

Nhóm nghiên cứu Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) sáng nay 11/1 đã phối hợp với Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) công bố kết quả khảo sát “Nhu cầu và xu hướng khách du lịch thời Covid-19”.

img

“Lò xo bị nén” giai đoạn dịch bệnh kéo dài vừa qua khiến gần 90% số người được hỏi muốn đi du lịch ngay trong 10 tháng tới. Ảnh minh hoạ

Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký TAB trình bày khảo sát cho biết, nhu cầu đi du lịch của người dân trong nước hiện rất lớn khi có tới gần 90% số người được hỏi muốn đi du lịch ngay trong 10 tháng tới.

Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu của khách du lịch hiện nay là tiêu chí an toàn và giá tương xứng, chứ không phải tiêu chí tour du lịch giá rẻ.

Dự kiến tỷ lệ phủ phòng lưu trú sẽ tăng từ 30% dịp cuối tuần hiện nay lên 70% trong đợt Tết Nguyên đán 2022 tới.

Cụ thể, số người lựa chọn tiêu chí giá tương xứng chất lượng chiếm tới 51%. Chỉ có 39% số người khảo sát ưu tiên tiêu chí ưu đãi giá.

“An toàn và giá tương xứng chất lượng là hai yếu tố khách ưu tiên nhất trong hai lần khảo sát gần đây. Trong khi đó, giảm giá không phải ưu tiên hàng đầu nhưng sự quan tâm giai đoạn này đã tăng lên”, ông Chính cho hay.

Đại diện nhóm nghiên cứu cũng cho biết, khách vẫn lo ngại nhất là bị cách ly khi đi và đến điểm du lịch; Và dịch bùng phát khi đang đi du lịch.

“Các điểm đến, nếu địa phương còn áp dụng cách ly trên diện rộng thì đồng nghĩa với việc không thể có du lịch nội địa nữa. Gần 90% số người không đồng ý đi du lịch trong trường hợp này”, ông Chính nói.

Ông Chính cũng cho biết, cần phải có biện pháp thích ứng linh hoạt để khách vẫn đi du lịch mà vẫn giữ được an toàn. Đó là bài toán mà ngành du lịch và y tế cùng phải tìm lời giải.

Cũng do lo ngại dịch bệnh khó lường, số ngày đặt trước của các tour hiện đã rút lại còn rất ngắn.

Theo khảo sát, khách đặt ngày càng gần chuyến đi. Nếu trước đây khách có thể đặt trước ít nhất 16 đến 30 ngày trước mỗi chuyến đi thì nay khách chỉ đặt trước 10,9 ngày trước chuyến đi. Thậm chí ngày càng nhiều khách không đặt trước mà cứ thế lên đường ngay.

Bên cạnh đó, tỷ lệ khách từ Hà Nội, TP.HCM lựa chọn mong muốn linh hoạt và được huỷ bỏ tour tăng cao. Do đó, đại diện nghóm nghiên cứu lưu ý yếu tố này với các doanh nghiệp du lịch, lưu trú và nhấn mạnh đây là xu hướng các doanh nghiệp phải thích ứng và xử lý linh hoạt.

Cấp bách: Cung cấp thông tin an toàn dịch

Nhóm nghiên cứu cho rằng, tỷ lệ ngày đặt trước rút ngắn, thậm chí tỷ lệ huỷ tăng cao do thông tin về du lịch yếu và tính tiên lượng thấp.

Đại diện SunGroup cho biết, rất khó có thể tìm thông tin phổ biến về tình hình dịch bệnh một cách thường xuyên, dễ dàng tại các địa phương. Thông tin cung cấp trên website các tỉnh rất khó tìm và không được cập nhật. Bản thân doanh nghiệp nhiều khi phải hỏi xuống tận các Sở ở địa phương nhưng cách thức này không thể thực hiện hàng ngày.

“Khách rất đói thông tin. Khác với các nước du lịch, khi chúng tôi tìm hiểu để đi du lịch Thái Lan, Singapore hay EU thì chỉ cần vào một địa chỉ website là có ngay các thông tin như khi đi du lịch tới đây cần điều kiện gì, có cần tiêm chủng không, có phải cách ly không… Nhưng ở Việt Nam, việc tìm thông tin này vẫn khó nhưng là nhu cầu của khách nội địa”, ông Hoàng Nhân Chính đồng tình và thông tin thêm.

Do đó, theo đề xuất của nhóm nghiên cứu, cần có một đơn vị cấp TƯ thống nhất cung cấp thông tin an toàn dịch. Đây sẽ là địa chỉ duy nhất cung cấp thông tin khi tìm hiểu du lịch Việt Nam. Sau đó, doanh nghiệp và du khách có nhu cầu sẽ vào đó lấy thông tin.

“Đó là đòi hỏi cấp bách, hãy làm cách nào đó cung cấp thông tin an toàn dịch bệnh cho khách du lịch. Cơ quan nhà nước sẽ phải là đơn vị thực hiện”, ông Chính nói.

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, địa phương muốn thu hút du lịch thì phải áp dụng tinh thần Nghị quyết 128, tức là một cấp độ dịch thì các địa phương phải đưa ra các quy định giống nhau. Chính phủ phải cảnh báo các địa phương để cùng Chính phủ có cách nhìn nhận thống nhất trong bối cảnh bình thường mới. Không thể bình thường mới tỉnh này khác với bình thường mới ở tỉnh khác.

Ông Chính cũng lưu ý, hiện nay do tình hình dịch bệnh nên xu hướng tìm kiến thông tin và đặt dịch vụ online vẫn sẽ tiếp tục tăng nên các doanh nghiệp phải chú ý chuyển đổi số. Doanh nghiệp cũng nên áp dụng một số cách thức tiếp thị như Thái Lan khi công bố nhãn "Doanh nghiệp du lịch an toàn" để thu hút khách.

Danh sách các điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam: Kiên Giang và Lâm Đồng vẫn giữ vị trí tốt thứ nhất và thứ hai. Lâm Đồng được nhiều khách từ TP.HCM chọn hơn. Lao Cài đứng thứ ba và được nhiều du khách Hà Nội lựa chọn. Lào Cai và Quảng Ninh là hai địa phương đã nỗ lực nâng hạng khi tăng cường tiếp thị điểm đến. Ngược lại một số điểm lại “chìm” xuống như Ninh Bình. Năm 2021 là năm du lịch quốc gia Ninh Bình nhưng tỉnh này lại không thu hút được nhiều khách du lịch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.