Thông tin tới đâu, liều lượng như thế nào, không chỉ liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn, trách nhiệm nghề nghiệp mà còn là trách nhiệm xã hội của cơ quan báo chí. (Hình minh họa) |
Trong những ngày cuối tháng 8, truyền thông đồng loạt thông tin hệ thống quán cơm tấm Kiều Giang tại TP.HCM bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện có nhiều vấn đề trong bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Đáng chú ý, đoàn kiểm tra tạm thu giữ, niêm phong nhiều nguyên vật liệu đựng trong các thùng, can nhựa mà chủ quán cho biết là gia vị chế biến như muối, đường, chất tạo chua…, được nhiều báo chí thông tin là “chất lạ”, “nguyên liệu lạ”, “phụ gia lạ”, thậm chí “hoá chất lạ”. Điều này làm không ít người dân Sài Gòn hoang mang bởi cơm tấm là món ăn quen thuộc, yêu thích của họ.
Trong bối cảnh thực phẩm nhiễm hóa chất tràn lan không được kiểm soát tốt, bệnh nhân ung thư đang gia tăng, vấn đề VSATTP được người dân đặc biệt quan tâm. Sẵn tâm lý luôn e dè, thiếu niềm tin vào chất lượng, an toàn thực phẩm, giờ nghe có “chất lạ” trong nguyên liệu, nhiều khách hàng lập tức muốn tẩy chay thương hiệu cơm tấm này. Chia sẻ với báo chí mới đây, bà Nguyễn Kiều Giang, chủ cơ sở cơm tấm Kiều Giang thừa nhận, lượng khách đến hệ thống nhà hàng này sụt giảm đáng kể.
Xét cả về cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý, không ai, kể cả cơ quan kiểm tra có thể kết luận ngay rằng quán cơm Kiều Giang sử dụng nguyên liệu, thực phẩm độc hại. Để đi đến kết luận cuối cùng, các cơ quan chức năng cần phải thực hiện nhiều bước xét nghiệm bằng máy móc thiết bị hiện đại, bởi những chuyên gia có kinh nghiệm, đúng quy trình, quy định của pháp luật. Tuyệt nhiên không thể hời hợt phán xét tùy tiện theo sự quan sát bằng mắt thường và cảm tính. Trong khi đó, cuối tuần qua, chủ quán cơm tấm Kiều Giang bước đầu đã xuất trình hồ sơ, nguồn gốc những “nguyên liệu lạ”, bao gồm hoá đơn GTGT, chứng nhận xuất xứ và chất lượng hàng hoá của lô hàng.
Soi chiếu lại thông tin ban đầu trên truyền thông về việc kiểm tra cơ sở cơm tấm Kiều Giang có thể thấy có góc nhìn vội vàng, quy chụp. Cách thức thông tin này có thể đẩy người đọc đến hiểu sai bản chất của vấn đề, thậm chí tẩy chay doanh nghiệp, gián tiếp đẩy doanh nghiệp đến khó khăn.
Cơm Tấm Kiều Giang không phải trường hợp đầu tiên bị rơi vào cảnh “khóc dở, mếu dở” sau khi xuất hiện trên truyền thông, dù việc kiểm tra công tác VSATTP là nghiệp vụ bình thường của cơ quan có trách nhiệm. Vẫn còn đó bài học về thông tin “cà phê pin” ở Đắk Lắk. Và gần đây nhất là vụ thông tin về hệ thống shop Con Cưng, mặc dù trong vụ việc này, các cơ quan báo chí được cung cấp thông tin bởi cơ quan chức năng là quản lý thị trường. Việc vội vàng tung ra kết quả kiểm tra ban đầu - trái ngược với kết luận cuối cùng của quản lý thị trường ít nhiều gây thiệt hại không nhỏ về uy tín, thương hiệu, doanh thu, lợi nhuận cho Con Cưng - là một bài học đắt giá cho cơ quan quản lý này.
Đồng thời, đây một lần nữa là bài học không nhỏ cho giới truyền thông. Bởi, công tác kiểm tra, kiểm soát vốn là hoạt động thường xuyên của cơ quan có thẩm quyền và đây là một nguồn thông tin quan trọng cho giới truyền thông. Tuy nhiên, thông tin tới đâu, liều lượng như thế nào, không chỉ liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn, trách nhiệm nghề nghiệp mà còn là trách nhiệm xã hội của cơ quan báo chí. Sự cẩn trọng càng cần được lưu ý trong những vụ việc thông tin chưa rõ ràng, đặc biệt liên quan đến sự sống còn của doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân. Điều này đòi hỏi không chỉ có tư duy, phương pháp làm việc khoa học, bằng chứng chính xác, mà còn ở lương tâm, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo và cơ quan báo chí.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận