Nàng dâu xin bố mẹ chồng ủy quyền sổ đỏ với lý do “thế chấp vay 2 tỷ đồng để làm ăn”, nhưng thực chất đã trao sổ đỏ cho một công ty để thế chấp ngân hàng vay số tiền hơn 14 tỷ đồng. Công ty đó nay phá sản, nên ngân hàng tới siết nợ bố mẹ chồng với số tiền 14 tỷ đồng vay và 9 tỷ đồng lãi.
Mất nhà, mất cả con dâu
Ngày 9/10, PV Báo Giao thông có mặt tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Vệ và bà Trần Thị Dền (cùng 68 tuổi), ở địa chỉ số 10 ngõ 146, đường 19/5 phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội. Trong căn nhà lỉnh kỉnh những đồ đạc cũ kỹ, bụi bặm, bà Dền buồn bã kể câu chuyện bị con dâu Bùi Thanh Nga (SN 1978) lừa đảo, mang sổ đỏ đi cắm dẫn đến cảnh vợ chồng ông bà bị siết món nợ hơn 23 tỷ đồng.
“Giờ cả đại gia đình chúng tôi nguy cơ mất trắng nhà cửa, 4 căn nhà ở đây đều đã chia cho các con, giờ ngân hàng tuyên bố sẽ siết nợ, hai thân già và các con cháu biết trú ngụ vào đâu”, bà Dền lo lắng.
Theo bà Dền, sự việc bắt nguồn vào khoảng tháng 10/2011, vợ chồng bà tin tưởng, giao sổ đỏ mảnh đất 336m2 cả đại gia đình đang ở cho chị Nga, vợ anh Nguyễn Văn Hưởng (SN 1975, con trai thứ của ông bà). “Cháu Nga nói con mượn bố mẹ sổ đỏ để thế chấp ngân hàng vay 2 tỷ đồng làm ăn, sau 1 năm con sẽ trả sổ đỏ cho bố mẹ”, bà Dần nhớ lại.
Đến năm 2012, chị Nga nói với cả nhà là bị lừa, nhưng xin bố mẹ cứ yên tâm, Nga sẽ lo lấy sổ đỏ về sớm. “Tôi tin Nga là dâu con trong nhà, đã sinh cho chúng tôi hai cháu trai, nên tôi cũng không hỏi nhiều về cuốn sổ đỏ nữa”, bà Dền cho hay.
Cứ nghĩ con dâu chỉ mượn sổ đỏ thế chấp lấy 2 tỷ đồng để làm ăn, giờ làm ăn chưa suôn sẻ thì chưa có tiền trả ngân hàng để rút sổ ra, còn gia đình vẫn làm ăn, sinh sống bình thường trên mảnh đất 336m2 này, nên ông bà Vệ - Dền không thúc giục, hỏi han chị Nga về cuốn sổ đỏ nữa. Mãi đến giáp Tết năm 2018, cả đại gia đình tá hỏa khi ngân hàng cho người đến đàm phán, thông báo cho gia đình thế chấp sổ đỏ với số tiền trên 14 tỷ đồng.
“Chúng tôi hỏi thì mới biết, sổ đỏ nhà tôi đã bị Công ty CP Xây dựng và xuất nhập khẩu Đức Phát thế chấp vay ngân hàng hơn 14 tỷ đồng, giờ Công ty Đức Phát không có khả năng trả nợ ngân hàng, nên ngân hàng siết nợ. Ngoài món nợ thế chấp sổ đỏ hơn 14 tỷ đồng, số tiền lãi phải trả ngân hàng là 9 tỷ đồng nữa. Lúc này, con dâu tôi cũng trốn luôn, cùng lúc lại có giấy của tòa án gửi đến, thông báo con dâu tôi đã nộp đơn xin ly hôn”, bà Dền cho biết và thông tin, từ thời điểm đó đến nay, gia đình cũng đã nhiều lần liên hệ với chị Nga nhưng không được.
Ông Nguyễn Văn Vệ bức xúc: “Gia đình hoàn toàn không biết con dâu mang sổ đỏ cho Công ty Đức Phát ở Hải Phòng sử dụng. Chúng tôi không hay biết Công ty Đức Phát là ai cả. Bao năm qua, chúng tôi vẫn sinh sống trên mảnh đất này. Mảnh đất 336m2 tôi đã chia cho các con từ 11 năm nay, có hai đứa đã xây nhà cao tầng kiên cố trên đất. Vậy tại sao ngân hàng nhận thế chấp mà không hề thẩm định về thực trạng mảnh đất?”, ông Vệ nêu vấn đề.
Bố mẹ chồng xin kháng cáo
Luật sư Nguyễn Thị Thanh Hải (Đoàn luật sư TP Hà Nội): “Về vụ việc này, cần phải làm rõ tại thời điểm ngân hàng cho vay, định giá tài sản có chuẩn hay không. Vì trên thực tế mảng đất này là của 4 căn hộ sinh sống, thì tại sao khi ngân hàng thẩm định giá lại không biết, không hỏi gì những người đang sinh sống trên mảnh đất này. Tại sao, khi vụ án đưa ra xét xử, lại không mời những người có quyền và nghĩa vụ liên quan?”.
Theo Bản án số 19/2017/KDTM-PT ngày 17/8/2017, TAND TP Hải Phòng xác định: Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Công ty Đức Phát đã ký Hợp đồng tín dụng, theo đó, Techcombank đồng ý cung cấp hạn mức tín dụng cho Công ty Đức Phát số tiền 50 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, Techcombank đã tiến hành giải ngân cho Công ty Đức Phát vay theo 11 khế ước, với tổng số tiền giải ngân và lãi đến ngày xét xử là gần 30 tỷ đồng.
Để đảm bảo cho khoản vay nói trên, Công ty Đức Phát đã thực hiện việc thế chấp 7 động sản và bất động sản, trong đó có sổ đỏ của mảnh đất 336m2 mang tên ông Nguyễn Văn Vệ và bà Trần Thị Dền. Cuốn sổ đỏ này được thế chấp để Công ty Đức Phát vay số tiền hơn 14 tỷ đồng.
Do không thể thanh toán nợ, Công ty Đức Phát đã bị Techcombank kiện ra tòa và yêu cầu thanh toán. Và tại phiên tòa phúc thẩm, TAND TP Hải Phòng đã tuyên ông Vệ, bà Dền phải chịu trách nhiệm với khoản vay hơn 14 tỷ đồng và tiền lãi là hơn 9 tỷ đồng.
Không chấp nhận quyết định của tòa, ngay sau khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm, ông Vệ bà Dền đã lập tức làm đơn kháng cáo theo thủ tục Giám đốc thẩm. Trong đơn kháng cáo, ông Vệ, bà Dền nêu rõ, người con dâu chỉ thế chấp quyền sử dụng thửa đất 336m2 cho Techcombank chứ không thế chấp cả tài sản gắn liền trên đất.
Theo ông bà, hiện nay trên thửa đất có tới 4 ngôi nhà, đều thuộc quyền sở hữu của các con ông bà.
Khoản 19 Điều 1 Nghị định 11/2012/NĐ-CP quy định: “Trong trường hợp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, thì khi xử lý quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng đất theo như thỏa thuận giữa người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Quyền và nghĩa vụ giữa bên thế chấp và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển giao cho người mua, người nhận chính quyền sử dụng đất”.
Như vậy, căn cứ vào Khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì tòa án phải đưa những người đang có tài sản gắn liền với thửa đất là các con của ông Vệ, bà Dền tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, tại cả hai cấp tòa, TAND đều không xác minh làm rõ có những tài sản nào nằm trên thửa đất trên thuộc sở hữu của những ai. Theo ông Vệ, bà Dền, việc này đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận