Đường đến làng Đê Kôn tai nạn luôn rình rập
Lo nhất là lúc có người bệnh cần đi cấp cứu hay trẻ nhỏ đến lớp dưới trời mưa, lũ dâng cao, không ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra. Cũng vì con đường quá nhọc nhằn, có người đã mất mạng...
Cách trở đường xa
Chúng tôi đến Đê Kôn ngày cuối năm. Ngôi làng cuối xã Hra nằm giữa trùng trùng núi. Dù chỉ cách xa đường QL19 chừng 7km nhưng hệ thống giao thông nơi đây gần như bị xóa sổ sau những trận lũ do bão số 9 và bão số 12 mấy tháng trước.
Dẫn chúng tôi đến ngôi làng nghèo cuối xã, ông Trần Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hà Ra phải mượn cho chúng tôi hai chiếc xe độ chế của lực lượng bảo vệ rừng trú chân tại đây. Tiếng xe nổ lên, khói mù trời. Những nơi dốc quá cao, người ngồi sau phải xuống để đẩy mới vượt dốc được.
“Nơi này, chỉ những xe “địa hình” như thế này mới có thể đi được. Nhưng mà trời mưa thì xác định là khỏi đi. Mấy tháng trời mưa, lũ dâng cao cuốn hết lòng đường bên dưới, để lại những rãnh vực sâu hoắm và đá.
Người dân thôn Đê Kôn muốn ra ngoài phải cắt rẫy mà đi. Khổ nhất là những người đau ốm, đi đẻ. Mấy tháng trước có trường hợp hai cháu bé bị ong đốt, do người khiêng ra muộn nên khi đưa đi bệnh viện chỉ cứu được một cháu”, ông Tuấn kể.
Theo ông Tuấn, đường vào làng Đê Kôn là tuyến huyết mạch phục vụ lưu thông cho người dân 5 làng đồng bào dân tộc thiểu số xã Hà Ra gồm: Jơ Long, Bok Ayol, Kdung, Bchăk và Đê Kôn.
Trong đó, đoạn từ làng Kdung vào làng Đê Kôn có chiều dài 2,9km không đi lại được vào mùa mưa. Đây là làng khó khăn, phần lớn người đồng bào Ba Na sinh sống. Giao thông cách trở nên việc mua bán nông sản vào những tháng cuối năm gần như bế tắc, tư thương ép giá, đời sống sinh hoạt của bà con bị ảnh hưởng lớn.
Câu chuyện vỡ ra khi chúng tôi gặp ông Nưm (SN 1973, trú tại làng Ktung 2) đi làm rẫy về qua con dốc nhưng không vượt xe qua được. Ông Nưm cho biết, đã ngồi được 20 phút mới gặp được người đi qua dốc nhờ đẩy xe giúp. Gặp chúng tôi, ông Nưm mừng ra mặt: “May có các chú giúp, chứ không thì chờ nữa”.
Ông Nưm kể, nhà có mấy sào rẫy mì, nhưng vì đường sá hư hỏng nên đợt vừa rồi phải bán giá rất thấp.
Còn cô giáo Đinh Thị Hồng Huệ (giáo viên mầm non tại điểm trường Đê Kôn) kể, mấy tháng trước, trên đường đi dạy, một hôm gặp trời mưa to, cô bị ngã xe và gãy tay, may lúc đó còn có người đưa về.
“Đường này mùa mưa phải cuốc bộ mấy cây số mới lên được làng để dạy học, có lúc phải bò. Rồi có hôm đang đi thì mưa làm sạt lở cả một bên đường, ai cũng khiếp vía”, cô giáo Huệ kể và cho biết, cũng đã có không ít đồng nghiệp bị tai nạn gãy chân khi đi trên đường này.
Tết sớm ở Đê Kôn
Người dân Đê Kôn nấu bánh chưng chờ đón Tết
Chúng tôi đến ngôi làng nằm nghiêng một dải sườn núi. Trong ngôi nhà Rông đang có buổi tập văn nghệ của nhóm “nghệ sĩ làng”. Sau lưng căn nhà Rông ấy, một nhóm người phụ nữ và trẻ con đang ngồi quanh nồi bánh chưng khói nghi ngút. Những người dân nơi đây đang chuẩn bị cho một ngày trọng đại của làng.
Gặp chúng tôi, già làng Drưm không giấu được niềm vui: “Cái đường này bao năm nay mới có một tin vui như vậy”.
Tin vui mà già làng Drưm nhắc đến được ông Lê Trọng, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang lý giải: “Vừa rồi, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai vào khảo sát và nhận thấy tuyến đường bị hư hỏng quá nặng, cần khắc phục ngay để đảm bảo điều kiện sinh hoạt, cuộc sống của người dân. Huyện đang xin Trung ương, tỉnh cân đối từ nguồn hỗ trợ khắc phục thiên tai để tiến hành làm đường trong năm 2021”.
Cũng theo ông Trọng, đề xuất chủ trương đầu tư dự án đường vào làng Đê Kôn có tổng chiều dài 6,6km (từ QL19 đến cuối làng Đê Kôn), dự kiến kinh phí là 34 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1, huyện tập trung xử lý đoạn từ làng Kdung vào đến làng Đê Kôn dài 2,9km với kinh phí trên 12 tỷ đồng.
Trong thời gian chờ nguồn vốn, huyện đã làm việc với đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn hỗ trợ máy móc đến san gạt lại đường, giúp bà con đi lại thuận tiện, tiêu thụ nông sản dễ dàng hơn”, ông Trọng nói .
Ông Lê Văn Hạnh, Phó giám đốc phụ trách Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết, sau đề nghị của huyện Mang Yang, các ngành chức năng đã họp và đề xuất tỉnh đưa công trình đường giao thông từ làng Kdung đến làng Đê Kôn vào danh mục đầu tư công năm 2021 - 2025 và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn quản lý về đầu tư và nguồn vốn ưu tiên bố trí vốn triển khai ngay trong năm 2021.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận