Còn gì mà tiếc loa phường? Ảnh minh họa. |
Đúng ra phải là cái đầu đề: Loa phường thời internet phát triển chóng mặt từng giờ, mới nói ngay được mặt đối nghịch của một trong những phương tiện truyền tin cổ lỗ nhất còn tồn tại, với một xã hội thông tin thấm vào tận mạch máu mỗi người.
Công bằng mà nói thì loa phường từng rất có tác dụng. Vào cái thời ngay cả báo chí cũng phải truyền tay nhau mới có cái đọc, thông tin “bò còn chậm hơn rùa”, thì những thông báo hàng ngày trên loa phường, về thập cẩm vấn đề, chắc chắn hữu ích thiết thực với rất nhiều người. Nhưng trong thời buổi mà phương tiện thông tin thay đổi chóng mặt từng ngày, thì vấn đề giữ hay bỏ loa phường phải nên được cân nhắc quyết từ lâu rồi. Bởi vì ngoài việc còn rất ít tác dụng do luôn chạy sau các thông tin khác, những thông báo oang oang đang khiến cho độ ồn đã quá tải hiện nay thêm phần nhức nhối. Nhưng ta hãy gạt những bức xúc có thật của khá nhiều người ấy sang một bên, mà chỉ bàn về khía cạnh quyền tiếp cận thông tin thôi, đã đủ phải thật nghiêm túc mà suy nghĩ về số phận loa phường.
Quyền tiếp cận thông tin là quyền cơ bản của người dân, được Hiến pháp long trọng ghi nhận. Nhưng tiếp cận ở đây là tiếp cận tự do, theo ý muốn, nghĩa là nó bao hàm cả quyền từ chối những thông tin mà họ không có nhu cầu, làm phiền họ hoặc đơn giản là làm mất thì giờ, tiền bạc hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Mỗi năm loa phường tiêu hàng chục tỉ đồng, nghĩa là phải véo vào của mỗi công dân một chút kinh tế, kể cả những người không có nhu cầu loa phường. Khi loa phường rõ vào tai, nhiều người phải ngừng làm việc vì không còn tập trung được tâm trí. Tức là làm thiệt hại đến thời gian lao động, nghỉ ngơi của họ. Còn về sức khỏe thì khỏi phải bàn, đã có người phải chuyển nhà vì không muốn loạn óc thêm vì loa phường ở quá gần.
Sẽ có người hỏi: Làm gì có dịch vụ công nào tốt cho cả trăm phần trăm? Phải có một số người chấp nhận chịu thiệt vì những người khác. Sẽ không ai cãi lại lý lẽ này với điều kiện: Ngoài hình thức loa phường, không còn cách nào khác để truyền thông tin đến người dân trong những cụm dân cư nhỏ? Một giả định như vậy nhằm biện hộ cho loa phường, rõ ràng là rất nực cười, không cần phải bàn. Trong thời gian xảy ra lũ lụt, hàng chục triệu điện thoại, cùng tại một thời khắc, đều nhận được tin nhắn kêu gọi hỗ trợ đồng bào gặp thiên tai. Rồi mạng xã hội, lúc nào cũng liên kết hàng chục triệu người, rồi báo điện tử có thể truy cập bất cứ chỗ nào... Tốc độ tiến bộ của công nghệ thông tin thậm chí còn đang biến việc gọi điện thoại, một phương thức hiện đại gấp cả trăm lần loa phường, cũng phải lùi xuống thứ hạng sau về tốc độ.
Nếu ngần ấy lý lẽ, bằng chứng là chưa đủ thuyết phục trong việc chấm dứt loa phường, thì còn có điều quan trọng nữa không thể không tính đến: Đó là, quyền được giữ những bí mật riêng tư. Đây cũng là một quyền Hiến định rất cơ bản của công dân. Công dân bình thường chả nói, ngay cả với công dân vi phạm hành chính, bị cưỡng chế thi hành việc xử phạt, thì việc công khai cho cả cộng đồng biết cũng phải tuân theo luật. Không phải ngẫu nhiên mà khi quay những kẻ phạm pháp nhưng chưa bị kết tội để phát hình lên tivi, phóng viên bắt buộc phải dùng xảo thuật che mặt. Thế mà loa phường thì cứ oang oang hồn nhiên thông báo cho bàn dân thiên hạ (biết hoặc phải nghe) những chuyện chỉ liên quan giữa chính quyền với những đối tượng công dân cụ thể nào đó?
Còn gì để phải nuối tiếc loa phường?
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận