Bạn cần biết

Còn khoảng trống an sinh cho lao động nữ di cư

26/12/2018, 07:50

Lao động nữ phi chính thức khó tiếp cận bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế.

15

98% lao động phi chính thức không có BHXH

Nghiên cứu “Quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư ở Việt Nam” do Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ, TB&XH) phối hợp tổ chức ActionAid Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) triển khai cho thấy, 34,3% gặp khó khăn về việc làm, 42,6% lao động nữ di cư gặp khó khăn về chỗ ở, 97,9% lao động phi chính thức không có BHXH.

Khó tiếp cận chính sách an sinh

Nghiên cứu “Quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư ở Việt Nam” nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy quyền xã hội toàn cầu cho lao động nữ di cư tại Việt Nam”, với sự tài trợ của Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung. Ths. Trần Thị Hồng, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ, nghiên cứu được thực hiện trong tháng 11, 12/2018. Qua khảo sát thực tế cho thấy, có những khoảng trống về pháp luật trong chính sách với lao động nữ. Ví dụ, nhiều chính sách an sinh xã hội chủ yếu quy định theo hộ khẩu thường trú, gây khó khăn cho lao động nữ di cư, khiến họ ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản.

Cụ thể, lao động nữ phi chính thức khó tiếp cận BHXH tự nguyện và BHYT. Chính sách BHXH tự nguyện hiện nay không hấp dẫn với lao động nữ di cư do mới được hưởng hai chế độ hưu trí và tử tuất. Hai chế độ rất được lao động nữ di cư quan tâm là thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp không có, nên họ không muốn tham gia. Ngoài ra, các chế độ trợ giúp xã hội thường xuyên hay đột xuất, chưa có chính sách dành riêng cho người tạm trú ngắn hạn như lao động nữ di cư.

Bên cạnh đó, muốn mua BHYT, người lao động cần có sổ đăng ký tạm trú và văn bản đồng ý của chủ nhà. Họ cũng chỉ có thể mua BHYT tự nguyện khi chủ nhà cũng mua.

Bà Hồng cho hay, lao động nữ di cư tham gia vào cả khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức và đóng góp đáng kể cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội nhưng lại là nhóm dân số phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong quá trình làm việc và sinh sống tại nơi đến. Chịu nhiều thiệt thòi, dễ bị tổn thương, nhưng mạng lưới an sinh xã hội từ trước đến nay chưa bao phủ nhiều đến họ, đặc biệt là nhóm lao động nữ ở khu vực kinh tế phi chính thức.

Giúp lao động nữ di cư tiếp cận quyền an sinh xã hội

Chủ tịch Quỹ AFV Tạ Việt Anh nhấn mạnh, cơ quan này hỗ trợ thực hiện nghiên cứu về bảo đảm quyền an sinh xã hội với lao động nữ di cư xuất phát từ thực tế. Hiện nay, số lao động đổ về các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất vùng miền rất lớn, đặc biệt là lao động nữ. Vấn đề tiếp cận quyền an sinh xã hội của lao động nữ cũng rất quan trọng.

Ông Việt Anh đơn cử, ngoài quyền tiếp cận an sinh xã hội của bản thân họ về các dịch vụ y tế, việc làm, còn có quyền giáo dục, y tế cho con họ. Trên cơ sở nghiên cứu này, sẽ đề xuất với các cơ quan liên quan, nhà hoạch định chính sách có giải pháp phù hợp để bảo đảm quyền an sinh xã hội với người lao động di cư nói chung và lao động nữ di cư nói riêng. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền để bản thân lao động nữ di cư cũng tự nhận thức, nâng cao hiểu biết về quyền của họ, để họ chủ động tiếp cận và thực hiện.

Ông Việt Anh nêu rõ, kết quả nghiên cứu giúp các nhà hoạch định chính sách, chính quyền địa phương có cái nhìn toàn diện hơn về đời sống và vấn đề phúc lợi xã hội của lao động nữ di cư, cả nhóm chính thức và phi chính thức. Từ đó, có biện pháp cải thiện chính sách cho nhóm đối tượng yếu thế này.

Về lâu dài, bà Trần Thị Hồng khuyến nghị, cần điều chỉnh việc quản lý người dân thông qua hộ khẩu bằng việc quản lý qua thẻ căn cước công dân.

Bên cạnh đó, tuyên truyền chính sách an sinh xã hội cho lao động nữ di cư rất quan trọng. Lao động nữ di cư mới chỉ tập trung kiếm thu nhập, chứ chưa quan tâm nhiều tới quyền an sinh xã hội của mình. Do đó, cần có cách truyền thông phù hợp, thu hút họ tham gia và hưởng quyền cơ bản về an sinh xã hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.