Ông Vũ Quốc Hùng |
Thời gian qua, Ủy ban Kiểm tra T.Ư liên tiếp công bố kết luận vi phạm đối với rất nhiều cán bộ cấp cao. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Quốc Hùng, người có gần 20 năm công tác tại Ủy ban Kiểm tra T.Ư rồi sau đó giữ chức Phó chủ nhiệm Thường trực cho rằng, đây là việc chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây. Ông Hùng chia sẻ, việc này khiến ông mừng, nhưng cũng không khỏi chạnh lòng.
Chấp nhận kỷ luật cán bộ như một sự hy sinh
Vì sao ông lại có tâm trạng như vậy?
Tôi mừng vì Đảng đang quyết liệt chấn chỉnh đội ngũ để xứng đáng là lực lượng lãnh đạo xã hội, cũng để thể hiện những Nghị quyết, tuyên bố của Đảng đang đi vào cuộc sống. Nhưng cũng buồn vì những người bị kỷ luật đều là cán bộ, đồng chí của mình, không ít người thân thiết giờ phải chứng kiến họ chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng và thậm chí trước pháp luật. Như vậy sao mà vui được. Hai tâm trạng đó luôn đan xen nhau.
Tôi về Ủy ban Kiểm tra đầu năm 1988 đến năm 2006 thì nghỉ hưu. Hiện nay, quy mô, tính chất các vụ việc phức tạp hơn nên công việc nhiều hơn, áp lực hơn, nhưng những căng thẳng, áp lực cục bộ thì thời nào cũng có, nhất lại là đối với những người thân quen. Nhiều lúc tôi mất ngủ, tính xem phải xử lý sao cho thấu lý trước, đạt tình sau. Xử lý những người quen biết, thân thiết đâu có dễ. Sau những lần trực tiếp ký văn bản đề nghị xử lý kỷ luật những cán bộ là người mà tôi thân quen là những đêm dài tôi mất ngủ. Kỷ luật xong rồi tôi day dứt, băn khoăn nhiều lắm. Cũng có những khi vì việc kỷ luật này mà tình cảm của chúng tôi không còn được như trước nữa, nhưng tôi phải chấp nhận, chịu đựng. Ông Vũ Quốc Hùng |
Nhưng xét cho cùng, tôi cho rằng việc nghiêm khắc với một số người, kể cả các đồng chí của mình để lấy lại niềm tin của dân là tối thượng. Như Tổng Bí thư từng nói: “Không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. Tôi cho rằng, phải chấp nhận việc kỷ luật này như một sự hy sinh. Và chúng ta cũng chưa dừng ở đây được bởi tất cả mới là bước đầu.
Mặt khác, phải giải quyết tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Vừa qua dù T.Ư đã kiên quyết nêu gương, xử lý cán bộ cao cấp để khẳng định “không có vùng cấm”, nhưng nhiều vấn đề cấp dưới chưa làm theo. Đặc biệt, dưới chính quyền xã, phường, quận, huyện là những cấp chính quyền sát với dân nhất thì cần được làm trong sạch, bởi nếu đội ngũ này mà quan liêu, thờ ơ, vô trách nhiệm, tham nhũng thì dân sẽ mất niềm tin ngay.
So với thời ông còn công tác tại Ủy ban Kiểm tra T.Ư, ông đánh giá tình hình hiện nay thế nào? Trước đây cán bộ bị kỷ luật có nhiều như thời gian vừa qua hay không?
Tình hình bây giờ phức tạp hơn nhiều, về cả quy mô và tính chất. Quy mô lớn hơn, với tính chất nghiêm trọng hơn, gây tổn thất lớn hơn về cả của cải vật chất và cán bộ. Tuy nhiên, mất mát về lòng tin mới là mất mát lớn nhất, đó là thứ mất mát vô hình nhưng rất quan trọng. Khi lòng tin mất rồi thì sự vận hành của cả hệ thống bị ảnh hưởng.
Khi tôi còn giữ cương vị ở Ủy ban Kiểm tra T.Ư, cũng có kỷ luật cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao, nhưng không nhiều như hiện nay. Điển hình, liên quan đến vụ Năm Cam hồi đó đã xử lý kỷ luật cả hai Ủy viên T.Ư Đảng, không những bị khai trừ khỏi Đảng mà còn vướng vòng lao lý. Cho đến những người liên quan, có nhiều cán bộ cao cấp ở TP.HCM, ở Bộ Công an, Viện KSND Tối cao… Hay như vụ Lã Thị Kim Oanh cũng có nhiều cán bộ cũng bị xử lý, trong đó có Thứ trưởng của một bộ và cả một Phó Thủ tướng lúc đó về hưu rồi vẫn bị yêu cầu kiểm điểm. Cũng có khi Ủy ban Kiểm tra đề nghị cách chức tất cả các chức vụ trong quá khứ, nhưng hồi đó chưa áp dụng vì nhiều lý do.
Chậm xử lý vi phạm trong Đảng, do đâu?
Những quyết tâm và việc làm mà Đảng đã và đang thực hiện, theo ông, nó tác động thế nào đến một bộ phận những cán bộ thoái hóa biến chất, tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm còn chưa bị phát hiện?
Về tâm lý, bộ phận ấy không thể không run sợ được. Nhưng trong cuộc sống tôi vẫn thấy có người khi pháp luật chưa hỏi đến, họ vấn tự tin, đắc thắng. Tôi cho rằng, với những người có lương tâm và lương tri thì họ không thể không suy nghĩ. Và việc xử lý kỷ luật thế này cũng nhằm mục đích răn đe, phòng ngừa và giúp nhưng người sắp rơi vào con đường tội lỗi thoát khỏi đó. Nó mang tính nhân văn như thế.
Tôi tin rằng, sau việc kỷ luật này, sẽ có nhiều cán bộ ngồi suy nghĩ lại và chấn chỉnh, dừng lại ham muốn, sai phạm. Cũng giống như quy định của pháp luật, quy định trong Đảng luôn khoan hồng với những người thành thật nhận ra sai lầm và cố gắng khắc phục sai lầm đó.
Có ý kiến cho rằng, không ít sai phạm của cán bộ diễn ra trong một quá trình kéo dài từ những giai đoạn trước nhưng đến nay mới bị xử lý. Như vậy có phải là chưa kịp thời, thưa ông?
Như vậy là quá chậm trễ và đó cũng chính là đau xót, yếu kém của công tác xây dựng, củng cố, chỉnh đốn Đảng thời gian qua. Các nguyên tắc của Đảng không được tuân thủ nghiêm minh, như nguyên tắc tập trung dân chủ, phê bình và tự phê bình. Nếu tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh đúng như Bác Hồ đã nói thì sẽ không đến nỗi như bây giờ.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra và giám sát cũng chưa kịp thời, chúng ta có quy định rất rõ về việc này, có nhiều cơ quan chứ không chỉ một nơi làm công tác kiểm tra, giám sát. Ví dụ, khi anh chuẩn bị đề bạt một người cán bộ thì một là đích thân anh phải kiểm tra, hai là anh phải hỏi ý kiến các ban khác.
Ban Tổ chức là đầu mối trong việc giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư và T.Ư tuyển chọn cán bộ cho T.Ư. Trước khi đề bạt, cất nhắc ai thì Ban Tổ chức là người gửi công văn đến các ban Đảng để hỏi ý kiến. Nếu đồng ý cả thì thống nhất. Khi tôi làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, nếu Ban Tổ chức có đề nghị kiểm tra, xác minh trường hợp cán bộ chuẩn bị được bổ nhiệm, tôi giao ngay cho những vụ liên quan, yêu cầu đi nắm tình hình, thẩm tra lại xem cán bộ đó thế nào rồi làm báo cáo gửi Thường trực Ủy ban. Trên cơ sở đó, tôi mới ký công văn đồng ý hay không đồng ý và không ít lần tôi đã ký công văn không đồng ý.
Quy trách nhiệm cho đội ngũ thanh, kiểm tra
Thực tế nhiều vụ việc Ủy ban Kiểm tra kết luận cho thấy, trước đó cũng được thanh tra rồi, nhưng không phát hiện sai phạm. Theo ông có nên quy trách nhiệm cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra?
Rất cần quy trách nhiệm cho đội ngũ thanh tra, kiểm tra. Theo điều lệ Đảng thì có việc kiểm tra cấp dưới thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Ví dụ, Ủy ban Kiểm tra T.Ư thì kiểm tra Tỉnh ủy, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy. Vừa rồi cho thấy, có một số tỉnh làm công tác kiểm tra kém như: Thanh Hóa, Hậu Giang, hay ngay cả Bộ Nội vụ.
Thẳng thắn mà nói, chúng ta còn có lỗ hổng ngay trong công tác thanh tra, kiểm tra. Vì thế, cần quy định người nào không hoàn thành chức năng, nhiệm vụ thì tuỳ mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật. Nhưng trước hết, Đảng lãnh đạo nên phải nêu gương trong xử lý cán bộ vì thực tế đảng viên nắm hầu hết các vị trí trong bộ máy Nhà nước.
Nhưng theo ông, cơ chế nào để đảm bảo các kết luận của cơ quan kiểm tra là công minh, đúng người đúng tội, không làm oan những người được kiểm tra? Việc này sẽ được giải quyết theo quy trình như thế nào?
Việc công dân khiếu nại là quyền được pháp luật đã quy định, và trong nội bộ Đảng, đảng viên bị thi hành kỷ luật cũng có thể khiếu nại theo quy định của điều lệ Đảng. Nếu đảng viên bị cấp nào đó thi hành kỷ luật thì được quyền khiếu nại chính cấp đó và lên cấp trên đó.
Như trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Đồng Nai khiếu nại kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư nói rằng, không đồng tình với kết luận Ủy ban đã ban hành thì Ủy ban Kiểm tra T.Ư phải xem xét lại, thấy khiếu nại đúng thì thay đổi tăng nặng hoặc giảm nhẹ, nếu giữ nguyên thì báo lại cho người có khiếu nại, đồng thời báo cáo Ban Bí thư. Nếu người này không đồng tình với kết quả đó thì khiếu nại lên Ban Bí thư. Lúc này Ban Bí thư sẽ vào cuộc, yêu cầu Ủy ban Kiểm tra T.Ư có báo cáo để ban Bí thư xem xét và kết luận.
Lâu nay, trong đội ngũ cán bộ vẫn luôn tồn tại tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm. Ông có cho rằng vì thế nên việc thanh tra, kiểm tra, giám sát cán bộ đảng viên chưa hiệu quả?
Đó là tâm lý bình thường vì chúng ta đều là con người, mà con người thì có tình cảm. Nhưng nói gì thì nói, phải khắc phục được tình trạng này, phải chọn được người đứng đầu biết đặt lợi ích của dân, của nước lên trên, chọn người trong sạch, có dũng khí, bản lĩnh. Còn các quy định của pháp luật và của Đảng đã khá đầy đủ.
Trong kiểm tra, khó khăn nhất là làm rõ đúng sai, không thể bằng cảm tính được mà phải xác minh rõ ràng, sai phạm phải đo đếm được chứ không phải bằng suy diễn. Hai việc người cán bộ kiểm tra phải nắm vững và hoàn thành là chứng cứ và chứng lý, khi có chứng cứ rồi thì phải suy nghĩ để đưa ra được lý lẽ xem xét sai phạm. Cái này đòi hỏi phải công tâm, vô tư nhưng cũng phải có phương pháp, có trình độ.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận