Đề án xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ là cần thiết |
Ngày 2/3, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP cùng Sở GTVT TP Cần Thơ tổ chức buổi họp thông qua “Đề án xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn đến 2020 và định hướng sau 2020”.
Đề án vẫn còn nhiều bất cập
Theo Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (GTVT) thuộc Bộ GTVT, cơ quan lập đề án, hiện nay trên địa bàn TP Cần Thơ có 6 đơn vị đang khai thác trên 7 tuyến xe buýt đang hoạt động gồn 5 tuyến nội tỉnh và 2 tuyến kế cận các tỉnh Sóc Trăng và Vĩnh Long với tổng số 82 phương tiện; chiều dài mạng lưới tuyến khoảng 223km; trung bình khoảng 388 lượt xe/ngày. Trong đó, Ban quản lý và điều hành VTHKCC đang trực tiếp quản lý khai thác 34 phương tiện chiến 41%.
Nhìn chung hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn chưa thực sự đi vào chiều sâu, chất lượng phương tiện kém, đã có niên hạn trên 10 năm, việc khai thác các tuyến gặp nhiều khó khăn. Một số vấn đề bất cập chủ yếu ảnh hưởng hoạt động khai thác như mô hình tổ chức quản lý hoạt động xe buýt hiện nay còn chồng chéo giữa quản lý nhà nước và hoạt động khai thác, công tác trợ giá gặp khó khăn do nguồn lực của thành phố hạn chế và chưa ban hành định mức kinh tế -ký thuật, cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải chưa có làm hạn chế tính hấp dẫn của việc xã hội hóa đang hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn TP.
Chưa rõ thẩm quyền phê duyệt
Trong quá trình thực hiện, Viện đã nhiều lần tiến hành khảo sát, thu thập số liệu, ghi nhận các ý kiến đóng góp chỉnh sửa từ các sở, ban ngành có liên quan. Sau khi thống nhất các ý kiến, đơn vị đã chỉnh sửa nội dung và trình phê duyệt theo quy định.
Tuy nhiên, khi trình phê duyệt, lại phát sinh vấn đề liên quan đến thẩm quyền quyết định. Như việc xây dựng mô hình Trung tâm quản lý và điều hành; xây dựng định mức và đơn giá dự toán cho hoạt động thuộc thẩm quyền của UBND TP. Sở GTVT tham mưu UBND trình HĐND TP ban hành nghị quyết xây dựng cơ chế, chính sách phát triển VTHKCC bằng xe buýt. Tuy nhiên, Sở Tư pháp lại cho rằng vấn đề này không cần trình HĐND mà quyền quyết định lại thuộc về UBND.
Bên cạnh đó, vì đề án có liên quan đến các vấn đề quan trọng như mức hỗ trợ lãi suất vay vốn, mức hỗ trợ giá vé cho người sử dụng trên địa bàn, trợ giá cho hoạt động xe buýt và định hướng mô hình thành lập trung tâm quản lý và điều hành có liên quan đến các sở ban ngành. Do đó. Sở GTVT cũng đã có công văn lấy ý kiến nhằm góp ý cho dự thảo.
Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP phát biểu tại buổi làm việc. |
Đề án là rất cần thiết
Tại buổi làm việc, sau khi nghe các ý kiến đóng góp từ các đơn vị về những vấn đề nêu trên ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP cho biết, tiếp thu các ý kiến đóng góp, Sở sẽ ghi nhận lại. Sau khi tiến hành nghiên cứu và điều chỉnh sẽ gửi về Sở GTVT để có cơ sở báo cáo UBND thành phố thành lập Hội đồng thẩm định đề án.
Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định Đề án xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ là một dự án quan trọng đối với sự phát triển về giao thông cả TP Cần Thơ. “Đây là đề án rất cần thiết. Cần Thơ là một trong 5 TP trực thuộc Trung ương nhưng chất lượng VTHK bằng xe buýt tệ hơn so với 1 tỉnh của ĐBSCL. Như vậy cần phải có đề án này để giải quyết vấn đề trên. Do đó, chúng ta cần thống nhất để mau chóng triển khai để phục vụ cho bà con đi lại”. Ông Dũng nói.
Qua đó, ông Dũng đề nghị, đơn vị tư vấn cần sớm hoàn thiện đề án. Bên cạnh đó, các Sở có liên quan cần xem xét, tính toán các khung về mức hỗ trợ vay vốn, trợ giá vé, tùy vào tiềm lực của địa phương mà có định mức hợp lý tuy nhiên vấn đề này cần phải bám sát vào Quyết định số 13 của Thủ tướng chính phủ và đặc biệt là không được phép vượt khung của Quyết định và phải hoàn tất trước kỳ họp thường kỳ của UBND sắp đến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận