Khu cầu cảng cho tàu thuyền neo đậu trên đảo Bạch Long Vĩ
Cách đất liền khoảng 110km, là hòn đảo xa bờ nhất vịnh Bắc bộ, đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) là huyện đảo tiền tiêu chủ yếu phục vụ hậu cần nghề cá, cứu hộ cứu nạn và bảo đảm an ninh - quốc phòng. Trải qua 28 năm từ ngày thành lập, những khó khăn dần được khỏa lấp, để đảo ngày càng gần hơn với đất liền.
Đưa “điện - nước” về với đảo
Với dân số hơn 600 người nhưng trên đảo Bạch Long Vĩ luôn có các lực lượng quân sự đông gấp nhiều lần dân số. Dù đảo nhỏ nhưng cũng có sân đỗ trực thăng và huyện đảo này cũng giữ kỷ lục về các đoàn khách cấp cao Nhà nước ra thăm bởi vị trí chiến lược là tiền đồn trên biển xa nhất của vịnh Bắc bộ.
Là đơn vị hành chính cấp huyện nhưng Bạch Long Vĩ lại không có đơn vị hành chính cấp xã, phường mà chỉ có các tổ dân phố. Các cơ quan hành chính cấp huyện sẽ xử lý mọi vấn đề liên quan của từng khu dân cư.
Viện KSND, TAND huyện Bạch Long Vĩ có lẽ là những cấp Tòa, Viện “nhàn nhất” trong hệ thống tư pháp Việt Nam bởi gần như cả năm họ… thất nghiệp. Chưa từng có vụ trộm cắp, cướp giật nào xảy ra ở huyện từ ngày thành lập tới nay.
Những ngày này, ra Bạch Long Vĩ, không còn cảnh “khát” nước ngọt nữa. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ Trần Quang Tường cho biết, đó là nhờ công trình hồ chứa nước ngọt với diện tích 15.000m2, sức chứa 45.000m3 nước khánh thành hơn nửa năm trước.
Ông Tường nhớ lại: “Trước đây, khi chưa có hồ chứa nước ngọt, toàn bộ cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước mưa, nước ở các giếng sâu trong lòng đất và nước ngọt chở từ đất liền ra. Có những thời kỳ, hạn hán lên tới 6 - 7 tháng, trời không có mưa, nước giếng cạn kiệt, cả đảo trông ngóng từng chuyến tàu chở nước ngọt từ đất liền ra, mà mỗi chuyến tàu như vậy rất tốn kém, cũng không chở được nhiều”.
Hồ chứa nước ngọt hứng các đợt mưa đã giữ mực nước ổn định trên 3m, căn bản giải quyết tình trạng khan hiếm nước tại huyện đảo và phục vụ nước ngọt cho cả ngư dân quanh khu vực đánh bắt thủy sản.
Không chỉ có nước sạch, điện trên đảo cũng là một trong những vấn đề cấp bách mà các thế hệ lãnh đạo huyện luôn trăn trở. Việc vận hành hệ thống điện trên đảo Bạch Long Vĩ hết sức khó khăn do bốn bề là đảo, thời tiết khắc nghiệt, hơi nước mặn thổi vào liên tục khiến cho mạng lưới điện, các mạch, máy phát rất nhanh bị hỏng.
Hiện, cả huyện có 3 máy phát, có ngày điện chỉ đủ dùng 8 tiếng. Có những lúc họp trực tuyến, để ưu tiên cuộc họp, cả đảo đành phải cắt điện…
“Hiện, huyện Bạch Long Vĩ đã chủ động phối hợp với Tổng công ty Điện lực miền Bắc xây dựng hệ thống điện gió, điện năng lượng mặt trời và điện diesel trên đảo. Giữa năm 2021, sẽ khánh thành hệ thống điện gió để giải quyết bài toán thiếu điện trên đảo. Và theo tính toán của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, trong 15 - 20 năm nữa, hệ thống điện lưới trên huyện đảo Bạch Long Vĩ sẽ cơ bản như ở đất liền…”, ông Tường thông tin.
Đường ra đảo gần hơn với tàu “Hoa Phượng Đỏ”
Con đường ven biển trên đảo Bạch Long Vĩ
Những ngày mới thành lập huyện đảo, ra với đảo cũng phải mất gần 50 tiếng lênh đênh trên biển. Để đảo Bạch Long Vĩ “gần” hơn, từ năm 2011, chiếc tàu Hoa Phượng Đỏ bắt đầu được đóng mới. Đến đầu năm 2020, tàu được bàn giao cho huyện đảo Bạch Long Vĩ nhưng không có kinh phí để chạy.
Đứng trước những khó khăn đó, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng và các sở, ngành liên quan đã chỉ đạo, giúp huyện ban hành quy chế hoạt động của tàu. Từ đó, 1 tháng 3 lần, các cán bộ, chiến sỹ, nhân dân và du khách được ra đảo miễn phí trên tàu Hoa Phượng Đỏ.
Theo ông Trần Quang Tường, đây là con tàu tương đối hiện đại, chịu được sóng cấp 7 và có sức chứa 200 người và 500 tấn hàng hóa.
Ông Nguyễn Văn Long, người dân huyện đảo Bạch Long Vĩ vui mừng cho biết: Giờ Bạch Long Vĩ “gần” hơn với đất liền rồi. Trước đây, khi tàu chưa hoạt động, các tàu khác chỉ đi được sóng cấp 3 - 4, mà vùng biển này sóng thường xuyên lên đến cấp 6 - 7. Mặt khác, số lượng chuyến đi cũng rất ít, nhiều khi công việc gấp phải đi tàu cá về cũng mất 12 - 16 tiếng. Còn giờ đi tàu Hoa Phượng Đỏ chỉ mất 5 tiếng”.
Ông Tường thông tin, sắp tới huyện sẽ triển khai xây dựng Trung tâm Dịch vụ hậu cần cảng neo đậu đón, trả khách Hải Phòng - Bạch Long Vĩ, tất cả các hành khách và hàng hóa trên tàu được đón trả tại một điểm đảm bảo an toàn cho khách. Bên cạnh đó, huyện cũng đang nghiên cứu, phối hợp với cơ quan chức năng và các đơn vị làm du lịch để khơi dậy tiềm năng, phát triển du lịch trên huyện đảo…
Đề xuất lập trạm tìm kiếm cứu nạn
Thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xây dựng huyện đảo Bạch Long Vĩ thành Trung tâm Hậu cần nghề cá và Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn phía Bắc, huyện Bạch Long Vĩ đã phối hợp với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải ký tờ trình gửi UBND TP Hải Phòng; sau đó UBND TP đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT cho thành lập một trạm tìm kiếm cứu nạn ngoài đảo Bạch Long Vĩ.
“Công tác tìm kiếm cứu nạn ngoài đảo rất hạn chế. Khi sóng to gió lớn, các tàu quanh đảo không thể ra cứu hộ được, chính vì vậy có nhiều ca tàu bị nạn dù biết nhưng cũng đành bất lực. Nếu có trạm tìm kiếm cứu nạn và tàu cứu nạn chuyên dụng, người dân sẽ yên tâm vươn khơi bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo”, Bí thư Huyện đảo Bạch Long Vĩ Trần Quang Tường cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận