Bà Trâm được cho là thoát chết thần kỳ dưới bánh xích máy xúc. Ảnh: Giang Chinh/VnExpress |
Sáng 10/7, khi chủ đầu tư VSIP (Singapore) đưa máy móc thi công vào đã bị người dân ngăn cản, dẫn đến xô xát. Hậu quả khiến bà Lê Thị Trâm (55 tuổi, thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Giàng) gãy tay phải, nứt hộp sọ và chấn thương sọ não, được cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương.
Chiều 10/7, ghi nhận của PV Lao Động cho thấy hiện trường vẫn còn hàng chục người dân đứng bảo vệ, máy xúc bị giữ lại. Người dân đồng loạt tố cáo những người thuộc nhà thầu thi công cho máy xúc lao thẳng vào người dân.
Sự việc này bắt nguồn từ mâu thuẫn trong bồi thường giải phóng mặt bằng để xây dựng dự án khu công nghiệp Lương Điền. Gần 1 tháng qua nhiều hộ dân không đồng tình với mức đền bù giải phóng mặt bằng đã ngăn cản thi công.
Trả lời Lao động, bà Nguyễn Thị Đông, 56 tuổi, ở thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền cho biết lúc máy xúc tiến tới, bà Trâm đang cúi nhặt lá cờ không tránh kịp và bị máy xúc ủi lên người. Nơi bà Trâm bị máy xúc đè lên có rãnh, phía trên là cát nên chỉ bị thương.
Chiều tối ngày 10/7, một cuộc họp báo khẩn đã được tổ chức tại UBND tỉnh Hải Dương về vụ việc trên. Cụ thể, nguồn tin từ VnExpress cho hay, Công an huyện Cẩm Giàng đã bác bỏ thông tin thương tích của bà Trâm là do máy xúc gây ra. Công an huyện cũng cho biết đây là vụ xô xát, có 2 người bị thương là bà Trâm và lái máy xúc (Nguyễn Văn Sinh, 42 tuổi, điều trị tại Viện Quân y 7).
UBND tỉnh Hải Dương họp khẩn chiều 10/7. Ảnh: Giang Chinh/VnExpress |
Trong cuộc họp báo, ông Nguyễn Trọng Hiển, Phó trưởng công an huyện Cẩm Giàng cho biết không có chuyện máy xúc chèn qua người. Về hình ảnh, clip trên mạng về việc bà Trâm bị máy xúc chèn qua người chưa xác thực được.
Trả lời Tuổi Trẻ ông Nguyễn Trọng Hiển nói theo kết quả điều tra ban đầu không có chuyện máy xúc chèn qua người và với trọng lượng hàng chục tấn mà xe máy xúc chèn qua thì người bị chèn sẽ không qua khỏi.
Về việc người dân tố cáo ngày 9/7 có một số đối tượng côn đồ đến đánh người dân, ông Hiển khẳng định lực lượng công an không ghi nhận được tình trạng trên.
Ngoài ra, ông Lê Huy Kiên, Chủ tịch UBND xã Cẩm Điền trả lời Lao động rằng sau khi xác minh hiện trường công an xã báo đã báo cáo là không có chuyện người dân bị máy xúc cán qua người; có một vụ va chạm giữa người dân với lực lượng thi công. Trong vụ va chạm, một người dân va vào máy xúc bị thương.
Ngoài ra, theo đại diện Công an Cẩm Giàng, tại hiện trường thời điểm đó có một xe ủi và một ôtô nằm trong cổng ra vào doanh nghiệp. 16h chiều ngày 9/7, đơn vị thi công đưa ôtô và máy xúc vào đã bị người dân ngăn cản nhưng có công an túc trực can thiệp kịp thời.
Tại cuộc họp báo, sau khi nghe các ý kiến, ông Nguyễn Mạnh Hiển (Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương) cho rằng đây là vụ việc đáng tiếc, nằm ngoài sự chỉ đạo của tỉnh. Để làm rõ nguyên nhân xô xát và có hay không chuyện côn đồ đánh dân, ông đề nghị công an huyện, công an tỉnh sớm vào cuộc điều tra.
Năm 2009, dự án khu công nghiệp Lương Điền (nằm trên địa bàn hai xã Cẩm Điền và Lương Điền) được giao cho doanh nghiệp Phúc Hưng với diện tích đất 205 ha. Xã Cẩm Điền có khoảng 90 hộ không đồng ý nên không nhận tiền và kiến nghị mức bồi thường mới. Năm 2015, doanh nghiệp Phúc Hưng chuyển giao khu đất cho Tập đoàn VSIP Singapore.
Hiện, Chủ tịch tỉnh Hải Dương cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, xem xét kiến nghị của người dân; phía VSIP cũng được yêu cầu thực hiện nghiêm các phương án an ninh trật tự mới được thi công trở lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận