Liên quan đến vụ việc người nhà của bị can Nguyễn Văn Anh Tuấn (sinh năm 1993, trú tại thôn 4, xã Đắk Kan, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) đầu thú tại công an huyện Ngọc Hồi (CA Ngọc Hồi), nhưng sau đó ít ngày thì Tuấn phải nhập viện. Người nhà của Tuấn cho rằng một số cán bộ công an đã đánh nạn nhân đến mức chân bị bại liệt, Công an cho rằng Tuấn ăn vạ, còn Luật sư nhận định Công an điều tra chưa khách quan.
Mẹ anh Tuấn khóc ròng vì đứa con bị đánh liệt chân |
Chưa khách quan
Như PV Báo Giao thông đã đưa tin, ngày 20/8 trao đổi với Đại tá Lê Văn Minh, trưởng CA Ngọc Hồi về sự việc liên quan đến bị can Nguyễn Văn Anh Tuấn bị người nhà cho rằng chiến sỹ của lực lượng đơn vị đánh. Đại tá Minh cho biết: “Xác nhận bị can Tuấn vẫn nằm, không thấy đi lại. Không biết Tuấn bị như vậy thật hay là giả. Bởi vì, Công an đã cho giám định thương tích nhưng vẫn không xác định gì. Hiện chúng tôi nghi Tuấn có vấn đề về thần kinh, vì trên đầu có 1 vết sẹo bị chém rất dài. Chúng tôi chưa giám định tâm thần nữa thôi”.
Qua trao đổi với ông Đinh Công Hưng, luật sư bào chữa cho bị can Tuấn trong vụ án Trộm cắp tài sản và Cố ý gây thương tích. Ông Hưng cho biết: “Qua quá trình tham gia hỏi cung tại nhà tạm giữ công an huyện Ngọc Hồi (cùng điều tra viên, Công an huyện Ngọc Hồi) thì bị can có khai về vụ việc bị công an đánh, dẫn đến tình trạng sức khỏe rất yếu, cụ thể như sau: ‘ngày 9/6 khi Tuấn tới đầu thú tại CA Ngọc Hồi thì sức khỏe hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên thời gian ở lại đây Tuấn bị đánh đập vào đầu, ngực, bụng và bộ hạ.. dẫn đến ho ra máu, không tiểu tiện được. Sau đó được đưa đi bệnh viện huyện Ngọc Hồi, tại đây chân Tuấn vẫn còn cử động được, nhưng sau đó dần mất cảm giác. Thấy sức khỏe quá yếu nên Tuấn được chuyển xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, lúc đó Tuấn trong tình trạng mắt không mở được, quai hàm đau nhiều, không ăn được, chân từ đầu gối trở xuống mất cảm giác, không đứng và đi lại được…’. Cả hai lần làm việc với luật sư, Tuấn đều được bạn tù cõng đến để làm việc”, luật sư Hưng cho biết.
Nếu như Tuấn thực sự bị đánh ở trong nhà tạm giam thì sẽ rơi vào 4 trường hợp, một là “bạn tù đánh”; hai là cán bộ điều tra đánh; ba là cán bộ nhà tạm giữ đánh; bốn là Tuấn tự gây thương tích. Tuy nhiên khi khai với tôi thì Tuấn nói là bị cán bộ tạm giam đánh. Ví dụ như theo lời khai Tuấn bị đánh là thực thì sẽ phải khép vào tội cố ý gây thương tích. Trong trường hợp này, nếu khởi tố thì Tuấn trở thành người bị hại và đương nhiên có người trở thành bị can.
“Tôi cũng có hỏi về việc này với điều tra viên và lãnh đạo CA Ngọc Hồi nhưng họ không cho tôi biết. Hiện việc này cơ quan thanh tra công an đang làm”, Luật sư nói.
Ngoài ra Luật sư Hưng còn cho biết: “Ngày 28/7, tôi đã có đơn gửi Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum đề nghị xem xét và chuyển việc điều tra giải quyết vụ đương sự Nguyễn Văn Tuấn Anh bị đánh đập dẫn đến liệt hai chân trong thời gian tạm giam tại nhà tạm giam cho một bộ phận độc lập khác (không để cho CA Ngọc Hồi điều tra).
Thế nhưng (ngày 14/8) theo ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum giao cho cơ quan CSĐT (PC 44) nghiên cứu đề xuất hướng giải quyết. Sau đó, PC44 đã chuyển đơn của Luật sư Đinh Công Hưng về lại cơ quan CSĐT CA Ngọc Hồi để giải quyết theo thẩm quyền. “Nếu như tỉnh để cơ quan CA Ngọc Hồi điều tra thì kết quả sẽ không khách quan”, Luật sư Hưng khẳng định.
Luật sư và người nhà bị can lo kết quả điều tra vụ việc của Công an huyện Ngọc Hồi sẽ không khách quan |
Người nhà bị can khiếu lại lên Viện kiểm soát nhân dân huyện
Như Báo Giao thông đã đưa tin, Đại tá Minh cho rằng, Công an huyện Ngọc Hồi đã kỷ luật 2 chiến sỹ Hoàng Văn Tuấn, Nguyễn Văn Tiến, công dân phục vụ có thời hạn trong lực lượng Công an. Hai chiến sỹ này đã bị Công an tỉnh Kon Tum có quyết định rời quân ngũ trước thời hạn trước thời hạn khoảng 1 năm (ngày 28/7 có quyết định xuất ngũ) nhưng không phải lỗi đánh nghi phạm. Mà lý do là hai chiến sỹ này nhậu nhẹt, vi phạm nội quy nhà tạm giữ, không có trách nhiệm mà vào phòng giam”.
Ngoài ra Đại tá Lê Văn Minh, trưởng Công an huyện Ngọc Hồi còn cho biết: “Khi đến khám tại các bệnh viện thì xác định không bị gì cả. Sau khi giám định, chúng tôi có mời gia đình Tuấn lên mấy lần để làm bảo lãnh đem cháu về chạy chữa bệnh. Nhưng gia đình cháu muốn để cháu lại kiểu để “ăn vạ”.
Trước tình hình đó, bà Nguyễn Thị Diện mẹ của bị can Tuấn đã có gửi 2 đơn đề nghị lên Viện KSND huyện Ngọc Hồi để cầu cứu vì tình trạng sức khỏe Tuấn quá yếu ( ngày 22/6), trong đó nêu rõ, gia đình bà làm đơn bảo lãnh xin đưa Tuấn đi chữa bệnh nhưng Cơ quan CA Ngọc Hồi không giải quyết. Và đơn tố cáo về trường hợp Tuấn con bà bị mộ số cán bộ CA Ngọc Hồi quản lý nhà tạm giam đánh trọng thương.
Ngày 3/7, Viện KSND huyện Ngọc Hồi đã trả lời với bà Diện một số nội dung sau: Đối với đơn 1, Viện KSND huyện không thuộc thẩm quyền giải quyết vì vậy hướng dẫn bà Diện đến thủ trưởng cơ quan CA Ngọc Hồi để làm đơn theo quy định của pháp luật; đối với đơn tố cáo, Viện KSND huyện trả lời: “Qua xác minh thì bị can Tuấn không chấp hành nội quy của nhà tạm giữ nên các chiến sỹ trực ban có la mắng (Những bị can ở chung phòng 05 cùng Tuấn xác nhận)”. Kết quả thời gian Tuấn được chuyển đi bệnh viện từ ngày 15/6 – 20/6, trích lục bệnh án ngày 23/6 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum xác nhận: Bị can Nguyễn Văn Anh Tuấn không bị tổn thương. Chuẩn đoán lúc ra viện: “Rối loạn dạng cơ thể”. Vì vậy nên Viện KSND huyện Ngọc Hồi khẳng định: “Việc bà bà tố cáo con bà bị cán bộ CA Ngọc Hồi đánh là không có căn cứ”.
Vĩnh Yên
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Theo Bộ luật hình sự năm 1999 |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận