Ảnh chụp facebook tin đồn bắt cóc trẻ em ở Gia Lai. |
Sáng 26/7, tài khoản Facebook Đ.Đ.Q.Q (địa chỉ tại TP. Pleiku, Gia Lai) đã đăng một đoạn trạng thái (để chế độ công khai) với nội dung tin đồn về bắt cóc trẻ em.
Tài khoản này viết: “Nay chị em có con nhỏ cẩn thận. Bắt cóc đã về đến Gia Lai. Mới có một vụ gần chùa Áo vàng (Tịnh xá Ngọc Phúc, đường Phan Đình Phùng, Tp. Pleiku- PV), đến tận nhà bắt. Cha đứa bé chạy ra ôm lại thì 2 xe 4 thằng đâm dao mới cấp cứu chiều hôm qua. Và một chị đang ẵm con cho ăn ngay đầu đường Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thiếp (TP. Pleiku - PV). Bọn bắt cóc nhảy xuống xe giật đứa nhỏ trên tay chị đó. May mà chỗ đó đông người, mấy chú xe thồ la lên, chống trả nên bọn nó quăng đứa nhỏ vô bụi chỉ bị xước mặt. Nay bắt cóc xuất hiện khắp nơi rồi. Vậy khuyên chị em bớt đăng ảnh con mình lên facebook để đưa con mình vào tầm ngắm của bọn bắt cóc”.
Ngay sau khi bản tin đăng tải đã có nhiều người dân tỏ ra hoang mang trước thông tin này.
Để xác thực thông tin này, PV Báo Giao thông đã liên hệ với chủ tài khoản Đ.Đ.Q.Q này qua điện thoại thì nhận được thông tin đây chỉ là thông tin nghe lại từ người khác kể, cô gái viết lên facebook nhằm cảnh báo cho mọi người. Sau đó thì cô gái đã xóa dòng trạng thái gây hoảng sợ cho các bậc phụ huynh.
Ngày 12/6, Công an quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho biết căn cứ Nghị định 174/2013/NĐ-CP đã xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng với Nguyễn Thị Ngọc (26 tuổi) vì bịa đặt thông tin bắt cóc trẻ em trên Facebook cá nhân. Khi bị công an triệu tập, Ngọc đã khai rằng đang kinh doanh online qua mạng. Muốn có nhiều người biết đến trang Facebook của mình nên "câu like" bằng việc bịa chuyện bắt cóc trẻ em. |
Liên quan đến nội dung gây hoang mang dư luận trên, Trung tá Phan Nhật Toàn-Trưởng Công an TP. Pleiku (Gia Lai) cho biết, không hề có việc bắt cóc trẻ em tại TP. Pleiku như chủ tài khoản facebook kia chia sẻ. Đây là thông tin gây hoang mang dư luận.
Cũng theo Trưởng công an TP. Pleiku Phan Nhật Toàn cho biết, nếu nhận được thông tin vụ việc xảy ra bắt cóc người dân nên báo với lực lượng chức năng để điều tra. Hơn nữa, mọi người cũng nên kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải thông tin lên mạng xã hội. Việc đăng tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến xã hội này cũng sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Cũng theo một cán bộ điều tra công an chia sẻ: Gần đây, có những thông tin trên mạng xã hội lan truyền rất nhanh những vụ bắt cóc trẻ em để lấy nội tạng, bắt cóc tống tiền, để trả thù... tuy nhiên, đa số chỉ là tin đồn. "Ai cũng có con cái, gia đình nên khi nghe đến bắt cóc trẻ em là mọi người rất quan tâm vì vậy khi một bản tin đăng lên mạng xã hội thì lượng người chia sẻ rất lớn. Thông tin không kiểm chứng, không có cơ sở này gây hoang mang dư luận". Nhiều gia đình vì thương con thương cháu nên nhốt trong nhà, các cháu ít có điều kiện ra ngoài để giao tiếp, chơi đùa cùng chúng bạn nên ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tự nhiên của trẻ nhỏ...".
Còn trong trường hợp xảy ra bắt cóc trẻ em thì người dân hết sức bình tĩnh thông báo thông tin cho cơ quan chức năng để nhanh chóng điều tra vụ việc và giải cứu nạn nhân. Hơn nữa, hậu quả của việc chia sẻ bài viết ngoài mục đích giúp nạn nhân nhanh chóng tìm được người thân cũng như cảnh báo với xã hội về vụ việc, nhưng cũng rất nguy hiểm. Nguy hiểm ở chỗ, nếu thực sự xảy ra vụ bắt cóc trong một vụ án hình sự thì nạn nhân có thể bị kẻ bắt cóc giết hại để bịt đầu mối. Hung thủ sẽ xoá dấu vết khiến cho người nhà mất con, cơ quan điều tra khó tìm ra hung thủ và có thể cả đời họ không còn được nhìn thấy con cái của mình dù chỉ là thi thể.
Được biết, thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều clip, thông tin về các vụ bắt cóc trẻ em gây hoang mang dư luận mà không có sự kiểm chứng của cơ quan chức năng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận