Nhóm bảo vệ được cho là đã có hành vi cản trở PV khi tác nghiệp (ảnh cắt từ clip) |
Sáng 23/6, liên quan vụ nhóm phóng viên (PV) Trung tâm truyền hình Việt Nam tại TP Cần Thơ (VTV Cần Thơ) bị cản trở trong lúc tác nghiệp tại chợ An Bình (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), trao đổi với báo chí, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết đã chỉ đạo UBND và Công an quận Ninh Kiều làm rõ đúng sai và xử lý theo quy định của pháp luật.
PV tác nghiệp đúng nguyên tắc
Trước đó, vào ngày 21/6, hai PV của VTV Cần Thơ là chị Anh Đào và anh Nguyên Du quay phim về nhân vật là một cụ già có hoàn cảnh khó khăn làm nghề bán vé số. Sau khi hoàn thành xong cảnh quay ở nhà nhân vật, nhóm PV này đã theo chân bà cụ đến khu vực chợ An Bình (thuộc quận Ninh Kiều) để ghi hình nhân vật đi bán vé số.
Khi các PV này đang tác nghiệp, bất ngờ một nhóm bảo vệ xuất hiện và có hành vi cản trở. Các bảo vệ này cho rằng PV nếu muốn quay phim thì phải vào thông báo với Ban quản lý của chợ.
Sau khi PV Nguyên Du trình bày rằng đây là khu vực công cộng không phải khu vực quân sự, cũng không có biển cấm quay phim chụp hình thì bảo vệ chợ đã có hành vi xua đuổi và dọa đánh PV.
Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Ngọc Đẫm, Trưởng Phòng quay phim, đạo diễn - Thư ký chi hội Nhà báo VTV Cần Thơ cho biết, đóng trên địa bàn địa phương, văn phòng cũng muốn giữ mối quan hệ ngày càng thắt chặt. Tuy nhiên, về góc độ là thư ký chi hội Nhà báo VTV phải bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên.
“Về tác nghiệp là đúng nguyên tắc. 2 PV Anh Đào và Nguyên Du đi công tác là được tổ chức phân công đi và được sự đồng ý của Ban Giám đốc. Hơn nữa, địa bàn PV tác nghiệp cũng không phải là vùng cấm. Ban quản lý chợ cũng không treo biển cấm quay phim, cấm chụp hình, vậy tại sao Ban quản lý chợ lại có hành động như thế? Đây là đã sai nguyên tắc. Hiện, tại chúng tôi đang chờ ý kiến của lãnh đạo địa phương xem sẽ trả lời và xử lý ra sao”, ông Đẫm nhấn mạnh.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Huỳnh Quốc Hoàng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Cần Thơ cho biết đã nắm được sự việc qua báo chí phản ánh.
Nói về quan điểm của mình trước sự vụ, ông Hoàng cho biết, về mặt nguyên tắc, PV có quyền được tác nghiệp, ngoại trừ trường hợp nơi đó có để bảng cấm. Khi đó, PV phải xin ý kiến của địa phương, được sự đồng ý mới tác nghiệp.
“Tôi thấy thái độ của Ban quản lý chợ khi trả lời rằng phải xin phép trong sự việc này như vậy là không phải. Báo có quyền tác nghiệp trừ những nơi có biển cấm. Vì vậy, cần phải nhờ cơ quan chức năng can thiệp làm sao tạo điều kiện giúp cho báo chí hoạt động. Mình hoạt động là theo đúng quy định chức năng, đúng đạo đức nghề nghiệp. Sắp tới chúng tôi sẽ liên hệ cụ thể với PV, sau khi có thông tin chính thức, hội Nhà báo sẽ lên tiếng”, ông Hoàng nói.
Chợ An Bình, nơi xảy ra sự việc. |
Hành xử thiếu văn hóa
Về vụ việc đã xảy ra, Luật sư Nguyễn Văn Đức, Phó Trưởng văn phòng luật sư Vạn Lý, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ (TP Cần Thơ) chia sẻ, ông không đồng tình với hành vi ứng xử của các bảo vệ này.
“Hiện nay Cần Thơ có hai sự kiện là vụ việc PV bị cản trở và vụ tiệc buffet xảy ra bên Cồn Khương (quận Ninh Kiều) đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Cần Thơ rất nhiều”, luật sư Đức bày tỏ.
Theo luật sự Đức, vấn đề mấu chốt ở đây chính là cách hành xử thiếu sự văn hóa ở một nơi công cộng như là khu vực chợ An Bình, nơi tập trung khá đông người dân và nhất là khách du lịch đến tham quan chợ nổi Cái Răng.
Trong trường hợp anh em đang tác nghiệp, việc bảo vệ chợ chọn hình thức to tiếng, xô đẩy PV là phản cảm, thiếu chuẩn mực...
Cũng theo luật sư Đức, theo quy định của pháp luật, trong trường hợp này nếu có hậu quả xảy ra chắng hạn như làm rớt máy quay, làm hư hỏng tài sản, hoặc là xâm phạm đến sức khỏe, nhân phẩm thì bên bị hại có quyền yêu cầu cơ quan chức năng xử lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận