Trước đó, tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình được Bộ GTVT công bố đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả trong vận tải hàng hóa, được các doanh nghiệp vận tải đánh giá cao.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công phát biểu tại lễ công bố tuyến vận tải ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang |
Ông Trần Văn Thọ, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, tuyến vận tải ven biển từ Kiên Giang đến Bình Thuận có chiều dài bờ biển trên 700 km, chiếm 23% chiều dài bờ biển của cả nước. Với 28.600 km sông kênh rạch, trong đó có khoảng 13.000 km có khả năng khai thác vận tải với 25 cửa sông lớn nhỏ, rất thuận lợi cho tàu thuyền ra vào lưu thông sâu vào đất liền, vận chuyển hàng hóa hai chiều với khối lượng lớn đến các tỉnh ven biển để phục vụ cho các nhà máy và khu công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Trên tuyến vận tải này, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có vị trí quan trọng, là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước.
Nối tiếp tuyến này, tuyến vận tải ven biển từ Bình Thuận đến Quảng Bình có chiều dài bờ biển 858 km với 37 cửa sông lớn nhỏ cũng rất thuận lợi cho tàu thuyền ra vào lưu thông sâu vào đất liền vận chuyển hàng hóa hai chiều với khối lượng lớn đến các tỉnh ven biển để phục vụ cho các nhà máy và khu công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.
Trao Giấy phép rời cảng cho tàu vận tải ven biển |
Ông Trần Văn Thọ cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT về việc giải quyết hàng hóa ứ đọng tại các cảng biển, cảng thủy nội địa, Cục Đường thủy nội địa VN đã phối hợp với Cục Hàng hải VN khảo sát tại một số cảng, thấy rằng nhu cầu vận tải ven biển rất phù hợp với tuyến ngắn 400-600 km với tàu có mớn nước thấp, có thể lấy hàng ở các cảng thủy nội địa, cảng biển ở ven bờ biển đi và sâu trong nội địa. Tuy nhiên, các tàu muốn hoạt động trên tuyến ven biển thì phải công bố vùng được phép hoạt động.
Ngày 6/7, tại Hải Phòng, Bộ GTVT đã công bố tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình và sau khi tuyến vận tải được công bố hàng hóa vận chuyển trên tuyến này đã góp phần giảm tải cho đường bộ. Để tạo cơ chế chính sách thuận lợi và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay, việc thiết lập tuyến vận tải ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang cho tàu mang cấp VR-SB hoạt động là rất cần thiết.
Cục Đường thủy nội địa VN đã phối hợp với Cục Hàng hải VN, Cục Đăng kiểm VN, đặc biệt là các doanh nghiệp có tàu và có nhu cầu tham gia hoạt động vận tải hàng hóa trên tuyến vận tải để nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách tham mưu Bộ GTVT công bố tuyến vận tải ven biển, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào thị trường vận tải ven biển để giảm tải cho đường bộ, giảm thiểu các nguy cơ tiềm ẩn về mất ATGT đường bộ… nhằm làm cân đối hài hòa giữa các phương thức vận tải và phát triển kinh tế cho các địa phương ven biển.
Chia sẻ với PV Giao thông, ông Trần Quang Thắng, Phó giám đốc Công ty CP Thương mại và Vận tải Thái Hòa phấn khởi: Là doanh nghiệp đi đầu trong việc nâng cấp đội tàu từ VR-S1 lên VR-SB tham gia tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình. Hiện nay Công ty có trên 10 tàu cấp VR-SB.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cùng các đại biểu cắt băng khai trương tuyến vận tải ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang |
Ông Thắng cũng cho biết, sau khi Chính phủ, Bộ GTVT chỉ đạo quyết liệt siết chặt tải trọng phương tiện cơ giới đường bộ, hàng hóa dần dịch chuyển sang phương thức vận tải ven biển. Việc Bộ GTVT công bố tuyến vận tải ven biển rất phù hợp với các tuyến vận tải cự ly ngắn, các tàu có thể vào lấy hàng ở cảng nhỏ địa phương hoặc cảng thủy nội địa, cảng biển, đặc biệt là các nhà máy sản xuất nguyên vật liệu, khu công nghiệp thường nằm sâu trong nội địa nên việc sử dụng tàu nhỏ vào sâu các cảng, bến thủy nội địa để chở hàng rất thuận lợi. Hơn nữa, việc phát triển tuyến vận tải ven biển vừa giảm thiểu hư hỏng cơ sở hạ tầng cho đường bộ, vửa giảm ô nhiễm môi trường do khói bụi và giảm ùn tắc, TNGT.
“Chủ trương mở tuyến vận tải ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang là điều mà các doanh nghiệp chúng tôi rất mong đợi, đây là cơ hội tốt để tạo sân chơi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chúng tôi được tham gia vào thị trường vận tải ven biển nội địa vừa góp phần nâng cao kết nối các phương thức vận tải và cũng góp phần tham gia bảo vệ vùng biển của Tổ quốc”, ông Thắng nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo và công bố khai trương tuyến vận tải ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, qua một số tháng tích cực triển khai tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, rất nhiều chủ hàng đã bắt đầu quay sang vận tải đường thủy nội địa.
Một ví dụ là cảng Quảng Ninh, từ tháng 4 đến nay không một tấn hàng hóa nào xuất cảng bằng đường bộ mà đều được chuyển tải qua phương tiện thủy nội địa để chuyển về các địa phương. Đây là một ví dụ cho thấy hiệu quả của chủ trương kiểm soát tải trọng xe của Chính phủ đang được triển khai hết sức tích cực.
Xét thấy hiệu quả của phương thức vận tải sông biển trên tuyến vận tải từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa VN, Cục Hàng hải VN, Cục Đăng kiểm VN nghiên cứu và báo cáo Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho phép công bố tuyến từ Quảng Bình đến Bình Thuận và từ Bình Thuận đến Kiên Giang.
“Chúng tôi tin rằng 2 tuyến này cùng với tuyến Quảng Bình đến Quảng Ninh chắc chắn sẽ góp phần đắc lực vào chủ trương đa dạng hóa các phương thức vận tải để giảm chi phí vận tải, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa xuất nhập khẩu góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nhấn mạnh.
Để 2 tuyến này hoạt động có hiệu quả, Thứ trưởng giao Cục Đường thủy nội địa, Cục Hàng hải và Cục Đăng kiểm VN, các Sở GTVT chủ động tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn về lợi ích của các tuyến vận tải sông biển này, chủ động tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp.
Tàu vận tải hàng hóa rời cảng Thuận An (tỉnh Thừa Thiên - Huế) sau lễ công bố tuyến vận tải ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang |
Trước mắt, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các Cảng vụ, Sở GTVT cần chủ động giúp đỡ chủ hàng, đơn vị vận tải để có sự kết nối nhằm nâng cao năng lực của các tuyến vận tải này.
Đối với các doanh nghiệp vận tải biển cần phải chủ động nâng cao năng lực quản trị, tiết kiệm chi phí, tiêu hao nhiên liệu để giảm giá thành vận tải để cạnh tranh được với tuyến vận tải sông biển này.
“Giá cước càng thấp thì chúng ta càng lợi, nhà nước lợi, nhân dân lợi, hàng hóa có sức cạnh tranh cao hơn. Ai đó nói rằng, mở tuyến vận tải sông biển kết nối từ Bắc vào Nam thì sẽ ảnh hưởng đến vận tải biển thì tôi không đồng tình. Trước mắt không ảnh hưởng, sắp tới có ảnh hưởng, nhưng ảnh hưởng tốt. Các doanh nghiệp vận tải biển phải tự đổi mới mình để cạnh tranh với các doanh nghiệp sông pha biển. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng, cạnh tranh càng mạnh mẽ, càng bình đẳng thì nhân dân được lợi, nhà nước được lợi”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết.
Duy Lợi
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận