Tổng Thanh tra Chình phủ Lê Minh Khái |
Sáng nay, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2018.
Tổng Thanh tra Lê Minh Khái cho biết, năm 2018, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân tăng về số lượng đơn thư, số vụ việc so với năm 2017, cụ thể: tổng số đơn khiếu nại, tố cáo tăng 11,8%, tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước tăng 4,7% nhưng số lượt đoàn đông người không tăng so với năm 2017.
Đáng lưu ý, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân từ cuối năm 2017 đến nay nhìn chung còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Tình trạng công dân tụ tập đông người lên Trung ương khiếu kiện gia tăng, trong đó, một số đoàn đông người và công dân khiếu kiện dài ngày mang theo băng rôn, khẩu hiệu đến trụ sở các cơ quan Trung ương và nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, có thái độ quá khích, hành vi manh động, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự.
Báo cáo của Chính phủ cũng dẫn các vụ việc như đe dọa tự thiêu; tấn công lực lượng công an đang làm nhiệm vụ. Hoặc gần đây xuất hiện tình trạng người khiếu kiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng, chiếm giữ trụ sở chính quyền cơ sở; chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, bắt giữ người trái pháp luật và hủy hoại tài sản của Nhà nước (sau thời điểm xảy ra vụ việc ở Đồng Tâm 4/2017) đến tháng 6/2018 đã xảy ra 10 vụ (Hà Nội 1, Bắc Giang 3, Đắk Lắk 1, Kon Tum 1, Lai Châu 1, Bình Định 1, Thái Nguyên 1, Bắc Ninh 1), trong đó có 6 vụ liên quan đến đất đai, 4 vụ liên quan đến môi trường.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, trong đó có những vụ việc đã được nhiều cơ quan giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc.
Đáng chú ý là một số thế lực đã lợi dụng tình hình khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân. Điển hình như vụ việc lợi dụng, kích động công dân biểu tình, đập phá tài sản để phản đối việc cho thuê đất 99 năm trong dự thảo Luật về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại một số địa phương.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhận định, nội dung khiếu nại, tố cáo cơ bản không có nhiều thay đổi so với các năm trước; khiếu nại vẫn chủ yếu là về đất đai; tố cáo vẫn chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ, bao che cho cấp dưới gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; một số trường hợp người khiếu nại chuyển sang tố cáo do kết quả giải quyết không đáp ứng được mong muốn...
Tuy nhiên, theo ông Định, báo cáo của Chính phủ vẫn chưa phân tách được số liệu những vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan theo ngành dọc ở địa phương (như Bảo hiểm xã hội, thuế, hải quan, thi hành án dân sự...); chưa phân tích cụ thể việc xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài; chưa có đánh giá xu hướng phát triển của các vụ việc khiếu kiện tập trung đông người ẩn chứa yếu tố phức tạp, nhạy cảm hoặc có sự kích động, lôi kéo của các thế lực thù địch, gây mất an ninh, trật tự xã hội tại một số địa phương.
Bên cạnh đó, thời gian qua đã phát sinh một số khiếu nại phức tạp trong các lĩnh vực kinh tế, dân sự mà không phải là khiếu nại các cơ quan hành chính nhà nước. “Đây cũng là những vấn đề thực tế cuộc sống đặt ra, là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện đông người, đòi hỏi Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phải quan tâm, có hướng giải quyết, xử lý hài hòa quyền lợi của người dân, của nhà đầu tư và của Nhà nước để bảo đảm ổn định xã hội” – ông Định lưu ý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận