Công diễn vở cải lương “Linh khí trời Nam” phục vụ các gia đình Thương binh- Liệt sĩ, gia đình chính sách. |
Tối ngày 25/7, tại Nhà hát Kim Mã (Hà Nội) sẽ diễn ra chương trình tri ân và công diễn vở cải lương “Linh khí trời Nam” phục vụ các gia đình Thương binh- Liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
Vở diễn “Linh khí trời Nam” kể về cuộc đấu tranh bền bỉ giữa những người dân Giao Chỉ với lực lượng quan quân đô hộ nhà Đường mà đứng đầu là Tiết độ sứ Cao Biền – người cai quản An Nam đô hộ phủ, đóng tại thành Đại la vào nửa cuối thế kỷ thứ IX sau Công lịch.
Đây là một cuộc đấu tranh thầm lặng mà không kém phần cam go của những người dân Giao chỉ không một tấc sắt trong tay nhằm đánh đổ ách nô dịch của nhà Đường, đòi lại nền quốc thống mà các Vua Hùng đã là người khai sơn lập quốc.
Hoàng đế Đường Hàm Thông khi nhận thấy linh khí của đất trời An Nam có dấu hiệu phát vượng, đã cử Cao Biền sang Giao châu làm Tiết độ sứ. Cao Biền vốn là một phù thủy nổi danh cao tay, được giao nhiệm vụ tìm kiếm các long mạch linh thiêng của đất An Nam rồi dùng bùa phép trấn yểm cho mất thiêng, để đất An Nam phải bị triệt tiêu linh khí, mãi mãi lầm than, u tối cam tâm làm phiên thuộc của triều Đường.
Trong cuộc gặp gỡ định mệnh, Cao Biền đã đem lòng yêu người con gái Giao Chỉ tài sắc tên gọi Việt Hương. Mối tình trắc trở, nhiều ngang trái đã dẫn đến kết cục, vì lòng trung quân ái quốc mà Cao Biền đã lấy ngay người con gái mà mình đem lòng yêu làm linh vật trấn yểm long mạch An Nam. Khi tỉnh ngộ thì đã muộn màng. Việt Hương đã bị đem ra làm bùa yểm.
Hối hận trước tội lỗi phi nhân, Cao Biền đã bãi bỏ toàn bộ kế hoạch tận triệt linh khí An Nam, nhưng học trò cũng là cháu của ông ta là Cao Tầm đã đoạt lấy quyền lực và ra tay thi hành mưu sự. Trước hiểm họa khôn lường ấy, người dân Giao chỉ đã phá vỡ đê sông Cái, sẵn sang chết cùng kẻ thù. Dòng sông mẹ linh thiêng đã cuốn sạch những trận đồ mà quái. Để sau đó sự sống lại sinh sôi.
Nhờ sự đấu tranh kiên cường và mưu trí của những người dân Giao Chỉ mà dã tâm đen tối của Đường Hàm Thông đã hoàn thoàn thất bại, đất An Nam bảo toàn được linh khí, để rồi vào năm Mậu tuất - niên hiệu Tấn thiên phúc năm thứ hai, tức năm 938 sau công lịch. Với chiến thắng Bạch Đằng, nước Nam đã giành lại được quyền tự chủ, tiếp nối nền quốc thống của các Vua Hùng. Để sau đó các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn và ngày nay là Thế hệ Hồ Chí Minh quang vinh đã nối tiếp nhau làm rạng ngời cho non nước Việt Nam.
Nhân dịp này, Đoàn thanh niên các đơn vị sẽ Tổ chức dâng hương báo công, tưởng niệm tại Đài tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sĩ đường Bắc Sơn, (quận Ba Đình, Hà Nội) vào sáng ngày 25/7. Trong khuôn khổ chương trình BTC sẽ tổ chức thăm hỏi, tặng 100 suất quà cho các đối tượng thương binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận