Công đoàn GTVT VN ký kết với Tổng công ty Đường sắt VN thỏa thuận giảm giá vé tàu cho đoàn viên công đoàn |
Quá nhiều thách thức
Nhiều ý kiến cho rằng năm 2017, hoạt động Công đoàn GTVT thật sự khó khăn. Sau cổ phần hóa, nhiều công đoàn cơ sở đối mặt rất nhiều khó khăn do áp lực công việc, ông đánh giá thế nào về điều này?
Đúng là năm 2017, hoạt động công đoàn ngành GTVT gặp rất nhiều thách thức. Mô hình tổ chức công đoàn cấp trên cơ sở sau khi cổ phần hóa (CPH) gặp nhiều khó khăn. Nhiều tổ chức công đoàn trở nên “chơ vơ” vì chính quyền đồng cấp chỉ là công ty mẹ, không có cấp tổng công ty. Các đơn vị xây dựng cơ bản gặp nhiều khó khăn về việc làm vì vốn ngân sách cho các công trình, dự án mới rất ít. Cơ chế, chính sách đầu tư xã hội hóa chưa rõ ràng, bản thân các đơn vị cũng không có vốn. Đời sống người lao động bị ảnh hưởng lớn.
Trước thực trạng này, Công đoàn GTVT Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn trực thuộc phải xây dựng, triển khai các chương trình, nội dung hoạt động theo hướng thiết thực, lấy công đoàn cơ sở làm trung tâm, lấy người lao động làm mục đích để thực hiện nhiệm vụ, làm tròn vai trò của tổ chức công đoàn. Hoạt động công đoàn không tổ chức rầm rộ, bề nổi mà đi vào chiều sâu, hướng vào việc phát huy năng lực sáng tạo của người lao động.
Một trong những hoạt động nổi bật của Công đoàn GTVT VN thời gian qua là kịp thời hỗ trợ người lao động, các đối tượng chính sách thông qua Quỹ Xã hội - Từ hiện của công đoàn. Ông có thể chia sẻ thêm về hoạt động này?
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT về việc xây dựng Quỹ Xã hội - Từ thiện, từ nguồn quỹ đã kịp thời hỗ trợ các đối tượng chính sách, CBCNV khó khăn với chủ trương tăng cường hỗ trợ cho người lao động trong ngành, hỗ trợ đối tượng chính sách với mức độ phù hợp. Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2017 Quỹ Xã hội - Từ thiện Công đoàn GTVT VN đã hỗ trợ xây dựng 12 nhà “Mái ấm công đoàn” cho CNLĐ, 11 “Nhà tình nghĩa” cho cựu TNXP. Thăm, hỗ trợ, tặng quà 400 trường hợp là các cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ 763 trường hợp là CNLĐ bị tai nạn lao động, TNGT, con CNVC-LĐ bị mắc bệnh hiểm nghèo, nhiễm chất độc màu da cam, bị thiệt hại do bão lũ, ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, hỗ trợ 5 gia đình thuyền viên bị cướp biển giết hại, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ... Tổng kinh phí chi cho các hoạt động xã hội từ thiện hơn 8 tỷ đồng.
Công đoàn GTVT VN cũng đang chỉ đạo các đơn vị chăm lo Tết Nguyên đán Mậu Tuất sắp tới cho người lao động trong ngành, không để ai không có Tết.
Cán bộ công đoàn phải có bản lĩnh
Trước thách thức, năm 2018, Công đoàn GTVT VN phải làm gì để đổi mới và hoạt động hiệu quả hơn, thưa ông?
Năm 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12, chắc chắn nhiệm vụ chính trị của ngành sẽ rất nặng nề. Vì vậy, tổ chức công đoàn phải phối hợp với các cấp chính quyền triển khai các hoạt động, phong trào thi đua để góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của ngành. Đặc biệt, là phối hợp tốt hơn với chính quyền đồng cấp trong chăm lo việc làm, đời sống người lao động, để giảm khó khăn, giảm bớt tình trạng nợ lương, bảo hiểm.
"Công đoàn là phải đổi mới chính mình, chứ không phải chỉ có áp lực bên ngoài. Công đoàn phải chủ động, độc lập, phải tinh gọn, nâng cao năng lực, hiệu quả. Muốn vậy, phải có được đội ngũ cán bộ công đoàn năng lực." Chủ tịch Công đoàn GTVT VN |
Mặt khác, để có kinh phí hoạt động, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải thực hiện tốt công tác tài chính công đoàn. Ngoài tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động đóng kinh phí công đoàn theo quy định, cần động viên người lao động đóng đủ đoàn phí. Phải làm tốt công tác quản lý tài sản trong toàn hệ thống công đoàn, nâng cao hiệu quả. Trong đó, có thể đầu tư tài chính vào các doanh nghiệp để có nguồn lợi nhuận, từ đó hỗ trợ kinh phí cho tổ chức công đoàn hoạt động…
Đặc biệt, giữa năm 2018 sẽ diễn ra Đại hội Công đoàn GTVT VN lần thứ 10. Thực tế, từ đầu năm 2017, Công đoàn GTVT VN đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo sát sao đại hội công đoàn các cấp để thực sự tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn bộ CBCNV-LĐ ngành giao thông, hướng tới Đại hội Công đoàn GTVT VN lần thứ 10 và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12.
Nhiều lần trao đổi với Báo Giao thông, ông luôn nhấn mạnh phải đổi mới hoạt động công đoàn, muốn vậy phải đổi mới cả nhân sự. Vậy, công tác cán bộ cho đại hội công đoàn các cấp ngành GTVT được thực hiện như thế nào?
Đúng vậy, chúng tôi xác định, áp lực nội tại của tổ chức công đoàn là phải đổi mới chính mình, chứ không chỉ có áp lực bên ngoài. Công đoàn phải chủ động, độc lập, phải tinh gọn, nâng cao năng lực, hiệu quả. Muốn vậy, phải có được đội ngũ cán bộ công đoàn năng lực.
Thực sự hiện nay, chúng tôi rất trăn trở về công tác cán bộ. Người làm công tác công đoàn đòi hỏi không chỉ tâm huyết mà phải có bản lĩnh để đưa tổ chức công đoàn hoạt động thực sự hiệu quả, thiết thực, chứ không thể chung chung như trước. Hơn nữa, vừa phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, vừa phải có năng lực chuyên môn, kiến thức pháp lý để bảo vệ quyền lợi người lao động ngay từ khâu xây dựng kế hoạch cũng như trong suốt quá trình triển khai thực hiện.
Chính vì vậy, Công đoàn GTVT VN đã chỉ đạo rất sát sao và phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền các đơn vị để tìm được cán bộ xuất sắc và đáp ứng đúng theo các quy trình, quy định của Đảng. Còn sau đại hội công đoàn các cấp, Công đoàn GTVT VN sẽ tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm cho các cán bộ công đoàn nhiệm kỳ 2018 - 2023 để họ có thể phát huy vai trò thủ lĩnh công nhân.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận