Ủng hộ 30 ngàn, "nổ" thành 30 tỷ
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai sao kê, minh bạch thông tin "đầu vào" từ thiện; nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã yên tâm khi tìm thấy thông tin đóng góp của mình trên bản danh sách.
Mặt khác, ở phía ngược lại, bản sao kê cũng khiến không ít "nhà hảo tâm dỏm" không khỏi giật mình, sợ hãi, xấu hổ khi bị các "kiểm toán online" phát hiện ra họ đã nâng khống số tiền ủng hộ để đánh bóng hình ảnh.
Đơn cử như trường hợp nữ vận động viên thể dục dụng cụ P.N.P bị "soi", tài khoản trùng khớp tên cô ủng hộ 500.000 đồng. Nhưng trước đó, trong một bài đăng trên mạng xã hội, P.N.P đã khoe khéo hình chụp lệnh chuyển khoản đến Mặt trận Tổ quốc. Mặc con số cụ thể đã được nữ vận động viên này dùng icon hình lá cây che, song người xem có thể dễ dàng đoán ra số tiền lên đến nhiều chục triệu đồng bởi có đến 8 con số.
"Choáng" hơn, một Tiktoker có tên Dương Hoàng Huy "nổ" đã chuyển khoản 30 tỷ ủng hộ đồng bào bị bão lũ. Tuy nhiên, trong list sao kê, số tiền của anh này chỉ là... 30.000 đồng.
Một TikToker khác chuyển khoản số tiền rất nhỏ, nhưng khoe ủng hộ 20 triệu đồng. Sau khi bị cộng đồng mạng bóc phốt, nhân vật này đã xin lỗi và chuyển đủ số tiền như đã hứa.
Dở khóc, dở cười vì bỗng dưng... có tên trong sao kê
Bên cạnh đó, danh sách sao kê cũng dẫn đến những tình huống "dở khóc, dở cười", như một số tập thể đơn vị chỉ đóng góp vài chục nghìn đồng, thậm chí có trường hợp chỉ vài nghìn đồng. Hy hữu hơn, có trường hợp bị "mạo danh" ủng hộ gây ra sự tranh cãi. Điển hình là Rạp Xiếc Trung ương, trong bản sao kê có thể hiện mã giao dịch 638010.100924.121857 với nội dung "tap the ae rap xiec trung uong ung ho" (tạm dịch: "Tập thể anh em Rạp Xiếc Trung ương ủng hộ") số tiền 10.000 đồng. Thông tin "cả một rạp xiếc mà chỉ đóng góp 10.000 đồng" lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, khiến cho lãnh đạo đơn vị này phải phân trần khắp nơi.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Mạnh Cường, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam phủ nhận khoản ủng hộ 10.000 đồng đó là của đơn vị mình.
Tài khoản Facebook Quang Linh Vlogs với 1,3 triệu lượt người theo dõi và có tương tác khá cao cũng lên tiếng bị người khác nặc danh để kêu gọi tài trợ một chương trình cứu trợ...
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, mọi hành vi mạo danh người khác để thực hiện các giao dịch dân sự đều là hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, kể cả mạo danh để thực hiện hoạt động thiện nguyện.
Theo luật sư Cường, bản chất của việc chuyển khoản vào tài khoản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện hoặc cho các tổ chức cá nhân đứng ra kêu gọi từ thiện để làm từ thiện là giao dịch tặng, cho tài sản. Pháp luật quy định hợp đồng tặng cho tài sản hợp pháp thì người tặng cho phải mang tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình, tự nguyện cho người khác mà không có điều kiện ràng buộc.
Tính đến 17h ngày 13/9, các tổ chức, cá nhân đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương số tiền 775,5 tỷ đồng để ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3.
Nếu một người dùng tài sản mang tên người khác, người được mang tên không biết, không đồng ý thì việc tặng cho đó không có hiệu lực pháp luật. Hợp đồng dân sự có thể bị vô hiệu do giả tạo, không đúng ý chí, không đảm bảo yếu tố hợp pháp về chủ thể.
Trường hợp mạo danh cơ quan tổ chức để thực hiện các hành vi gây ảnh hưởng đến uy tín của họ thì đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi đưa tin sai sự thật. Người thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính 5-10 triệu đồng nếu là cá nhân, 10-20 triệu đồng với tổ chức (theo quy định tại Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP).
Đồng thời có thể bị phạt 10-20 triệu đồng về hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Có làm lộ thông tin "nhạy cảm"?
Bên cạnh những hiệu quả tích cực từ công khai sao kê, cũng nhiều ý kiến băn khoăn rằng, việc này đã dẫn đến lộ thông tin cá nhân về tài khoản ngân hàng, thông tin người ủng hộ, số tiền ủng hộ - thông tin vốn nhạy cảm, gây ra những phiền toái nhất định.
Chia sẻ băn khoăn này, luật sư Cường cho hay, Nghị định 93 (93/2021/NĐ-CP) quy định, đơn vị tiếp nhận, quản lý, phân phối tiền từ thiện phải công khai minh bạch về thu chi tài chính. Việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai sao kê, thông tin tài khoản chuyển tiền và chi tiết số tiền từ thiện của các tổ chức cá nhân là cần thiết, thể hiện công khai minh bạch và phù hợp với quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng đóng góp các khoản đóng góp tự nguyện…
Theo nội dung sao kê tài khoản thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai số tiền, mã chuyển khoản, số tài khoản, tên người ủng hộ mà không công khai chi tiết về các thông tin khác liên quan đến nhân thân của người nộp tiền là phù hợp. Nếu công khai chi tiết tất cả các thông tin nhân thân của người nộp tiền mà không được sự đồng ý của họ thì sẽ không phù hợp với quy định của pháp luật.
"Với nội dung thông tin ở mức độ như trên thì tôi cho rằng hoàn toàn hợp lý. Những người nào thiện nguyện nhưng không muốn nêu tên thì nội dung chuyển khoản có thể ghi rõ để khi công khai thông tin, cơ quan chức năng sẽ che thông tin của họ. Pháp luật hiện nay không quy định mức độ cung cấp thông tin đến đâu nhưng quy định đơn vị tiếp nhận quản lý tiền, hàng từ thiện phải công khai minh bạch.
"Bản chất hoạt động thiện nguyện là quan hệ dân sự, theo sự thỏa thuận giữa các bên, bởi vậy việc thỏa thuận về mức độ công khai minh bạch, về bảo mật thông tin do các bên có thể tự thỏa thuận, pháp luật mở rộng quyền tự do thỏa thuận trong những trường hợp này", luật sư Cường nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận