Công nghệ lấp lỗ hổng trong đào tạo lái xe
“Xe gì mà đạp hết cả chân vẫn chưa vào côn, đóng cửa sầm cái kính rơi xuống không kéo lên được... Cả khóa mà đi đường trường được 1 buổi, lại còn phải 4 người thay nhau” - đây là lời phàn nàn của 1 học viên khi vừa trải qua khóa đào lại lái xe ở Hà Nam vào thời điểm cách đây 1 năm.
Các học viên thực hiện bài tập ghép ngang trong sân tập lái của Trường Trung cấp nghề Giao thông và xây dựng Việt Úc.
Đây không phải là thực trạng của 1 trung tâm mà đa số các trung tâm đào tạo lái xe đều đã có lúc gần như buông lỏng, thậm chí phó mặc toàn bộ cho các thầy dạy lái. Người đi học chỉ được hướng dẫn làm sao để thi đỗ trên sa hình, học các mẹo để qua lý thuyết, còn không được đào tạo kỹ năng ứng phó tình huồng trong thực tế. Nhiều người khi có bằng mà không dám cầm lái, hoặc trước khi tự cầm lái phải nhờ bạn bè, người lái xe lâu năm dạy lại...
Thầy Nguyễn Văn Hoàn - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Giao thông và Xây dựng Việt Úc, thừa nhận: Đúng là trước đây ở các cơ sở đào tạo lái xe có tình trạng nhà trường, trung tâm không kiểm soát được hết thời gian, lịch trình dạy của thầy, cũng như các học viên. Điều này xuất phát từ 2 yếu tố: thứ nhất là để tạo điều kiện linh hoạt về thời gian cho người học, thứ 2 công tác quản lý trong đào tạo còn lỏng lẻo. Thế nhưng trong hoạt động sát hạch thì các cơ sở đều tuyệt đối nghiêm túc. Riêng với những trường hợp có bằng mà không thể tự tin lái xe thì cũng có nhiều nguyên nhân, ví như có người học xe số sàn xong ra lái xe tự động, hoặc có bằng đã lâu không cầm lái thì khi mới mua xe, chắc chắn phải làm quen lại với phương tiện.
Ở góc độ khác, thầy Hoàng Đức Mẫn - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam, cho rằng: Trường chúng tôi là trường nghề, có lịch sử lâu đời, cũng là đơn vị đầu tiên ở Hà Nam tổ chức đào tạo lái xe cơ giới (từ năm 1990). Vì thế công tác đào tạo luôn thực hiện một cách bài bản, chặt chẽ từ lý thuyết đến thực hành nên học viên sau khi ra trường đều có đủ kỹ năng để điều khiển phương tiện.
Các ứng dụng công nghệ và thiết bị giám sát hiện đại đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch GPLX
Tuy nhiên, thầy Mẫn cùng thừa nhận: Trước đây, việc giám sát hoạt động của các thầy dạy lái, bài học thực hành của học viên khi ở bên ngoài trường rất khó. Trường chỉ có thể theo dõi thông qua lịch giảng dạy, lịch đăng ký xe... Các quy định mới đã lấp đi được khoảng trống này. Các hệ thống như camera, giám sát hành trình D.A.T, công nghệ thông tin bổ trợ rất tốt cho khâu quản lý, giám sát nâng cao chất lượng đào tạo.
Các cơ sở loay hoay vượt khó
Việc đầu tư mua sắm trang thiết bị, lắp đặt thêm hệ thống modun cho bài thi mô phỏng đã và đang được các cơ sở ở Hà Nam thực hiện một cách nghiêm túc. Như ở trường Nghề Hà Nam: hiện tại cơ sở này đã lắp đặp xong hệ thống máy tính, máy chủ kết nối truyền dữ liệu liên thông về Cục Đường bộ Việt Nam. 100% các xe tập lái đã được lắp đặt thiết bị GSHT và hệ thống nhận diện khuôn mặt. Riêng về cabin cho công tác đào tạo phần mô phỏng đã được đơn vị ký hợp đồng, dự kiến 1/1/2023 sẽ áp dụng cho các học viên.
Còn đối với trung tâm đào tạo.. đã lắp đặt 150/195 xe đào tạo, sát hạch. Đã bố trí 2 phòng trong đó 1 phòng phục vụ đào tạo, 1 phòng sát sạch với 2 máy chủ, máy trạm để phục vụ công tác dạy lý thuyết, thực hiện các bài thi lý thuyết và thi mô phỏng. Riêng việc mua sắm cabin cho phần thi mô phỏng theo quy định mới, dự kiến đơn vị này sẽ phải mua thêm từ 7 - 10 cabin. “Đây là khoản đầu tư lớn nên chúng tôi vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, thương thảo hợp đồng với các nhà cung cấp thiết bị đã được cấp chứng nhận hợp quy", thầy Hoàn cho biết.
Việc đầu tư trang thiết bị để nâng cao chất lượng dạy và sát hạch GPLX theo các quy định mới tuy mang đến nhiều lợi ích cho nhà quản lý, nhưng cũng tạo ra nhiều khó khăn, áp lực cho các đơn vị cơ sở. Ví như để thực hiện theo đúng lộ trình thì từ tháng 6/2022, 2 cơ sở đào tạo ở Hà Nam đã phải bỏ ra số tiền hàng tỷ đồng.
“Trường đã phải đầu tư lại hệ thống trang thiết bị từ máy tính, máy chủ, sever, đường truyền... mọi thứ đều phải đồng bộ, đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu đào tạo. Cùng đó, các giảng viên cũng phải học hỏi cái mới, đôi khi vừa học vừa tiếp thu vừa rút kinh nghiệm và truyền đạt lại cho các học viên. Giai đoạn đầu phải nói là rất vất vả vì thiết bị hoạt động chưa ổn định, các cơ sở, người dạy gần như không có thời gian để làm quen với các thiết bị, quy định mới. Nhất là thời gian gần đây, các học viên có tâm lý ngại học, số lượng người đăng ký học giảm", thầy Mẫn chia sẻ.
Thầy Hoàn cho rằng: Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến thời hạn các trung tâm phải lắp đặt, đưa vào sử dụng hệ thống cabin buồn lái mô phỏng. Thế nhưng, đến nay cả nước mới chỉ có 1 - 2 đơn vị cung cấp được thiết bị hợp quy chuẩn mà giá thành lại rất cao, từ 400 - 500 triệu đồng/ca bin, tính ra gần bằng mua 1 xe ô tô mới, mà chất lượng thì khó đảm bảo. Cộng với thời gian quá gấp gáp khiến cho các đơn vị rơi vào thế bị động, gần như lúc nào cũng phải chịu cảnh “nước đến chân mới nhảy”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận