"Cửa sáng" cho bất động sản công nghiệp
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến cuối năm 2024 đã đạt 38,23 tỷ USD. Đáng chú ý, các dự án mới và mở rộng liên quan đến sản xuất bán dẫn, năng lượng, linh kiện và sản phẩm điện tử ngày càng chiếm tỷ trọng lớn nhờ sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam.
Trên cơ sở này, ông Thomas Rooney, Phó giám đốc Bộ phận Dịch vụ Bất động sản Công nghiệp của Savills Hà Nội nhận định, vị trí địa lý thuận lợi trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã biến Việt Nam thành điểm đến chiến lược của các tập đoàn công nghệ lớn. Đầu tư vào các dự án công nghệ cao và trung tâm R&D đang thúc đẩy nhu cầu phát triển hạ tầng và nhà xưởng, tạo động lực mạnh mẽ cho thị trường bất động sản công nghiệp.
Đáng chú ý, báo cáo mới nhất từ Savills cho biết, tổng diện tích đất công nghiệp cả nước đã vượt 38.200ha với 203 khu công nghiệp đang hoạt động, tăng 5% so với năm trước. Việt Nam sở hữu lợi thế lớn nhờ gần thung lũng Silicon của Trung Quốc (Quảng Châu - Thâm Quyến - Đông Hoản), phù hợp với chiến lược "Trung Quốc +1" nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm rủi ro địa chính trị của các tập đoàn quốc tế.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông đang được đầu tư mạnh mẽ với 7% GDP dành cho các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành và cảng nước sâu Cái Mép. Điều này không chỉ tăng cường khả năng kết nối toàn cầu mà còn nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực dồi dào và chính sách hỗ trợ ưu đãi cho các dự án công nghệ cao cũng là yếu tố quan trọng thu hút dòng vốn quốc tế.
Gần đây, thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và NVIDIA, tập đoàn hàng đầu thế giới về AI và bán dẫn, đã đánh dấu bước ngoặt lớn. Việc NVIDIA xây dựng trung tâm R&D tại Việt Nam không chỉ khẳng định tiềm năng của quốc gia này mà còn mở ra cơ hội phát triển vượt bậc cho các khu công nghệ cao và thị trường bất động sản công nghiệp.
Ông Thomas nhấn mạnh: "Dự án của NVIDIA tại Việt Nam sẽ tạo nên một cú hích mạnh mẽ cho việc phát triển các khu công nghệ cao, nâng cao giá trị bất động sản công nghiệp và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn trong ngành công nghệ. Đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao hàng đầu khu vực".
Sức hút của ngành bán dẫn
Với doanh thu đạt 18,2 tỷ USD trong năm 2024, ngành công nghiệp bán dẫn đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ Việt Nam. Không chỉ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lĩnh vực này còn tạo lực đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển của bất động sản công nghiệp.
Ông Thomas dự báo: "Trong giai đoạn 2025-2026, chất bán dẫn sẽ tiếp tục là tâm điểm của ngành công nghệ toàn cầu. Việt Nam, với lợi thế sẵn có và các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, đang nỗ lực gia tăng sức hút đối với các nhà đầu tư quốc tế".
Một trong những lợi thế cạnh tranh nổi bật của Việt Nam trong ngành bán dẫn chính là nguồn tài nguyên đất hiếm phong phú, đứng thứ hai thế giới về sản lượng sau Trung Quốc. Đây là nguyên liệu thiết yếu cho sản xuất chip bán dẫn và các thiết bị điện tử, tạo nền tảng quan trọng để Việt Nam phát triển bền vững trong lĩnh vực công nghệ cao.
Đặc biệt, Chính phủ đang có nhiều chính sách thuận lợi để phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam. Chất lượng nguồn nhân lực cho ngành này đang không ngừng được cải thiện. Theo Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" đưa ra mục tiêu đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Thường vụ Quốc hội cũng đã thông qua việc thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho các dự án công nghệ cao, nhằm ổn định môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Cùng với đó, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các dự án đầu tư và hướng đến đảm bảo năng lượng bền vững.
Các địa phương và ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao đã cam kết đảm bảo cung cấp đầy đủ điện, nước để hỗ trợ nhu cầu của các doanh nghiệp trong ngành bán dẫn.
Với những lợi thế trên cùng nỗ lực định hướng và phát triển của Chính phủ, bất động sản công nghiệp tại Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn.
Nổi bật là các nhà xưởng, nhà kho xây sẵn của các nhà phát triển lớn trong ngành như Frasers, Logos và IDEC, đáp ứng đầy đủ yêu cầu khắt khe của ngành bán dẫn, với cơ sở hạ tầng hiện đại và hệ thống an toàn cháy nổ. Các nhà dự án sở hữu vị trí chiến lược, gần các sân bay quốc tế, giúp các nhà đầu tư dễ dàng vận chuyển và giao thương.
Bên cạnh đó, khu công nghiệp sinh thái Thuận Thành ở Bắc Ninh - với kết nối giao thông thuận tiện đến Hà Nội, cảng Hải Phòng và sân bay Nội Bài - được định vị là khu công nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, nhằm thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao như bán dẫn.
Chuyên gia Savills chia sẻ thêm: "Để đón nhận sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, không chỉ các khu công nghiệp mới được xây dựng theo mô hình xanh mà các khu hiện có cũng đang được nâng cấp hạ tầng. Trong ba năm tới, VSIP sẽ nâng cấp một số khu công nghiệp, bắt đầu với dự án tại Long An, khu đầu tiên ở phía Nam".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận