Quản lý

Công nghệ là “chìa khóa” để quản chặt vận tải

17/08/2019, 06:47

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có cách tiếp cận mới quản lý vận tải, phải ứng dụng công nghệ, đồng thời phát huy hiệu quả của thiết bị GSHT.

img
Danh sách khách hàng “ảo” của nhà xe Thành Bưởi

Từ những bản hợp đồng kỳ lạ xe Thành Bưởi

Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh “bến cóc” của nhà xe Thành Bưởi trên đường Hùng Vương (ngã tư Hùng Vương phường 9, quận 5 và đường Nguyễn Duy Dương, TP HCM) gây bức xúc dư luận, mất ATGT… Thế nhưng, hiện mỗi ngày vẫn có vài chục xe giường nằm loại 45 chỗ của nhà xe Thành Bưởi dừng, đỗ, đón khách tại đây.

Nhiều người đặt vấn đề vì sao hàng loạt xe hợp đồng của nhà xe Thành Bưởi lại thường xuyên dừng đỗ đón trả khách trên đường này và chạy tuyến cố định Sài Gòn - Đà Lạt?

Có mặt lúc TTGT xử phạt, PV hỏi xe có hợp đồng không thì tài xế trả lời “có, đang tìm”. Tuy nhiên, hơn 30 phút sau, tài xế mới trình ra được bản hợp đồng. Thế nhưng trong bản hợp đồng lại ký giữa Công ty Thành Bưởi với Công ty TNHH Thành Bưởi (hai công ty thực chất một chủ - PV). Nói cách khác, nhà xe Thành Bưởi đã dùng “tay trái” của mình là bên cho thuê ký hợp đồng với “tay phải”- bên được thuê với tên gọi “lữ hành du lịch”.

Trong bản hợp đồng có nhiều dấu hiệu bất thường, ghi hợp đồng vận chuyển 44 người, nhưng lúc TTGT kiểm tra trên xe chỉ có 27 người và danh sách hành khách chỉ có số 34. Ngoài tên họ, ngày tháng năm sinh không có bất kỳ thông tin nào thêm. Kỳ lạ hơn, ở dòng số thứ tự 20 và 21 không ghi tên hành khách mà được ghi: “Xe này không có nhân viên phục vụ, chỉ nhận khách Đà Lạt”. Trên tờ nhật trình được kẻ ô ghi vị trí ghế ngồi của hành khách có vị trí lại ghi dòng chữ: “báo sau”.

Có ý kiến cho rằng đây là hình thức tổ chức gom khách lẻ, sau đó lập danh sách hành khách rồi để hai công ty của chính mình ký với nhau. Việc này nhằm mục đích lách luật để xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định.

Từ trường hợp của Thành Bưởi, cũng như những chiêu trò mà các phương tiện limousine đối phó lực lượng chức năng để kinh doanh vận chuyển hành khách tuyến cố định, đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng trá hình, ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, nếu kết hợp thiết bị GSHT với dùng bản đồ số, chỉ cần ngồi một chỗ cũng biết được xe đang chạy ở đâu trên quãng đường, hành trình dừng đỗ thế nào. Thiết bị GSHT cần nâng lên mức quản lý này, đảm bảo công bằng trong kinh doanh vận tải. Nhất là đối với loại hình xe hợp đồng trá hình nếu dùng công cụ là Luật Thuế kết hợp với thiết bị GSHT, loại hình này không thể trốn được thuế, khi không trốn được thuế, doanh nghiệp sẽ chẳng còn thiết tha hoạt động như hiện nay.

“Nếu thiết bị GSHT được khai thác tốt sẽ là công cụ quản lý hữu hiệu đối với nhiều doanh nghiệp vận tải, chủ xe và các cơ quan quản lý khi có thể ghi nhận, tổng hợp thông tin về phương tiện, người lái như vị trí, tốc độ, lộ trình, thời gian lái xe… Thông qua thiết bị này, doanh nghiệp còn có thể giám sát được hàng hóa trên xe hàng, kiểm soát tình trạng nhồi nhét, chở quá số người trên xe khách, từ đó chủ động điều chỉnh các hành vi của tài xế”, ông Liên nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty CP Ô tô Điện Biên cho rằng, việc gắn và sử dụng hiệu quả thiết bị GSHT trên mỗi phương tiện sẽ giúp cho đơn vị có thể quản lý tốt từng xe. Đây là công cụ để cơ quan quản lý giám sát các dữ liệu liên quan đến hành trình, tốc độ, thời gian làm việc của các lái xe trong ngày của các doanh nghiệp vận tải.

Mặt khác, cần nghiên cứu nguồn điện của xe phải đồng thời với hoạt động của thiết bị GSHT để nếu ngưng hoạt động của thiết bị GSHT thì động cơ xe sẽ không nổ được, nhằm tránh gian lận của lái xe.

Công nghệ là then chốt

img
Bên trong chiếc xe Limousine hãng Phúc Xuyên chạy tuyến Hà Nội - Quảng Ninh. Chiếc xe đang trên đường đưa đón khách tận nhà trên địa bàn Hà Nội vào sáng 30/7. Ảnh: Hữu Tuấn

Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, để quản lý tốt vận tải, tới đây cần tiếp cận theo hướng vận tải trong kỷ nguyên công nghệ 4.0. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, bản chất dịch vụ vận tải hiện đã thay đổi nhưng quy định pháp luật không theo kịp. Xe hợp đồng Limousine là một ví dụ. Trước đây, khi chưa có điện thoại di động, Internet, người dân phải ra bến xe vì nơi đó là địa điểm cố định để nhận diện dịch vụ vận tải và buộc phải đến bến mới có xe để di chuyển. Đến nay, người dân nhận diện dịch vụ qua mạng, qua điện thoại di động, biết thông tin liên quan về chuyến xe mình đi. Trong chừng mực nào đó, loại hình xe Limousine đang phù hợp với sự phát triển. Tuy nhiên, cần xem lại các điều kiện đối với loại hình này để nó cũng phải an toàn và thực hiện các nghĩa vụ khác như tuyến cố định.

Từ đây cũng đặt ra vấn đề đối với tuyến cố định là nên vẫn giữ theo quy định hiện hành hay nên thay đổi? Nếu giữ nguyên thì cần phải làm gì và thay đổi thì nên thay đổi thế nào?

Hà Nội và một số tỉnh thành đang có kế hoạch chuyển các tuyến cố định dưới 100km thành xe buýt. Khi đó, có thể tổ chức xe tuyến cố định thành các tuyến xe buýt liên tỉnh và coi nó là một loại dịch vụ vận tải công cộng ổn định, ngày, giờ chạy xe được cố định để phục vụ người dân, không phụ thuộc vào xe có khách hay không. Xe được dừng đỗ ở các tuyến phố không cấm và có công cụ để quản lý, đón trả khách đúng điểm, không trốn thuế, với điều kiện công nghệ hiện nay hoàn toàn có thể làm được.

Trong khi đó, ông Đỗ Công Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, hệ thống xử lý dữ liệu GSHT được Tổng cục Đường bộ đưa vào sử dụng từ năm 2015. Từ đó đến nay, Tổng cục Đường bộ chưa được bố trí nguồn kinh phí để duy trì và nâng cấp hệ thống máy chủ đáp ứng nhu cầu quản lý Nhà nước đối với hoạt động vận tải. “Do không có nguồn tài chính để đầu tư nâng cấp hệ thống, trong khi số lượng phương tiện truyền dữ liệu tăng nhanh theo lộ trình của Nghị định 86/2014 đã làm cho hệ thống gặp sự cố kỹ thuật và xuất hiện tình trạng quá tải trong một số thời điểm”, ông Thủy nói.

Theo ông Thủy, đến nay toàn quốc có trên 742.000 phương tiện kinh doanh vận tải lắp thiết bị GSHT. Hàng tháng bình quân có từ 75% tổng số phương tiện truyền dữ liệu về hệ thống của Tổng cục, tỷ lệ xe không truyền dữ liệu bình quân là 25 - 28%. Nguyên nhân có thể do xe ngừng hoạt động kinh doanh hay đi bảo dưỡng, sửa chữa hoặc do xe hỏng đột xuất, do lái xe cố tình ngắt thiết bị trong quá trình hoạt động hoặc do xe hoạt động thường xuyên ở khu vực không có mạng.

“Để tiếp tục khai thác có hiệu quả dữ liệu từ thiết bị GSHT, Tổng cục Đường bộ VN sẽ nâng cấp hệ thống để đáp ứng tốt theo yêu cầu quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải”, ông Thủy nói thêm.

Đảm bảo minh bạch, công bằng

Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, trong quá trình sửa đổi Luật GTĐB thời gian tới, Bộ sẽ đề xuất các giải pháp để phân biệt, xác định rõ các loại hình vận tải hành khách, không để đơn vị vận tải, lái xe lách luật, đăng ký hình thức xe hợp đồng nhưng hoạt động như tuyến cố định. Đồng thời xây dựng phần mềm quản lý thông tin của hợp đồng vận chuyển hành khách đối với xe hợp đồng bằng phần mềm thống nhất trong cả nước, tạo điều kiện thuận lợi trong kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.

Ngoài ra, cải tiến các tính năng tự cảnh báo khi xe vi phạm trong phần mềm quản lý dữ liệu từ thiết bị GSHT để các cơ quan chức năng có thể xử lý vi phạm trực tiếp. Cùng với đó xây dựng phần mềm tra cứu, quản lý lái xe trực tuyến trên toàn quốc để tăng cường công tác quản lý đội ngũ lái xe; Nghiên cứu đề xuất cơ chế phối hợp với Bộ Tài chính trong công tác đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin đối với hoạt động kinh doanh của các đơn vị vận tải để tăng cường công tác quản lý việc thu thuế, đảm bảo minh bạch, công bằng giữa các loại hình kinh doanh vận tải.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.