Là nhà thầu tiên phong ở Việt Nam, FECON phối hợp cùng Tập đoàn Raito Kogyo (Nhật Bản) đã đưa về Việt Nam công nghệ cọc RAS Column có tính chất đột phá, giải quyết hầu hết những thách thức các dự án ven biển ven sông gặp phải trước đó.
Tiếp cận công nghệ hàng đầu Nhật Bản
Trong hai ngày 14 và 15/12, tại Hà Nội diễn ra hội nghị quốc tế về địa kỹ thuật lần thứ 5 (GEOTEC HANOI 2023), nơi quy tụ hơn 1000 đại biểu đến từ 40 quốc gia với nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới.
Sáu chủ đề chính của hội nghị gồm những nội dung được quan tâm nhất hiện nay trong lĩnh vực địa kỹ thuật công trình đã diễn ra, gồm móng sâu; thi công hầm và không gian ngầm; cải tạo nền đất yếu; mô hình số và quan trắc địa kỹ thuật; trượt lở và xói mòn; năng lượng gió ngoài khơi và địa kỹ thuật bờ biển.
Tại chuyên đề về trượt lở và xói mòn - vấn đề nóng trên toàn cầu có hơn 40 bài báo cáo khoa học của các diễn giả đến từ nhiều quốc gia. Trong đó, công nghệ RAS column, một công nghệ mới của Nhật Bản do FECON và đối tác Raito Kogyo giới thiệu tại gian hàng triển lãm trung tâm, nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà khoa học cũng như các đơn vị thi công công trình.
Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FECON (Trưởng ban tổ chức GEOTEC HANOI 2023) cho biết, là một quốc đảo, Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến vấn đề xói lở bờ biển và có nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến. Trong hơn 5 năm qua, công nghệ RAS column do Raito Kogyo nghiên cứu đã được ứng dụng rộng rãi trong quá trình thi công tại Nhật Bản. Đây là giải pháp công nghệ giúp tăng khả năng chịu lực của nền móng và chắn giữ các công trình ven biển với hiệu quả rất cao.
Ông Khoa chia sẻ thêm, FECON đã tiếp cận công nghệ này của Tập đoàn Raito Kogyo (Nhật Bản) từ sau hội nghị GEOTEC HANOI 2019. Sau khi thực hiện chuyển giao, công nghệ này được FECON áp dụng vào thi công tại dự án xây dựng bến 5, 6, Khu bến cảng Lạch Huyện thuộc Cảng biển Hải Phòng.
Quá trình triển khai cho thấy, công nghệ có hiệu quả rất cao, đảm bảo khả năng chịu lực vượt trội, chất lượng đồng đều 1000 cọc như một mặc dù cọc đường kính lớn đến 1.8m và sâu đến 30m. Đặc biệt, công nghệ giúp tiến độ khâu xử lý nền dự án giảm đi khoảng 1 năm só với các công nghệ thông thường.
"Trước nay, rất nhiều giải pháp đưa ra nhưng chưa giải pháp nào giải quyết rốt ráo mục tiêu vừa tăng chịu lực nền đất vừa chống sạt trượt ven sông, ven biển hiệu quả. Công nghệ RAS column đã giúp giải quyết gần như triệt để vấn đề sạt lở và chịu lực đối với các khu vực chịu lực ven biển, ven sông thuộc các dự án kho cảng hoặc nhà máy lớn, đặc biệt công nghệ có thể chặn đứng các tác nhân gây xói mòn bờ - những vấn đề chúng ta gặp khó khăn từ trước đến nay", ông Khoa nói.
Theo ông Nguyễn Đình Cương - Trưởng nhóm xử lý nền Ban Kỹ thuật FECON, việc áp dụng công nghệ RAS column trong thi công trụ đất xi măng giúp đạt được chất lượng thi công theo yêu cầu trong khi sử dụng lượng xi măng ít hơn so với công nghệ CDM (cọc xi măng đất) thông thường. Mục tiêu hướng tới khi áp dụng công nghệ RAS column là nâng cao năng suất thi công, từ đó giảm được rất nhiều thời gian thi công và chi phí cho dự án.
Cho phép ứng dụng đa dạng trong nhiều loại hình dự án
Sau dự án xây dựng Bến 5,6 Khu bến cảng Lạch Huyện thuộc Cảng biển Hải Phòng, đại diện FECON cho biết, công nghệ RAS column có thể mở rộng triển khai ở nhiều dự án khác trên cả nước do tính tối ưu của công nghệ cả về kỹ thuật và hiệu quả kinh tế.
Đồng thời, từ kinh nghiệm triển khai tại Nhật Bản và Việt Nam, với mỗi công trình cụ thể FECON sẽ có nghiên cứu đất nền để đưa ra cấp phối về vật liệu phối trộn cho phù hợp. Điều này là cơ sở để mở rộng ứng dụng công nghệ sang nhiều loại dự án khác nhau với các yêu cầu chịu lực khác nhau chứ không chỉ dừng lại ở các dự án tại các khu vực bờ sông, bờ biển.
Công nghệ RAS column sử dụng hệ cánh cắt và cánh trộn quay ngược chiều được truyền động nhờ bộ động cơ kép. Đặc điểm này giúp tăng hiệu quả trộn vữa xi măng với đất, tạo ra trụ đất xi măng có tính đồng nhất cao. Động cơ kép với công suất lớn có thể thi công qua lớp đất có trạng thái dẻo cứng tạo ra trụ đất xi măng có đường kính lên đến 2,5m chiều sâu tới 35m. Cần khoan có cánh xoắn liên tục giúp đưa dòng bùn trào ngược dễ dàng hơn và ít ảnh hưởng đến công trình xung quanh.
Việc kiểm soát thông số thi công của công nghệ RAS column đều được thực hiện tự động hóa và được điều khiển tại buồng điều khiển thông qua hệ thống sensor được kết nối với máy tính chuyên dụng và được kiểm soát liên tục theo thời gian thực trong quá trình thi công bởi kỹ sư giàu kinh nghiệm. Nhờ đó, khâu vận hành cũng như xử lý tình huống trong quá trình thi công rất kịp thời và hiệu quả.
Chính vì các yếu tố này mà trụ đất xi măng công nghệ RAS column không chỉ cải thiện chất lượng thi công mà còn giúp tạo nhiều lợi thế cạnh tranh so với công nghệ thi công CDM (Cọc xi măng đất) truyền thống.
Các chuyên gia đánh giá, công nghệ RAS column là chìa khóa trong thiết kế và thi công các công trình chịu lực ven sông, ven biển, đặc biệt với các công trình có mục tiêu kép là chịu lực và chống sạt lở xói mòn nhằm nhằm đảm bảo bền vững cho công trình.
Công nghệ này càng có ý nghĩa hơn khi nó được chuyển giao vào Việt Nam trong bối cảnh vấn đề xói lở bờ sông, bờ biển diễn ra đặc biệt nghiêm trọng những năm qua, và dự báo tiếp tục xảy ra trong thời gian tới bởi Việt Nam được nhận định là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh nhất của biến đổi khí hậu,.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận