Đóng tàu Trung Quốc được dự báo đứng đầu trong 10 ngành có nguy cơ phá sản |
Kỳ 1: Vật lộn để tồn tại
Sau khoảng 10 năm phát triển ồ ạt, ngành Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có.
Lỗ nặng
Theo Hiệp hội đóng tàu Trung Quốc, tổng lợi nhuận của 80 doanh nghiệp đóng tàu giảm 53,6%, xuống còn 3,58 tỷ NDT (570 triệu USD). Về sản lượng, năm 2013, giảm khoảng 50%, theo báo cáo của Bộ Tài chính Trung Quốc. Ông Chen Qiang - Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp nặng Rongsheng - hãng đóng tàu tư nhân lớn nhất Trung Quốc cho biết: “Doanh thu năm 2012 của hãng 7,9 tỷ NDT (1,29 tỷ USD), giảm 50% so với cùng kỳ năm trước”. Ông Tang Yong - Trưởng Văn phòng Tài chính Công ty Đóng tàu Dayang tại Dương Châu nhận định: “Giá đóng tàu mới thời điểm này đang ở mức thấp nhất trong thập kỷ trở lại đây dẫn đến lợi nhuận các doanh nghiệp đóng tàu thu về rất mong manh”.
Tập đoàn đóng tàu Rongsheng đã cắt giảm khoảng 30-50% lương của các quản lý cấp cao và cấp trung để bù đắp thua lỗ. Cuối tháng 12/2013, Rongsheng có 4.738 nhân viên - giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi 3 năm trước hãng này thuê tới 20.000 nhân viên và nhà thầu. |
Thời hoàng kim (năm 2004), hàng loạt các hãng đóng tàu tư nhân mọc lên như nấm và trở thành biểu tượng trong nền kinh tế. Nếu trước năm 2000, số lượng các công ty đóng tàu chỉ vài trăm thì đến năm 2007 đã lên tới hơn 3.000. Trung Quốc lọt vào top 3 nước lớn nhất thế giới trong ngành Đóng tàu cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc. Chính vì sự bùng nổ quá nhanh gắn liền với tư tưởng “làm giàu ăn xổi”, khi gặp phải “cơn sóng thần” khủng hoảng kinh tế toàn cầu, năm 2008, ngành Đóng tàu lao đao và suy sụp nhanh chóng. Đơn đặt hàng giảm mạnh dẫn đến cung vượt quá cầu, giá đóng tàu bị kéo xuống, các hãng phải tạm ngừng sản xuất hoặc hủy đơn hàng.
Ủy ban Kinh tế và Thông tin kỹ thuật tỉnh Giang Tô cho biết, lượng tàu đã hoàn thành và số đơn đặt hàng trong nửa đầu năm 2013 giảm tương ứng 32,9% và 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong số 66 doanh nghiệp, chỉ có 23 doanh nghiệp nhận được đơn đặt hàng mới. Nếu không có thêm đơn hàng mới, thì chỉ cầm cự được trong vòng hai năm nữa.
Chuyển hướng sản phẩm
Tập trung sản xuất loại tàu dễ đóng và giá rẻ như tàu chở hàng rời, chở dầu và tàu container là cách các công ty dùng để cạnh tranh, giành giật sự sống. Chỉ một vài hãng lớn dám đầu tư tiền để đóng các loại tàu cao cấp. Ông Li Yanqing - Giám đốc Trung tâm Thông tin đóng tàu cho biết: “Cách thức làm việc này, về lâu dài sẽ nguy hiểm tới “sức khỏe” của ngành”. Hiện nay, Chính phủ xác định phải cải cách ngành Đóng tàu một cách sâu rộng nhằm khắc phục tình trạng nợ nần làm việc kém hiệu quả.
Tháng 8/2013, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc thông báo kế hoạch 3 năm nhằm củng cố ngành Đóng tàu trong đó hạn chế những dự án đóng mới, không cho mở rộng các chương trình cho vay. Ngoài ra, trong kế hoạch tái cơ cấu, sẽ ưu tiên các hãng phát triển các sản phẩm kỹ thuật đại dương như tàu khoan nước sâu, giàn khoan - loại sản phẩm hiện nay thế giới đang có nhu cầu cao phục vụ việc mở rộng tìm kiếm các nguồn năng lượng trên biển. Ông Chang Jianhua - Phó chủ tịch Rongsheng trả lời Tân Hoa Xã rằng, Rongsheng đang có kế hoạch thúc đẩy phát triển các sản phẩm kỹ thuật đại dương, ước tính sẽ mang lại 40% thu nhập cho công ty đến tới năm 2015.
Tuy nhiên, theo ông Ni Tao - Tổng Giám đốc Công ty Vận tải biển Trung Quốc: “Để chế tạo các sản phẩm kỹ thuật đại dương yêu cầu kỹ thuật rất cao và đây chính là “gót chân Asin” của các nhà Đóng tàu Trung Quốc, đặc biệt là các hãng đóng tàu tư nhân. Đó là lý do tại sao, trên thị trường kỹ thuật đại dương, hầu hết các công ty đóng tàu Trung Quốc chỉ là nhà thầu phụ hoặc phải liên kết”. Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ để chế tạo các sản phẩm này bằng kỹ thuật của chính Trung Quốc, ôn Ni Tao cho biết thêm.
Trang Trần
(Còn nữa)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận