Các ngân hàng Trung Quốc được khuyến khích ưu đãi tín dụng cho các hãng đóng tàu |
Sai hẹn đã có... ngân hàng
Cuối tháng 3 vừa rồi, một số ngân hàng và Tập đoàn công nghiệp nặng Rongsheng kí kết mở rộng các khoản vay và một số chương trình tài chính khác với tổng trị giá 10 triệu NDT (1,6 tỷ USD) cho đến năm 2015 nhằm cứu vãn hãng đóng tàu tư nhân lớn nhất Trung Quốc này. Hiện Tập đoàn công nghiệp nặng Rongsheng đang nhận đóng 4 chiếc tàu chở hàng cho Công ty điều hành tàu Dryships Inc của Hy Lạp. Dự kiến năm nay sẽ giao hàng và Dryships Inc đã đặt cọc 8,5% tổng giá trị đơn hàng (11,56 triệu USD). Tuy nhiên, Giám đốc điều hành của Dryships - ông Ziad Nakhleh lo ngại khả năng hãng Rongsheng không giao hàng đúng hẹn. Dù vậy, phía Hy Lạp cũng không hoang mang bởi họ cho rằng, Ngân hàng Trung Quốc – đơn vị bảo đảm cho Rongsheng sẽ đứng ra trả lại tiền đặt cọc nếu Rongsheng không giao hàng kịp thời hạn.
Theo số liệu của Clarksons Research – Công ty nghiên cứu Đóng tàu có trụ sở tại Anh, năm 2013, các hãng đóng tàu Trung Quốc không hoàn thành đúng hạn 1/3 số tàu được đặt hàng. Điều này đồng nghĩa với việc, nhiều ngân hàng ở Trung Quốc như: Ngân hàng ExIm, Ngân hàng Minsheng và Ngân hàng Trung Quốc sẽ phải cho vay hàng tỷ USD để các hãng đóng tàu trả tiền bồi thường hoặc hoàn trả tiền đặt cọc cho khách hàng trong khi chưa biết bao giờ mới hoàn vốn.
Ngân hàng được khuyến khích “mở ví”
Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 khiến các hãng đóng tàu lao đao cắt giảm năng suất, thậm chí nhiều hãng có nguy cơ phá sản. Để cứu vớt ngành công nghiệp khổng lồ nước nhà, các ngân hàng Trung Quốc được yêu cầu ưu đãi tín dụng kéo các hãng tàu khỏi “vũng bùn”.
Khi nhận được một đơn hàng trị giá hàng triệu USD và phải mất hàng năm trời mới có thể giao hàng, các hãng đóng tàu yêu cầu phía mua đặt cọc trước một phần để trang trải chi phí nhân công và nguyên vật liệu. Phía mua sẽ được đảm bảo hoàn lại tiền trong trường hợp hãng ngừng sản xuất hoặc không giao hàng đúng hạn từ một ngân hàng nhận bảo trợ cho hãng đóng tàu. Sau đó, hãng đóng tàu sẽ trả lại số tiền ngân hàng bỏ ra cùng phí dịch vụ.
"Tham vọng của Trung Quốc là trở thành quốc gia đóng tàu lớn nhất. Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng được nhà nước khuyến khích “mở ví” cho các hãng đóng tàu trong nước vay mà không cần thẩm định kỹ lưỡng”.
Ông AKM Ismail Công ty đóng tàu Đông Phương |
Một số luật sư cho biết, có vài trường hợp, các ngân hàng cho vay không yêu cầu hãng đóng tàu thế chấp bởi thỏa thuận giữa họ là hình thức đảm bảo chứ không phải nợ. Vì vậy, khi hãng đóng tàu chậm giao hàng, ngân hàng bị mắc kẹt giữa một bên là phía mua đòi tiền bồi thường, phía kia là các hãng đóng tàu thua lỗ chưa có và chưa biết bao giờ có tiền trả.
Khó ở đây là, nếu ngân hàng không trả tiền bồi thường, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ cao bị bên đặt hàng kiện ra tòa án nước ngoài. Nhưng nếu trả tiền bồi thường hoặc hoàn lại tiền đặt cọc cho bên đặt hàng, vô hình trung ngân hàng gây ra mối bất hòa với chính quyền địa phương và các hãng đóng tàu, dẫn đến ảnh hưởng đến lợi ích kinh doanh của ngân hàng tại địa phương về sau này.
Một Giám đốc tài chính giấu tên đến từ Ngân hàng Minsheng của Trung Quốc cho biết: “Vấn đề trả tiền bồi thường thực sự rất đau đầu. Một mặt, chúng tôi hiểu các khách hàng của mình – tức các hãng tàu - sẽ điêu đứng với khoản nợ lớn nếu chúng tôi hoàn tiền đặt cọc/bồi thường cho bên đặt hàng. Mặt khác, nếu không trả, ngân hàng chúng tôi sẽ mất uy tín” - ông này cho biết.
Trang Trần
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận