Cuộc sống khó khăn của các công nhân xóm trọ càng trở nên “nheo nhóc” với nỗi lo con nhỏ. |
Vất vả trông con nhỏ…
Tới xóm trọ nằm cuối ngõ nhỏ không tên dành cho công nhân tại thôn Bầu, xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội), chúng tôi thăm gia đình anh Mai Văn Luận và chị Lý Thị Kim Ngân (sinh năm 1992, quê Chiêm Hoá, Tuyên Quang) khi anh chị đang tất bật chuẩn bị bữa cơm tối sau khi đón con đi học về.
Trong căn phòng rộng chừng 10m², đồ đạc trong phòng chỉ đủ kê một chiếc giường đôi, một chút quần áo, cộng thêm chiếc bếp ga nhỏ để phục vụ việc nấu nướng. Tất cả đều được “gói gọn” trong một không gian chật chội.
Anh Mai Văn Luận cùng cô con gái Linh Nga trong căn phòng trọ rộng 10m² |
Theo quan sát của PV, đa số những công nhân ở đây chỉ thuê phòng trọ có diện tích nhỏ với loại nhà cấp 4 phổ biến, dùng mái lợp Fibro xi măng. Mùa đông thì lạnh cắt da cắt thịt, mùa hè, nóng như thiêu. Chỉ tay lên chiếc điều hoà mới mua, chị Ngân chia sẻ: “Mùa hè ở đây như một cái lò lửa, người lớn còn không chịu được nói gì đến con nhỏ. Biết là sẽ tốn thêm một khoản, nhưng chúng tôi vẫn quyết định lắp thêm điều hoà, gắn trần nhựa cho con đỡ nóng”.
Cả hai đều là công nhân, thời gian để trông con rất ít, nên họ đã lựa chọn trường tư để gửi con từ thứ 2 đến thứ 7 với chi phí khoảng 1,6 triệu đồng/ tháng. Nếu bận đi làm vào ngày chủ nhật sẽ phải mất thêm tiền trông nom.
Ngồi ôm cô con gái tên Linh Nga, anh Luận tâm sự: “Có lúc mình đi làm về mệt nhưng không được nghỉ ngay vì con quấy, hay ốm. Lại ngồi dậy chơi với con, dỗ con uống thuốc. Khi nào con ngủ thì bố mẹ cũng mới được nghỉ ngơi”.
Chung tình cảnh, anh Trần Văn Hiệp (30 tuổi, quê Tĩnh Gia, Thanh Hoá) cũng đứng ngồi không yên trong việc trông con nhỏ. Cháu Phúc nhà anh năm nay mới được 14 tháng, chưa thể gửi con đi lớp. Vì vậy vợ anh vẫn phải ở nhà để trông con và không đi làm được.
Sau giờ làm việc tại KCN, anh Trần Văn Hiệp tranh thủ bế con trai đi dạo quanh xóm trọ thôn Bầu. |
Với mong muốn ra Hà Nội làm để có được một mức lương cao hơn, thế nhưng với 5 triệu đồng/ tháng, anh lại phải lo thêm nhiều khoản chi phí khác. “Nào là tiền phòng trọ, điện nước, sinh hoạt, sữa, bỉm cho con. Rồi sau này con đến tuổi đi học, rồi thêm nhiều chi phí phát sinh” - anh Hiệp thở dài.
“Cầu viện” ông bà
Bước vào một căn phòng trọ khác, anh Hoàng Thanh Tuyên (quê Đoan Hùng, Phú Thọ) và chị Phạm Thị Triều (quê Kim Sơn, Ninh Bình) đang vui đùa cùng các con sau một ngày làm việc vất vả. Sau gần chục năm đi làm, mức lương của anh Tuyên đã được gần 10 triệu đồng. Thế nhưng chi phí để nuôi hai đứa con ăn học là không đủ, hai vợ chồng tằn tiện lắm mới đủ tiêu.
“Nhiều lúc cả hai vợ chồng cùng đi làm ca, nhất là dịp nghỉ hè này, không có ai trông con lại phải nhờ bà ngoại lặn lội xuống chăm sóc các cháu. Còn việc ốm đau của các con, dù không ai muốn nhưng sẽ lại là khó khăn chồng chất khó khăn”, anh Tuyên bày tỏ.
Hầu hết, việc trông nom, chăm sóc con nhỏ vào thời điểm làm theo ca, trái giờ đối với những công nhân tại đây là một “cực hình”. Vì vậy mà không ít gia đình đã phải “cầu viện” ông bà.
Ra Hà Nội trông cháu đã gần 6 tháng, nhưng bà Trịnh Thị Huỳnh (Thanh Chương, Nghệ An) vẫn chưa quen với cuộc sống xóm trọ. Nhiều thứ với bà vẫn còn lạ lẫm, khác xa ở quê.
Bà Trịnh Thị Huỳnh phải từ Nghệ An ra Hà Nội trông cháu để các con có thời gian đi làm |
Bà tâm sự, khi cháu nội được 6 tháng, bà phải ra trông để cho các con có thời gian đi làm. Nếu thuê người ngoài, bà không yên tâm mà con lại mất thêm một khoản. “Tôi định cháu được hơn một tuổi là đưa về nhà trông chứ ở đây không ở được lâu. Bố mẹ nó nhớ thì cũng phải chịu”, bà Huỳnh cho hay.
Nghe mẹ nói vậy, chị Nguyễn Thị Bảo Yến (công nhân của công ty Samsung) chỉ biết lắc đầu: “Tất nhiên là ai cũng muốn sống bên con, ở bên, chăm sóc con hàng ngày. Nhưng đây là cảnh sống chung của công nhân nghèo biết làm sao được”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận